Tắc nghẽn tuyến đường biển Á-Âu, cà phê lên giá
Thông tin tàu viễn dương siêu lớn Ever Given mắc cạn vào ngày 24-3-2021, ngáng tuyến giao thông đường biển huyết mạch Á-Âu là kênh đào Suez (Ai Cập), đã gây lo ngại cho các nhà cung ứng và chế biến rang xay cà phê toàn cầu. Giá cà phê phái sinh robusta tại London đóng cửa phiên ngày 26-3 tăng 34 đô la Mỹ/tấn chốt tại mức 1.399 đô la. Thị trường cà phê nguyên liệu tại các tỉnh Tây Nguyên, vùng sản xuất trọng điểm của Việt Nam dịp cuối tuần nhảy một lúc 0,5 triệu đồng/tấn lên quanh mức 33 triệu đồ
Đường biển tắc làm nghẽn mạch chuỗi cung ứng cà phê
Dịch Covid-19 chưa kịp diệt, đã nảy sinh cú “sốc” thiếu containers rỗng và chỗ trên tàu dẫn đến giá cước cao ngất ngưởng, đã hạn chế phần nào sức bán cà phê của Việt Nam ra thị trường thế giới. Thật vậy, Tổng cục Hải quan ước trong hai tháng đầu năm 2021, xuất khẩu cà phê Việt Nam chỉ đạt 4,72 triệu bao (bao=60 ki lô gam) trị giá 496 triệu đô la Mỹ, giảm 14,7% về lượng và 11,5% về giá trị.
Châu Âu là thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam. Kênh đào Suez từ lâu là trục đường chính cho hàng cà phê Việt Nam sang vùng tiêu thụ quan trọng bậc nhất này sẽ gây không ít khó khăn cho thị trường cà phê trong nước, nếu không muốn nói là thị phần vốn đã “teo” lại do dịch Covid-19, nay càng “tóp” hơn nếu kênh này không được khơi thông. Về phía người mua, các hãng chế biến từ chừng hai chục năm nay, đã bỏ thói quen xây kho trữ hàng cho nhà máy của mình, lại càng lo thêm vì sự cố bất ngờ trên có thể làm nhà máy thiếu nguyên liệu sản xuất.
Nỗi lo tồn kho giảm đi, giá hàng tăng lên
Một số nỗ lực để kéo con tàu 400 mét dài với trọng tải 220.000 tấn ra khỏi vùng mắc cạn đã được thực hiện nhưng đều thất bại. Những người quản lý giao thông trên kênh cho biết họ đang đợi thủy triều lên mạnh vào cuối tuần này hay đầu tuần sau mới hy vọng có phương cứu gỡ. Tuy nhiên, do bề ngang của kênh chỉ 405 mét, nên không ai dám chắc “con nước nổi” sẽ giúp con tàu xoay sở dễ dàng để xuôi dòng.
Trong khi đó, tồn kho cà phê tại châu Âu ngày một thấp dần. Báo cáo mới nhất của Hiệp hội Cà phê Châu Âu (ECF) cho biết đến cuối năm 2020, tồn kho cà phê tại vùng này là gần 910 ngàn tấn, chỉ đảm bảo cho 9 tuần tiêu thụ. Nếu trường hợp các phương án giải cứu cả con tàu bất thành, người ta tính phải huy động hàng trăm sà lan để dỡ chừng 20.000 containers đang nằm trên tàu. Kịch bản này thực sự gây lo ngại cho các nhà chế biến vì phải mất vài ba tuần, chưa tính đến chậm trễ thêm hàng chục ngày nữa do tình trạng ùn ứ hàng và kho bãi hiện nay do hậu quả của dịch Covid-19 để lại.
Riêng tồn kho cà phê robusta tại châu Âu đến cuối năm ngoái đếm được chừng 350 ngàn tấn, trong đó có khoảng 110 ngàn tấn robusta đạt chuẩn thuộc sàn, loại chỉ nhằm mục đích làm giá trên sàn phái sinh.
Qua gần 3 tháng với mức độ tiêu thụ robusta tăng do dịch Covid-19 buộc dân chúng uống cà phê tại nhà, lượng robusta có thể đã giảm nhiều. Trong thòi gian này, thị trường chứng kiến xuất khẩu robusta Việt Nam giảm, Indonesia và Brazil đang kỳ cuối vụ, nên các nhà rang xay chỉ chủ yếu trông chờ vào nguồn cung ứng từ Việt Nam.
Tuy nhiên, để cung ứng cà phê kịp thời, các hãng tàu còn có cách chọn lựa khác là chạy vòng Châu Phi với hải trình tăng thêm 6.000 hải lý, mất thêm chừng mươi ngày trên biển với chi phí cao hơn và nhiều rủi ro vì hải tặc. Dù vậy, đây chỉ là phương án “chẳng đặng đừng”.
Giá cà phê robusta sẽ tăng?
Nhiều khả năng giá cà phê phái sinh tăng, nhất là sàn robusta London. Tuy nhiên, giá có thể chỉ tăng trên sàn phái sinh nhưng không tăng nhiều tại thị trường nội địa. Hiện nay, nhiều kho hàng của các nhà nhập khẩu đã đầy ứ, khó khăn mua chỗ trên tàu dù giá cước còn rất cao, lại thêm sự cố ngay trên tuyến huyết mạch qua châu Âu, nên sức mua hàng thực của nhà nhập khẩu sẽ không nhiều.
Có thể đoán trước rằng giá các hợp đồng kỳ hạn (hàng giấy) sẽ tăng do giới đầu tư và kinh doanh cần mua để bảo vệ. Cùng lúc đó, sẽ xuất hiện lực chốt giá bán các hợp đồng hàng thực đã giao vào kho, cộng với lực bán trước từ Brazil và Indonesia vì hai nước này chuẩn bị vào vụ thu hoạch robusta.
Cú tăng mạnh cuối tuần qua đưa ra dấu hiệu cho thấy trước rằng giới kinh doanh trên sàn đang muốn mua hợp đồng kỳ hạn tháng 5-2021 để phòng ngừa bất trắc về giá cả khi kênh Suez chưa thông suốt. Cũng cần chuẩn bị tâm thế vì một khi sức mua kỳ hạn tháng 5-2021 quá mạnh, giá tháng giao dịch này được đẩy lên cao hơn các kỳ hạn sau và tạo nên tình trạng “vắt giá”.
Trên các sàn phái sinh, thỉnh thoảng xuất hiện hiện tượng giá tháng giao dịch gần cao hơn các tháng xa, được gọi là “nghịch đảo” (backwardation) hay “vắt giá” do tình trạng thiếu hàng cục bộ và tạm thời.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận