Tài chính 24h: Vietinbank, Vietcombank và điểm hẹn gói 10 nghìn tỷ tăng vốn, Giá Bitcoin mất gần 50%
Chỉ còn khoảng 2 tuần nữa, điểm hẹn 10 nghìn tỷ đồng tăng vốn cho 2 “ông lớn” sẽ đi qua. Dù vậy, vẫn chưa có dấu hiệu chuyển động cụ thể…
Điểm hẹn 10 nghìn tỷ tăng vốn cho Vietcombank và VietinBank chỉ còn tính từng ngày
Và sau rất nhiều lần kiến nghị từ Ngân hàng Nhà nước cũng như các ngân hàng trong nhóm, nút thắt tăng vốn điều lệ cuối cùng cũng đã có thông tin cụ thể về mức độ tăng dự kiến cùng mốc thời gian dự định từ cấp thẩm quyền cao hơn.
Cụ thể, tại buổi làm việc đầu năm mới Canh Tý tại một ngân hàng thương mại vừa qua, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ khi đó cho biết, ngay trong quý I/2020, Chính phủ sẽ tăng vốn điều lệ khoảng 10.000 tỷ đồng cho Vietcombank và VietinBank. Còn riêng đối với Agribank, toàn bộ lợi nhuận nộp ngân sách trong năm 2020 sẽ được dùng để tăng vốn điều lệ.
Dù vậy, thời hạn của quý I đang chỉ còn được đếm theo từng ngày. Thông tin về "gói 10.000 tỷ đồng" cho tới hiện tại vẫn chưa xuất hiện cụ thể, ngoài phát biểu trên.
Sửa Nghị định 20 về chi phí lãi vay của doanh nghiệp, hàng nghìn tỷ đồng đã nộp có được trả lại?
Một điểm nghẽn khiến nhiều doanh nghiệp thấp thỏm thời gian vừa qua là một trong những nội dung được quy định tại Nghị định 20/2017quy định về quản lý thuế đối với odanh nghiệp có giao dịch liên kết với mục tiêu là chống chuyển giá đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Kể từ khi Nghị định có hiệu lực, nhiều doanh nghiệp trong đó cả doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân lớn đều đã lên tiếng phản ánh những bất cập của quy định khống chế chi phí lãi vay được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.
Mới đây, Bộ Tài chính đã xây dựng dự thảo sửa đổi, bổ sung khoản 3 điều 8 nghị định theo hướng tăng khống chế chi phí lãi vay lên 30% thay vì mức 20% như hiện nay, bên cạnh đó chi phí lãi vay của doanh nghiệp được tính theo lãi vay thuần (là chi phí lãi vay trừ doanh thu từ lãi vay).
Trước kỳ vọng giảm lãi suất, tỷ giá USD/VND đột ngột tăng mạnh
Sáng 13/3, Ngân hàng Nhà nước niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.212 VND/USD, tăng 15 đồng so với phiên liền trước.
Tỷ giá bán được niêm yết ở mức 23.858 VND/USD (tăng 15 đồng so với phiên liền trước), tỷ giá mua giao ngay được niêm yết ở mức 23.175 VND/USD (không đổi).
Với biên độ +/-3% đang được áp dụng, tỷ giá trần mà các ngân hàng áp dụng hôm nay là 23.908 VND/USD và tỷ giá sàn là 22.516 VND/USD.
Trong khi đó, giá USD tại các ngân hàng thương mại sáng nay cũng đột ngột đồng loạt được điều chỉnh tăng mạnh.
Chỉ qua một đêm, vàng SJC mất hơn 1 triệu đồng/lượng
Khảo sát lúc 9h35 sáng nay (13/3), giá vàng miếng SJC tại Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) ở ngưỡng 45,50 – 46,40 triệu đồng/lượng, giảm tiếp tới 1,15 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và giảm 850 nghìn đồng/lượng chiều bán ra so với giá khảo sát sáng qua.
Chênh lệch giá mua vào - bán ra được mở rộng lên tới 900 nghìn đồng/lượng.
Trong khi đó, giá vàng Doji bán lẻ tại Hà Nội cũng giảm 1,05 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và giảm 800 nghìn đồng/lượng chiều bán ra, đang niêm yết ở mức 45,55 – 46,20 triệu đồng/lượng.
Giá Bitcoin mất gần 50%
Theo số liệu trên CoinDesk, mỗi đồng Bitcoin hiện giao dịch tại 4.749 USD, giảm 40% so với sáng sớm nay. Cách đây 15 phút, giá tiền ảo phổ biến nhất thế giới chạm 3.950 USD, thấp nhất gần một năm.
Hàng loạt tiền số phổ biến khác cũng chịu mức giảm mạnh tương tự. Ethereum mất 49%, còn Ripple giảm hơn 42%. Theo Coinmarketcap, vốn hóa thị trường tiền số vì thế bốc hơi 93,5 tỷ USD chỉ trong vòng 24 giờ.
Vài năm gần đây, Bitcoin được nhiều người coi là "vàng số" - công cụ trú ẩn khi thị trường biến động. Tuy nhiên, diễn biến của loại tiền này khiến người ta liên tưởng đến các tài sản rủi ro nhiều hơn. Với đà giảm hôm nay, Bitcoin đã mất sạch mức tăng từ đầu năm.
Tăng một loại lãi suất để có tác động nhanh nhất?
Thông điệp đưa ra từ cuộc họp báo chiều qua (12/3), Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét giảm các lãi suất điều hành ở mức “tích cực”, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng từ dịch Covid-19.
Cùng đó, cơ quan này cũng đã ban hành Thông tư hướng dẫn về cơ cấu lại nợ, miễn, giảm lãi suất… để các tổ chức tín dụng có cơ sở pháp lý thực hiện các chính sách hỗ trợ.
Tính chất đặc biệt của thông tư trên là có hiệu lực ngay từ ngày ban hành, tức từ 13/3/2020. Tác động theo đó cũng sẽ thể hiện nhanh, cũng như vừa qua nhiều ngân hàng thương mại cũng đã đi trước một bước.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận