menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Ngô Thái Bình Pro

Tài chính EVN năm 2019

EVN với tư cách công ty mẹ tập đoàn có các chi nhánh là 8 công ty thuỷ điện, 2 nhà máy và công ty nhiệt điện, 12 ban quản lý và dự án điện, 8 đơn vị ngành điện và dịch vụ khác. Kết quả hoạt động của các chi nhánh và cơ quan văn phòng tập đoàn thể hiện ở Báo cáo tài chính riêng Công ty mẹ.

EVN cũng đầu tư vốn tại 13 công ty con và 3 công ty liên kết. Các công ty con gồm Tổng công ty truyền tải điện Quốc gia, 3 tổng công ty phát điện (1, 2, 3), 3 tổng công ty điện lực 3 miền, 2 tổng công ty điện lực Hà Nội và TP. HCM, Công ty nhiệt điện Thủ Đức, 3 công ty cổ phần tư vấn. Các công ty liên kết gồm Công ty năng lượng Vĩnh Tân 3, Tổng công ty chế tạo thiết bị điện Đông Anh và 1 công ty tư vấn.

Các công ty con của EVN lại có các công ty con và công ty liên kết của riêng mình. Kết quả hoạt động của công ty con được hợp nhất các chỉ tiêu với Công ty mẹ ở báo cáo tài chính hợp nhất EVN. Kết quả hoạt động của các công ty liên kết chỉ thể hiện ở chỉ tiêu lãi (lỗ) trong kết quả kinh doanh hợp nhất. Khi công ty con, công ty liên kết chia lãi về Công ty mẹ thì Công ty mẹ mới hạch toán lợi nhuận ở báo cáo tài chính riêng.

Năm 2019, lợi nhuận hợp nhất của cả tập đoàn đạt 9.720 tỷ đ, tăng 42,6% so với kết quả lãi 6.818 tỷ đ năm 2018. Trong đó lợi ích của Công ty mẹ chiếm 81,2% (còn lại thuộc về cổ đông không kiểm soát). Lợi nhuận 2019 tốt hơn 2018 chủ yếu do chi phí tài chính 2019 thấp hơn 2018 (~6,5 nghìn tỷ đ). Trong khi đó, biên lợi nhuận gộp 2019 chỉ đạt 12,9% so với 15,7% năm 2018. Chi phí tài chính năm 2019 thấp hơn lại hoàn toàn là do năm 2018 lỗ chênh lệch tỉ giá lớn, chứ lãi vay của hai năm đều ở mức ~19 nghìn tỷ đ.

Kết quả hoạt động Công ty mẹ 2019 có doanh thu ~326 nghìn tỷ đ, tăng 18,5% so với 2018. Tuy thế, lợi nhuận gộp 2019 chỉ đạt 1,3% so với 1,7% năm 2018. Rõ ràng việc phát điện và truyền tải điện của Công ty mẹ là không có lãi. Để có thể bù đắp chi phí tài chính ~12.600 tỷ đ (trong đó lãi vay ~82%) và chi phí quản lý doanh nghiệp 1.760 tỷ đ thì khoản doanh thu tài chính 8.592 tỷ đ và thu nhập khác 3.645 tỷ đ mới đóng góp chính.

Lợi nhuận sau thuế Công ty mẹ 2019 đạt 2.104 tỷ đ, tính trên vốn góp chủ sở hữu 198 nghìn tỷ đ thì ROE chỉ ~1,06% là mức rất thấp. Phần lợi nhuận 3.548 tỷ đ do các công ty có vốn góp của Công ty mẹ chia về năm 2019 so với số vốn đầu tư ở các công ty này (142 nghìn tỷ đ) cũng chỉ đạt ~2,5% tính trên vốn bỏ ra. Biên lợi nhuận gộp quá thấp của cả Công ty mẹ và kết quả hợp nhất chính là yếu tố chính quyết định lợi nhuận Công ty mẹ. Tính riêng doanh thu bán điện Công ty mẹ (325,7 nghìn tỷ đ) thì biên lợi nhuận gộp chỉ ~1,3%. Để tăng lợi nhuận gộp chỉ có thể tăng giá bán hoặc giảm giá thành hoặc phải cả hai.

Xét cơ cấu nợ và tài sản Công ty mẹ EVN thì nợ ngắn hạn 98 nghìn tỷ đ và tài sản ngắn hạn 114 nghìn tỷ đ cũng là cơ cấu an toàn. Khoản tiền mặt ~26,6 nghìn tỷ đ không kì hạn cuối năm 2019 là rất lớn nhưng cũng chỉ là nhỏ so với các khoản cần thanh toán như phải trả người bán ngắn hạn (53 nghìn tỷ đ), chi phí phải trả (17,2 nghìn tỷ đ), vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn (23,4 nghìn tỷ đ). Chính nhờ các khoản phải trả chưa trả nên mới có khoản đầu tư tài chính ngắn hạn 34,9 nghìn tỷ đ. Doanh thu hoạt động tài chính 2019 có khoản lãi tiền gửi, tiền cho vay 8.236 tỷ đ lớn hơn nhiều so với kết quả sản xuất kinh doanh.

Tài sản cố định của Công ty mẹ cuối 2019 nguyên giá 285 nghìn tỷ đ, giá trị còn lại 121 nghìn tỷ đ, khấu hao 15 nghìn tỷ đ/năm. Với khoản vay và nợ thuê tài chính 210 nghìn tỷ đ thì khấu hao chủ yếu phải dành trả nợ gốc còn lại phải dành đầu tư bổ sung, sửa chữa chứ không còn nguồn tái đầu tư phát triển. Nếu tính tài sản cố định hợp nhất thì nguyên giá lên đến 1.148 nghìn tỷ đ, giá trị còn lại 498 nghìn tỷ đ. Mức khấu hao ~70 nghìn tỷ đ một năm có thể đủ xây dựng một nhà máy thuỷ điện. Tuy nhiên, tài sản tập đoàn phân bố ở nhiều tổng công ty, công ty nên vốn để đầu tư các dự án phát điện lớn vẫn phải trông chờ ở các khoản vay của Công ty mẹ hoặc quyết định cho các công ty con đi vay. Hiện tại, số dư vay và nợ thuê tài chính của cả tập đoàn ~360 nghìn tỷ đ (Công ty mẹ chiếm ~58%).

Tóm lại, kết quả hoạt động của EVN năm 2019 tốt hơn 2018 chủ yếu nhờ chi phí tài chính giảm bởi khoản lỗ do chênh lệch tỉ giá 2019 thấp hơn nhiều và có doanh thu tài chính từ khoản tiền gửi và cho vay khá cao. Lợi nhuận kinh doanh điện của tập đoàn rất thấp do biên lợi nhuận gộp thấp. Chi phí quản lý và chi phí bán hàng tính trên doanh thu 2019 giảm còn 5,2% so với 5,9% năm 2018. Với khoản vay nợ dài hạn lớn cho đầu tư thì các khoản khấu hao chưa sử dụng cũng chỉ đủ trả nợ gốc. Các dự án đầu tư phát triển, đặc biệt là vốn xây dựng các nhà máy phát điện lại phải trông chờ vào các khoản vay.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Ngô Thái Bình Pro

Bấm theo dõi để nhận thêm nội dung bổ ích từ chuyên gia này.

Tìm hiểu thêm về chuyên gia.

Hãy chọn VIP/PRO hàng đầu để nhận kho bài viết chuyên sâu

Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại