Tách bạch chức danh lãnh đạo doanh nghiệp: Băn khoăn trước “giờ G”
Chỉ còn hơn một tuần nữa, quy định chủ tịch hội đồng quản trị (HĐQT) không được kiêm nhiệm chức danh tổng giám đốc trong một công ty đại chúng sẽ có hiệu lực, nhưng vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa tách bạch nhân sự của hai chức danh này.
Thêm nhiều doanh nghiệp “thay tướng”
Sau giai đoạn cao điểm mùa đại hội cổ đông (ĐHCĐ) thường niên 2020, hàng loạt doanh nghiệp đã công bố quyết định bổ nhiệm mới nhân sự chủ chốt như chủ tịch HĐQT và tổng giám đốc.
Mùa “thay tướng” năm nay có phần sôi động hơn những năm trước, khi thời điểm quy định tách bạch chức danh chủ tịch HĐQT và tổng giám đốc (theo Nghị định 71/2017/NĐ-CP, hướng dẫn về quản trị công ty áp dụng đối với công ty đại chúng) có hiệu lực (từ ngày 1/8/2020) cận kề.
Gần đây nhất, CTCP Licogi 14 (L14) đã có quyết định thay thế chức danh Tổng giám đốc. Cụ thể, theo Nghị quyết HĐQT ngày 17/7/2020, HĐQT L14 đã thông qua việc bổ nhiệm ông Lại Xuân Hùng - Phó tổng giám đốc điều hành vào vị trí Tổng giám đốc điều hành, thay ông Phạm Xuân Lý, kể từ ngày 1/8/2020.
Trước đó, HĐQT CTCP Đầu tư và phát triển đô thị Dầu khí Cửu Long (CCL) đã quyết định thôi kiêm nhiệm chức danh Tổng giám đốc với ông Nguyễn Triệu Dõng từ ngày 1/7/2020 và bổ nhiệm ông Dương Thế Nghiêm - Phó tổng giám đốc thường trực thay thế.
Cũng trong ngày 1/7/2020, tại CTCP Tập đoàn Đất Xanh (DXG), ông Lương Trí Thìn đã từ nhiệm vị trí Tổng giám đốc và chuyển giao cho ông Bùi Ngọc Đức sau nhiều năm đảm nhận cả hai vị trí lãnh đạo cao nhất tại doanh nghiệp.
Trong nhóm doanh nghiệp thuộc rổ chỉ số VN30, cuối tháng 6/2020, CTCP Tập đoàn Masan (MSN) cũng công bố việc bổ nhiệm ông Danny Le làm Tổng giám đốc và ông Nguyễn Đăng Quang sẽ chỉ còn giữ chức Chủ tịch HĐQT, thay vì kiêm nhiệm hai chức danh như trước.
Nhiều doanh nghiệp niêm yết khác cũng đồng loạt “thay tướng” trong những tháng vừa qua như CTCP Đầu tư Dịch vụ Tài chính Hoàng Huy (TCH), CTCP Tư vấn Thương mại Dịch vụ địa ốc Hoàng Quân (HQC), CTCP Phát triển bất động sản Phát Đạt (PDR), CTCP Tập đoàn Lộc Trời (LTG),…
Tuy vậy, khi chỉ còn hơn 1 tuần nữa là thời điểm chính thức áp dụng quy định tách bạch chức danh lãnh đạo cao nhất tại công ty đại chúng có hiệu lực, không ít doanh nghiệp đại chúng vẫn đang có lãnh đạo kiêm nhiệm đồng thời cả chức danh chủ tịch HĐQT và tổng giám đốc.
Chẳng hạn, tại CTCP DRH Holding, báo cáo kết quả giao dịch cổ phiếu ký ngày 16/7/2020 vẫn ghi nhận ông Phan Tấn Đạt là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty.
Tương tự, CTCP Pymephaco (PME) khi báo cáo tài chính quý II/2020 ký ngày 17/7/2020 vẫn ghi nhận ông Huỳnh Tấn Nam với chức vụ Tổng giám đốc. Ông Nam cũng là người ký ban hành các nghị quyết HĐQT PME gần đây với chức danh Chủ tịch.
Tại CTCP Cơ điện lạnh (REE), một doanh nghiệp cũng thuộc nhóm VN30, dù tại ĐHCĐ 2020, Ban lãnh đạo doanh nghiệp cho biết đã tìm được nhân sự cho vị trí Tổng giám đốc hiện do bà Nguyễn Thị Mai Thanh - Chủ tịch HĐQT kiêm nhiệm nhưng đến nay, tên tuổi và quyết định bổ nhiệm tân CEO của REE vẫn chưa được công bố.
Tương tự là tình hình tại nhiều doanh nghiệp khác như CTCP Khoáng sản Bình Dương (KSB), CTCP Chiếu xạ An Phú (APC), CTCP CIC39 (C32), CTCP Hùng Vương (HVG), CTCP Đầu tư và công nghiệp Tân Tạo (ITA)...
Những băn khoăn trước giờ G
Tách bạch hai chức danh lãnh đạo cao nhất của doanh nghiệp lâu nay được nhìn nhận là thông lệ quản trị tốt trên thế giới.
Theo đó, HĐQT do chủ tịch HĐQT đứng đầu nắm chức năng chính là hoạch định chiến lược và giám sát thực hiện, còn ban tổng giám đốc/giám đốc do tổng giám đốc/giám đốc đứng đầu giữ vai trò vận hành doanh nghiệp, thực hiện chiến lược do HĐQT đề ra.
Tuy nhiên, cũng chưa có một tài liệu nào chứng minh các doanh nghiệp có thực sự tốt và thực sự vận hành theo cách trên.
Tại Việt Nam, việc tách bạch giữa chức danh chủ tịch HĐQT với tổng giám đốc là điều được các cơ quan quản lý khuyến khích từ lâu và không ít công ty đại chúng đã chủ động thực hiện.
Việc Nghị định ra đời từ năm 2017, nhưng điều khoản về tách bạch chức danh chỉ được áp dụng từ 1/8/2020 cũng đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp có khoảng thời gian 3 năm để chuẩn bị cho việc tuân thủ.
Tuy vậy, từ một thông lệ được khuyến khích thực hiện đến yêu cầu bắt buộc doanh nghiệp đại chúng phải thực hiện, được quy định cụ thể trong văn bản pháp lý với chế tài xử lý, có không ít ý kiến trái chiều từ nhà đầu tư và chính doanh nghiệp.
Trước tiên, việc tìm nhân sự đủ sức đảm đương vai trò lãnh đạo doanh nghiệp rõ ràng không dễ, nhất là đối với những công ty đã lên sàn chứng khoán, thị giá cổ phiếu chịu ảnh hưởng rất lớn từ cách nhìn nhận, đánh giá của nhà đầu tư với tên tuổi của người lãnh đạo.
Việc bổ nhiệm người lãnh đạo nếu không được tiến hành cẩn trọng sẽ ảnh hưởng đến niềm tin của nhà đầu tư với doanh nghiệp. Thay thế chức danh lãnh đạo không cẩn thận cũng ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp.
Thực tế, có một lượng không nhỏ công ty đại chúng tại Việt Nam có tuổi đời trẻ, quy mô nhỏ và các thành viên HĐQT thường kiêm nhiệm luôn vai trò điều hành. Sự tập trung quyền lực vào một người lãnh đạo sẽ đem đến sự linh động ứng biến nhanh chóng, phù hợp với những biến động của thị trường cũng như giảm thiểu khác biệt giữa bên định hướng chiến lược và bên triển khai.
Nhất là khi với thói quen kiêm nhiệm từ lâu, không ít doanh nghiệp quy mô nhỏ hiện nay không có hệ thống quản trị mạnh với sự phân định rõ trách nhiệm giữa chức danh chủ tịch HĐQT và tổng giám đốc.
Điều này cũng có thể gây ra sự giẫm chân quyền lực khi tách bạch, gây khó khăn trong điều hành, đặc biệt trong những thời điểm doanh nghiệp kinh doanh khó khăn, các quyết định quan trọng cần nhất quán về phương hướng.
Việc bắt buộc tách bạch chức danh lãnh đạo cũng dẫn đến những khó khăn như trường hợp doanh nghiệp đã chủ động tách bạch chức danh, nhưng người điều hành không phù hợp hoặc nghỉ việc và chưa thể tìm được ứng viên thay thế, dẫn đến việc người lãnh đạo cũ phải trở lại việc kiêm nhiệm.
Nếu như trước đây, việc trở lại kiêm nhiệm này không có gì trở ngại thì điều này sẽ không còn thực hiện được kể từ sau ngày 1/8/2020. Bởi không còn dừng lại ở việc khuyến khích như trước đây, các doanh nghiệp không tuân thủ quy định tách bạch chức danh lãnh đạo sẽ bị xử phạt.
Liên quan đến chế tài xử phạt, Nghị định số 145/2016/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ Nghị định số 108/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đã đưa ra mức phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 70 triệu đồng đối với hành vi chủ tịch HĐQT kiêm nhiệm chức danh giám đốc hoặc tổng giám đốc trong trường hợp pháp luật quy định không được kiêm nhiệm.
Ảnh hưởng của mức phạt rõ ràng có sự khác biệt rất lớn giữa công ty đại chúng quy mô nhỏ với các công ty đại chúng lớn với quy mô vốn hàng nghìn tỷ đồng.
Hay ngoài phạt tiền, hiện cũng chưa có những quy định cụ thể về thời gian để doanh nghiệp buộc phải khắc phục tình trạng này, cũng như các chế tài bổ sung cao hơn mà nếu không quy định rõ, rất có thể dẫn đến tình trạng doanh nghiệp chấp nhận chịu phạt để tồn tại.
Thực tế, trước khi quy định về tách bạch hai chức danh lãnh đạo cao nhất tại doanh nghiệp có hiệu lực, Nghị định 71/2017/NĐ-CP cũng đã quy định công ty đại chúng niêm yết phải đáp ứng tối thiểu 1/3 tổng số thành viên HĐQT là thành viên độc lập, với doanh nghiệp đại chúng chưa niêm yết tỷ lệ này là 1/5.
Đây được đánh giá là quy định góp phần nâng cao chất lượng quản trị và là một giải pháp giúp bảo vệ cổ đông nhỏ lẻ.
Tuy vậy, việc tìm kiếm thành viên HĐQT độc lập không hề dễ dàng, dẫn đến dù quy định đã có hiệu lực từ năm 2017 nhưng suốt thời gian dài sau đó nhiều doanh nghiệp vẫn không tuân thủ.
Khi bị thúc ép, không ít doanh nghiệp đã cố gắng tìm cho đủ thành viên HĐQT độc lập nhưng trên thực tế chỉ mang tính hình thức, đối phó và không có đóng góp vào sự phát triển cũng như nâng chất quản trị tại doanh nghiệp.
Trở lại với câu chuyện tách hai bạch chức danh lãnh đạo cao nhất, trên thị trường, một số doanh nghiệp dường như đang có giải pháp đối phó với tình trạng khó khăn trong tìm kiếm nhân sự.
Chẳng hạn, tại ĐHCĐ 2020 của CTCP Thủy sản số 4 (TS4), HĐQT đã trình cổ đông thông qua việc để khuyết chức danh Chủ tịch HĐQT và giao ông Nguyễn Văn Lực - Tổng giám đốc phụ trách hoạt động của HĐQT chậm nhất đến ĐHCĐ 2021. Ông Lực cũng chính là Chủ tịch HĐQT TS4 đến trước ĐHCĐ vừa qua.
Liệu chính sách này có đi vào cuộc sống và nó gây ra ảnh hưởng gì tới các doanh nghiệp nếu phải thực thi cứng nhắc?
Trên thế giới, ở các nền kinh tế phát triển, có hay không việc chủ tịch là người hoạch định chiến lược và CEO các doanh nghiệp là người dẫn dắt thực thi chiến lược? Báo Đầu tư Chứng khoán sẽ phản ánh tiếp trong số tới đây.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận