Tài chính – Ngân hàng: Tiếp tục củng cố bộ đệm dự phòng
Trong năm 2023, cổ phiếu ngành Ngân hàng diễn biến vượt trội hơn so với VNIndex nhờ sự hỗ trợ kịp thời của hành lang pháp lý.
Khép lại một năm 2023 đầy biến động, cổ phiếu ngành ngân hàng có diễn biến tích cực với mức tăng 19% svck, vượt trội hơn so với mức tăng 12% của chỉ số VNIndex. Những ngân hàng có diễn biến giá tích cực nhất là LPB (+55%) và HDB (54%) nhờ tâm lý tích cực của nhà đầu tư sau những thông tin về sự hỗ trợ của hành lang pháp lý, đặc biệt đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản. Các cổ phiếu được chúng tôi lựa chọn đầu năm 2023 cũng ghi nhận mức tăng trưởng tích cực, cụ thể VCB (+19%), STB (+24%), ACB (+31%) và BID (+27%).
Triển vọng năm 2024
Chúng tôi cho rằng 2024 vẫn tiếp tục là một năm đầy thách thức đối với ngành ngân hàng về chất lượng tài sản. Mặc dù vậy, tình hình chung sẽ có sự cải thiện so với năm 2023, phần lớn là nhờ vào chi phí vốn đã giảm về mức thấp hơn nhiều so với 2023 và lợi nhuận trước dự phòng (PPOP) có sự cải thiện giúp các ngân hàng có dư địa để tạo một bộ đệm dự phòng tốt hơn. Trong kịch bản cơ sở của chúng tôi, tăng trưởng GDP có thể phục hồi trong khoảng từ 6,0% - 6,5%, lãi suất trung bình cả năm duy trì quanh mức thấp nhất trong thập kỷ trở lại đây và NHNN sẽ có ứng phó linh hoạt trong cơ chế ghi nhận và trích lập dự phòng nợ xấu. Theo ước tính của chúng tôi, tăng trưởng LNTT năm 2024 của các ngân hàng thuộc phạm vi nghiên cứu dự kiến đạt 16,5% svck, đây là mức tăng trưởng tốt hơn so với mức 5,2% trong năm 2023.
Tổng thu nhập hoạt động dự kiến phục hồi.
Tăng trưởng tín dụng - Bức tranh trái chiều. Với bối cảnh kinh tế vĩ mô dự kiến cải thiện hơn trong năm 2024, chúng tôi kỳ vọng tăng trưởng tín dụng sẽ phục hồi lên mức 14%. Điều này được hỗ trợ một phần bởi lãi suất cho vay giảm. Dư địa tăng trưởng có thể sẽ đến từ khối doanh nghiệp như: (i) ngành xây dựng cơ sở hạ tầng; (ii) doanh nghiệp sản xuất và FDI; và (iii) các ngành nghề được ưu tiên (như nông nghiệp, xuất khẩu, công nghệ cao, SME và công nghiệp bổ trợ). Ngoài ra, chúng tôi cũng nhận thấy các doanh nghiệp ngoài ngân hàng có nhu cầu vay tái cấp vốn cho các lô trái phiếu đến hạn năm 2024 với tổng giá trị khoảng 218 nghìn tỷ đồng (tương đương 20% dư nợ tín dung cho chủ đầu tư bất động sản trong năm 2023). Đây cũng có thể là một động lực quan trọng của tăng trưởng tín dụng năm 2024, trừ trường hợp cơ quan quản lý tiếp tục thanh tra và kiểm soát nghiêm ngặt các khoản cấp tín dung chéo đối với các bên liên quan và các công ty vệ tinh.
Mặc dù lãi suất cho vay mua nhà đối với các khoản vay mới đã giảm 3% trong năm 2023, chúng tôi không kỳ vọng dư nợ cho vay mua nhà sẽ hồi phục mạnh mẽ trong năm 2024 vì: (i) giá nhà ở TP. Hà Nội và Hồ Chí Minh gần như không giảm, trong khi thu nhập và tâm lý của người mua nhà đã bị ảnh hưởng trong giai đoạn 2022-2023; (ii) số lượng căn chung cư và thấp tầng mở bán trong năm 2024 dự kiến lần lượt là 33.851 căn và 5.030 căn, tăng gấp đôi so với năm 2023, nhưng vẫn thấp so với mức trước Covid (khoảng 77.000 căn và 6.800 căn); và (iii) quan trọng nhất là một phần tài sản của người dân có thể vẫn mắc kẹt trong trái phiếu doanh nghiệp và các dự án bất động sản chưa hoàn thành. Chúng tôi cho rằng các ngân hàng sẽ cạnh tranh để giành thị phần trong mảng cho vay mua nhà đối với các dự án có đầy đủ thủ tục pháp lý tọa lạc ở những vị trí đắc địa. Theo quan điểm của chúng tôi, những ngân hàng có thể gia tăng được thị phần trong mảng này gồm có BID và CTG, do họ có khả năng triển khai chương trình cho vay với lãi suất cạnh tranh và thu hút được khách hàng từ các ngân hàng khác.
Theo dõi người đăng bài
Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY
Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận