Tài chính tuần qua: Kéo dài thời gian áp dụng Nghị quyết 42, hỗ trợ lãi suất 2%, BIDV sắp bán khoản nợ 450 tỷ đồng
Nghị quyết số 42 dự kiến sẽ được kéo dài thời gian áp dụng đến hết ngày 31/12/2023.
Ủy ban Kinh tế thống nhất kéo dài thời gian áp dụng Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu
Tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV sáng 24/5, đa số ý kiến trong Ủy ban Kinh tế thống nhất với đề xuất của Chính phủ, theo đó kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42 đến hết ngày 31/12/2023 và đưa nội dung này vào Nghị quyết chung của kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV. Việc kéo dài thời hạn Nghị quyết 42 nhằm tiếp tục phát huy hiệu quả của các chính sách mà Nghị quyết đã mang lại, tránh gián đoạn, thiếu hụt cơ chế, tiếp tục khuyến khích và hỗ trợ TCTD, công ty quản lý tài sản đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu, nhất là nợ xấu được xác định theo Nghị quyết 42 chưa được xử lý còn cao và dự báo có thể gia tăng trong thời gian tới.
Uỷ ban kinh tế Quốc hội cho rằng, kết quả XLNX chưa thực sự vững chắc, một số biện pháp áp dụng theo NQ 42 còn chưa thực sự phát huy hiệu quả như áp dụng thủ tục rút gọn tại tòa án... Thực trạng nợ xấu cho thấy nền kinh tế vẫn tiềm ẩn rủi ro. Các chuyên gia cho rằng, cần phân định rõ trách nhiệm của các đơn vị trong việc triển khai NQ 42. Bên cạnh đó, tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các TCTD thông qua công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động cấp tín dụng, XLNX gắn với Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2021-2026.
Nhiều ngân hàng đã chạm trần room tín dụng. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tăng trưởng tín dụng hết quý I đạt 5,04%, gấp 2,3 lần cùng kỳ năm ngoái. Trong bối cảnh đó, nhiều ngân hàng đã cho vay tiệm cận hạn mức tín dụng được cấp đầu năm và kỳ vọng sẽ được cấp thêm room trong quý II.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước nếu đánh giá một cách thận trọng, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC và các khoản nợ tiềm ẩn thành nợ xấu vẫn ở mức cao (so với tổng dư nợ) là 6,31% vào cuối năm ngoái, Mới đây, cập nhật theo yêu cầu của Ủy ban Thường vụ quốc hội về việc thực hiện Nghị quyết 42 , tại báo cáo chính thức trình Quốc hội, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, lũy kế từ 15/8/2017 đến 31/12/2021, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được 380.200 tỷ đồng nợ xấu.
Đánh giá về triển vọng thị trường tài chính Việt Nam trong năm 2022, TS. Cấn Văn Lực - kinh tế trưởng BIDV cho biết nghiên cứu của BIDV cho thấy trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu phục hồi, nhu cầu vốn tăng, thị trường tài sản tăng tích cực sẽ là động lực để ngành ngân hàng có triển vọng khả quan.
Ngân hàng sẵn sàng triển khai hỗ trợ lãi suất
Ngày 27/5, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn ngành triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn Ngân sách nhà nước 40.000 tỷ đồng theo Nghị định 31/2022 của Chính phủ và Thông tư 03/2022. Để có dư địa triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2%, các nhà băng đồng loạt đề nghị NHNN xem xét nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng. Tại hội nghị, ông Nguyễn Việt Cường, Phó tổng giám đốc Vietcombank, năm nay đề cập nhu cầu vốn của nền kinh tế rất cao, khi các lĩnh vực chịu ảnh hưởng bắt đầu giai đoạn phục hồi.
Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TP HCM, Chi nhánh sẽ chỉ đạo các TCTD trên địa bàn triển khai hỗ trợ lãi suất 2% theo Thông tư hướng dẫn của NHNN đối với các khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hội kinh doanh gắn liền với giải ngân gói tín dụng hơn 400.000 tỷ đồng. Đồng thời, NHNN thành phố sẽ tổ chức các chương trình đối thoại thông tin, tuyên truyền để các TCTD và doanh nghiệp hiểu đúng, hiểu đủ về Thông tư 03.
Nhiều khoản nợ lớn được rao bán
BIDV thông báo lựa chọn tổ chức đấu giá khoản nợ của khách hàng. Tổng dư nợ tạm tính đến ngày 31/1 là 454,2 tỷ đồng. Hiện BIDV chưa tiết lộ chủ của khoản nợ này. Tài sản bảo đảm cho khoản nợ vay là loạt bất động sản tại TP HCM và một số nguyên liệu hàng tồn kho.
SHB trong tuần qua đã có thông báo về việc thực hiện quyền thu giữ tài sản đảm bảo của Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Louis Rice (tên cũ là Công ty TNHH MTV Louis Rice) để xử lý thu hồi nợ vay. Các bên tham gia bảo đảm cho khoản vay còn có: CTCP Quản lý và khai thác tài sản Louis AMC, CTCP Đầu tư và Thương mại Louis Trade Center, CTCP Louis Holdings, ông Vũ Ngọc Long, bà Trịnh Thị Thúy Linh. Đây đều là các cá nhân và tổ chức liên quan đến hệ sinh thái Louis Holdings.
VietinBank Bà Rịa - Vũng Tàu thông báo bán đấu giá khoản nợ thương mại lần thứ 4 của công ty TNHH Lợi Nguyên. Tính đến 27/3, toàn bộ số tiền gốc, lãi, lãi quá hạn là hơn 66 tỷ đồng, trong đó dư nợ gốc ngoại bảng gần 21 tỷ đồng, lãi vay trong hạn là 32 tỷ đồng, lãi phạt quá hạn gốc là 13 tỷ đồng. Giá khởi điểm rao bán VietinBank đưa ra là 48 tỷ đồng. Người tham gia đấu giá phải nộp khoản tiền đặt trước tương đương với 15% giá khởi điểm của tài sản là 7,2 tỷ đồng. Tài sản này vừa được rao bán tuần trước (ngày 19/5) với giá khởi điểm là 53,3 tỷ đồng, như vậy sau một tuần, giá đấu giá đã giảm hơn 5 tỷ đồng.
Một số tin tức đáng chú ý khác:
Thủ tướng quyết định bổ nhiệm lại ông Đào Minh Tú giữ chức vụ Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Quyết định có hiệu lực từ 15/5. Ông Đào Minh Tú được Thủ tướng bổ nhiệm chức vụ Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam lần đầu ngày 15/5/2012. Ông được bổ nhiệm lại giữ chức vụ Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam lần thứ hai vào tháng 5/2017.
Ngày 27/5, Eximbank tổ chức đại hội cổ đông thường niên năm 2022 lần thứ hai. Tính đến 8h30, số cổ đông tham dự là 89, tương đương với 1,01 triệu cổ phần, chiếm tỷ lệ 82,94%. Lần tổ chức đại hội thường niên 2022 đầu tiên có 90 cổ đông tham dự, đại diện 688,4 triệu cổ phần, chiếm tỷ lệ 56%. Tại đại hội, HĐQT trình cổ đông thông qua kết quả kinh doanh, phương án tăng vốn, phát hành cổ phiếu và một số vấn đề khác, đồng thời giải đáp một số câu hỏi của cổ đông.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tiền gửi vào hệ thống ngân hàng tăng trưởng khả quan trong quý I/2022. Cụ thể, số dư tiền gửi của khách hàng cuối tháng 3/2022 đạt hơn 11,33 triệu tỷ đồng, tăng hơn 390.000 tỷ đồng so với cuối năm 2021, tương đương tăng 3,6%.
ACB thông báo 3/6 là ngày chốt danh sách cổ đông để phát hành cổ phiếu trả cổ tức tỷ lệ 25%. Ngân hàng dự kiến phát hành 675,4 triệu cổ phiếu. Nhà đầu tư giữ 100 cổ phiếu ACB sẽ được nhận thêm 25 cổ phiếu. Ngân hàng này hiện có hơn 2,7 tỷ cổ phiếu đang lưu hành. Sau khi hoàn tất đợt phát hành, vốn điều lệ của ACB dự kiến nâng từ hơn 27.019 tỷ đồng lên 33.774 tỷ đồng.
Theo khảo sát, tháng 5 này nhiều ngân hàng thương mại đồng loạt tăng lãi suất trong bối cảnh tín dụng tăng mạnh. Mức lãi suất tiết kiệm cao nhất hiện nay thuộc về ngân hàng SCB với 7,6%/năm cho kỳ hạn 13 tháng, áp dụng cho khách hàng có tiền gửi từ 500 tỷ đồng trở lên.
Dự báo lượng kiều hối về Việt Nam không chỉ ổn định mà có nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng, trở thành nguồn vốn đầu tư quan trọng trong nền kinh tế. Theo chuyên gia kinh tế TS. Vũ Đình Ánh nguồn kiều hối về Việt Nam đạt mức kỷ lục năm 2021 đã góp phần đưa Việt Nam trở thành một trong 10 nước nhận kiều hối lớn nhất trên thế giới. Không chỉ năm 2021 mà trong nhiều năm trở lại đây lượng kiều hối về Việt Nam đều rất ổn định, tăng tích cực với quy mô lớn, trên dưới 10 tỷ USD.
Top 5 ngân hàng có tỷ lệ CASA cao nhất vào cuối tháng 3 vẫn là Techcombank, MB, MSB, Vietcombank, ACB, không thay đổi so với cuối năm 2021. Tuy nhiên, không phải ngân hàng nào cũng duy trì được đà tăng của CASA trong quý đầu năm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận