Tắc xuất khẩu, nông sản miền Tây "tìm cửa" tiêu thụ nội địa
Cuộc kết nối tiêu thị hàng hoá giữa 5 tỉnh ĐBSCL (gồm Đồng Tháp, Bến Tre, Vĩnh Long, Long An và An Giang) và TP.HCM vừa diễn ra nhằm tìm lối ra cho khối lượng nông sản khổng lồ đang ùn ứ tại khu vực này…
Đến thời điểm này, tại các tỉnh miền Tây, giá thủy sản các loại đang giảm khoảng 20% so với năm 2021. Giá nhiều nông sản cũng đang rớt mạnh, như: mít giảm từ 40.000-50.000 đồng/kg xuống còn 4.000-5.000 đồng/kg, nhiều loại trái cây khác cũng giảm giá mạnh.
Theo báo cáo của Cục trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), sản lượng trái cây năm 2021 và ước tính sản lượng quý 1/2022 các tỉnh phía Nam lên đến hơn 7 triệu tấn, tăng 100.000 tấn so với năm 2020. Riêng tháng 12/2021, sản lượng trái cây đạt hơn 700.000 tấn, trong đó, thanh long có sản lượng cao nhất, đạt 200.000 tấn.
Tuy nhiên, việc xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc đang gặp khó khăn. Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), cho biết trong 2 năm qua do ảnh hưởng dịch Covid-19, một số mặt hàng trái cây, thủy sản xuất khẩu sang Trung Quốc sụt giảm đáng kể.
Chỉ tính riêng từ đầu năm 2021 đến nay, phía Trung Quốc đã có tới hơn 40 thông báo thay đổi liên quan tới an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật. Thị trường này không còn dễ tính.
Tại hội nghị “Kết nối tiêu thụ hàng hóa giữa 05 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long với TP.HCM năm 2022”, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Thị Thắng cho biết, Trung Quốc đang tiếp tục theo đuổi chính sách "zero Covid-19" trong khi Việt Nam thực hiện chiến lược “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, nên hoạt động xuất khẩu hàng hóa nông sản vào thị trường Trung Quốc gặp nhiều khó khăn.
Hiện nguồn cung hàng hoá nông sản, thực phẩm tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang rất dồi dào. Đồng Tháp là một trong các tỉnh miền Tây có thế mạnh về xuất khẩu nông sản, tại huyện Cao Lãnh hiện cung cấp nhiều chủng loại trái cây đa dạng, như: xoài, cam, chanh, ổi, mít… với diện tích canh tác 7.800ha cây ăn trái. Hay huyện Thanh Bình có diện tích trồng cây ăn trái hơn 3.150ha; nuôi trồng thủy sản gần 570ha, cung cấp các loại cá chép giòn, cá trắm… cho thị trường.
Gần dịp Tết Nguyên Đán Nhâm Dần 2022, tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng mạnh đến sức mua. Giá thủy sản các loại đang giảm khoảng 20% so với năm 2021. Giá nhiều nông sản cũng rớt mạnh, như: mít đang có giá 40.000-50.000 đồng/kg giảm còn 4.000-5.000 đồng/kg, nhiều loại trái cây khác cũng giảm mạnh không kém...
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa cho biết mỗi năm tỉnh xuất khẩu nông sản trên 1,1 tỷ USD, nhưng cung ứng cho TP.HCM chỉ 10%-12%.
Các mặt hàng đang xuất khẩu mạnh của Đồng Tháp như: gạo xuất khẩu 70%, cung ứng cho TP.HCM 20%; cá xuất khẩu 100%; các loại trái cây rau củ xuất khẩu 70%, chủ yếu thị trường Trung Quốc và phần lớn xuất khẩu tươi qua tiểu ngạch, thị trường TP.HCM chỉ chiếm 2%-3%.
“Đồng Tháp có nhiều sản phẩm hàng hóa, nông sản đạt chất lượng cao, truy xuất được nguồn gốc, đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên, hệ thống kho lạnh và kho bảo quản chưa có, chưa có nhiều doanh nghiệp chế biến... Qua dịch mới thấy tại sao chuỗi cung ứng miền Tây - TP.HCM - Đồng Tháp bị đứt gãy, dù chúng ta không thiếu nguồn cung nông sản, nhưng hệ thống phân phối không có sự gắn kết”, ông Nghĩa nói.
Trong khi đó, tại tỉnh Bến Tre, diện tích trồng dừa của tỉnh hơn 70.000ha, hơn 100 sản phẩm chế biến từ dừa, kim ngạch xuất khẩu rất lớn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy nếu chỉ đẩy mạnh xuất khẩu, không tiêu thụ trong nước sẽ không bền vững, bà Nguyễn Thị Quỳnh Nga, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bến Tre, cho biết.
Tình trạng nông sản chủ yếu xuất khẩu tươi, chưa qua chế biến, chưa có đầu mối tiêu thụ hàng hoá lớn khiến đầu ra sản phẩm rất bấp bênh, nhận định của Chủ tịch UBND huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp.
“Các doanh nghiệp cần chia sẻ kinh nghiệm, hướng nông dân sản xuất ra mặt hàng nào người tiêu dùng cần đến… tránh tình trạng sản xuất ra rồi không biết bán ở đâu…”, bà Nga đề nghị.
"MỞ ĐƯỜNG" CHO NÔNG SẢN LƯU THÔNG NỘI ĐỊA
Để giải phóng lượng hàng hoá lớn, tìm đầu ra tốt cho nông sản miền Tây hiện nay cũng như lâu dài, các doanh nghiệp có hệ thống phân phối lớn tại TP.HCM cho rằng các sở ngành tại các tỉnh ĐBSCL cần liên kết, hỗ trợ lẫn nhau và xây đựng được hệ thống phân phối chính quy, đưa sản phẩm trực tiếp đến nhà bán lẻ, không bị thương lái thao túng…
TP.HCM cam kết sẽ tạo điều kiện đưa hàng hóa của các địa phương vào hệ thống các chợ đầu mối, hệ thống phân phối của thành phố; tiếp tục hỗ trợ nông dân, nhà vườn, hợp tác xã các tỉnh tham gia các chương trình kết nối cung cầu hàng hóa, xúc tiến thương mại tại TP.HCM trong thời gian tới - Bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM.
Đại diện Công ty cổ phần Quản lý và Kinh doanh Chợ Nông sản Thủ Đức (TP.HCM) cho biết, từ ngày 22 đến 28 Tết âm lịch, các mặt hàng trái cây chủ lực mà thị trường TP.HCM có nhu cầu cao là: xoài, bưởi, mãng cầu, thanh long. Chợ sẽ hoạt động 24/24 giờ thay vì chỉ hoạt động ban đêm như hiện nay.
Còn theo bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, hiện 03 chợ đầu mối: Bình Điền, Hóc Môn, Thủ Đức cung ứng 60-70% nhu cầu thực phẩm tươi sống cho thành phố, 09 hệ thống phân phối chủ lực chiếm 60-70% thị phần bán lẻ thành phố, và lượng lớn doanh nghiệp sản xuất thực phẩm chế biến đã cam kết hỗ trợ tiêu thụ nông sản các tỉnh.
Thời gian tới, bà Thắng đề nghị lãnh đạo các tỉnh ĐBSCL tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu TP.HCM đẩy mạnh đầu tư các dự án xây dựng vùng nguyên liệu; tạo nguồn hàng ổn định, truy xuất được nguồn gốc, chất lượng đảm bảo, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ thị trường trong nước. Từng bước chuyển nhanh, chuyển mạnh hoạt động xuất khẩu hàng hóa theo hình thức chính ngạch… tạo lập một khu vực thị trường mới, quy mô lớn, ổn định lâu dài cho doanh nghiệp TP.HCM và các tỉnh.
Lãnh đạo các tỉnh, thành chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương phối hợp Sở Công Thương TP.HCM triển khai hỗ trợ, hướng dẫn cho các hợp tác xã nông nghiệp, hộ nông dân thực hiện theo chuẩn VietGap, GlobalGap, truy xuất nguồn gốc…và các điều kiện tuân thủ cam kết với đối tác, với người tiêu dùng.
TP.HCM giao cho Sở Công Thương và các tỉnh chịu trách nhiệm theo dõi quá trình triển khai thực hiện các hợp đồng nguyên tắc, biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư sản xuất, tiêu thụ nông sản đã ký kết.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận