Tác giả "Cha giàu, cha nghèo" nợ 1 tỷ USD mua 15.000 căn nhà phòng thân thì giới trẻ lại đang vay trả góp 700 tỷ USD tiêu dùng
Gần đây, thông tin tác giả Robert Kiyosaki của "Cha giàu, cha nghèo" nợ đến hơn 1 tỷ USD ngân hàng để mua 15.000 căn nhà phòng thân đã khiến nhiều người chú ý. Vị tỷ phú này cho rằng kinh tế Mỹ đang đối mặt nguy hiểm khi nợ quá lớn, in tiền ra quá nhiều và đây là lúc nhà đầu tư nên cẩn trọng, đổ tiền vào các kênh an toàn để trú ẩn.
Tuy nhiên thay vì nghe lời Robert Kiyosaki, đổ tiền vào tài sản thì giới trẻ ngày nay lại chỉ vay nợ để tiêu dùng để rồi hậu quả là ngập trong tín dụng khi nền kinh tế khó khăn.
Tờ Fortune cho hay những chương trình mua trả góp, mua trước trả sau của các hãng tiêu dùng đang kích thích người dân rút ví mà chẳng quan tâm đến khả năng thanh toán được hay không của họ.
Số liệu của Juniper Research ước tính tổng giá trị chuyển khoản các khoản mua trước trả sau năm 2024 trên toàn cầu sẽ đạt 334 tỷ USD và có thể lên đến gần 700 tỷ USD năm 2028, tương đương mức tăng 105%.
Báo cáo của TransUnion thì cho thấy bình quân mỗi bạn trẻ 22-24 tuổi đang nợ 2.834 USD, tương đương hơn 72 triệu đồng trong thẻ tín dụng vào quý IV/2023, cao hơn so với mức 2.248 USD cùng kỳ năm 2013.
Điều này hoàn toàn trái ngược với những lời khuyên của tác giả Robert Kiyosaki. Dù đều là vay nợ nhưng nợ tốt có thể giúp gia tăng tài sản nhanh chóng như việc vay để mua tài sản, kinh doanh hoặc đầu tư trong khi dùng tín dụng hay trả góp để tiêu dùng tiêu sản là điều không nên, nhất là trong bối cảnh kinh tế rủi ro hiện nay.
Theo tác giả "Cha giàu, cha nghèo", việc phí phạm tín dụng vào những món đồ vật chất không tăng giá trị hoặc không trả cổ tức là cực kỳ nguy hiểm thời điểm hiện tại. Thay vào đó, cho dù vay nợ nhiều đến đâu nhưng nếu dùng làm đòn bẩy trong đầu tư, đặc biệt là bất động sản thì lại hiệu quả vì đây là cách giúp nhà đầu tư vượt qua những biến động của thị trường.
Nợ ảo
Tờ Fortune cho hay những khoản vay trả góp thường bị gọi là "Nợ ảo" khi không được hệ thống tín dụng Mỹ chú ý ghi nhận. Chính bản thân người tiêu dùng cũng mất cảnh giác với loại hình vay nợ này khi cho rằng thu nhập của họ đủ sức thanh toán hết khoản vay trong tương lai.
"Mọi người nên cảnh giác với rủi ro từ vay trả góp", chuyên gia kinh tế Tim Quinlan của Wells Fargo cảnh báo.
Đối với các nhà hoạch định chính sách, việc gia tăng mua trả góp cũng là một dấu hiệu cần lưu ý bởi đây có thể là bằng chứng cho thấy người dân gặp khó khăn, buộc phải chia nhỏ thanh toán ra để trả.
Theo Fortune, hiện khoảng 1/5 số người Anh đang mua trả góp các mặt hàng thiết yếu nhưng 21% trong đó đang trả chậm hoặc lỡ kỳ thanh toán, khoảng 10% cho biết đã bị lực lượng chức năng đến "hỏi thăm" vì quá hạn thanh toán.
Tồi tệ hơn, nghiên cứu của tổ chức "Citizens Advice" cho thấy gần 1/3 số người Anh thanh toán vay trả góp bằng một khoản tín dụng từ bên khác, nghĩa là đảo nợ.
Tương tự, một cuộc khảo sát của Bloomberg cho thấy 43% số người trả góp tại Mỹ đang lỡ hẹn thanh toán và 28% đang phải nợ bên thứ 3 để hoàn trả các khoản vay trả góp này.
Báo cáo của Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) chi nhánh New York cho hay tổng nợ hộ gia đình tại Mỹ trong quý IV/2023 đã lên đến 17,5 nghìn tỷ USD và phần lớn chúng được dùng để thanh toán mặt hàng thiết yếu và tiêu sản hơn là đem đi đầu tư.
Các cuộc khảo sát cho thấy hơn 50% số người dân Mỹ cho biết những khoản vay trả góp giúp họ tiêu dùng vượt khả năng thanh toán, trong khi khoảng ¼ cho biết họ buộc phải trả góp vì nhu cầu bắt buộc.
Trong khi đó 23% số người Mỹ được hỏi cho biết họ trả góp vì không đủ tiền thanh toán hết và hơn 33% thừa nhận rằng do đã dùng hết hạn mức thẻ tín dụng nên phải chuyển qua vay trả góp.
Ngập trong nợ nần
Tờ Fortune cho hay sự phát triển của công nghệ, thanh toán trực tuyến và thương mại điện tử đã khiến giới trẻ ngày nay dễ dàng vay nợ để tiêu dùng hơn. Những chiêu trò marketing, các KOL hay những xu hướng kích thích tiêu dùng khiến các bạn trẻ ganh đua nhau bằng những thứ "đồ chơi" tiêu sản.
Hậu quả từ việc không tích tiền hoặc vay nợ để đầu tư như lời tác giả Robert Kiyosaki nói là giới trẻ ngày nay đang ngập trong nợ nần. Lạm phát cao, lãi suất cao cùng nền kinh tế khó khăn khi hàng loạt doanh nghiệp sa thải lao động, thắt chặt chi phí đã khiến giới trẻ nợ chồng nợ.
Số liệu của FED chi nhánh Philadelphia cho thấy tính đến cuối tháng 12/2023, khoảng 3,5% số thẻ tín dụng tại Mỹ đã trễ hạn thanh toán 30 ngày trở lên, tỷ lệ cao nhất kể từ khi số liệu này được theo dõi từ năm 2012.
Xin được nhắc rằng cho dù có thanh toán một phần trả góp hay nợ tín dụng thì ngân hàng vẫn tính lãi cho khoản nợ thiếu kèm phí phạt của tháng đó, khiến các con nợ càng nợ nhiều hơn.
Thậm chí nhiều tổ chức tài chính, ngân hàng còn nhập nhằng về lãi suất trả góp 0% hay mức lãi tín dụng thấp để dụ dỗ giới trẻ chi tiêu. Đáng buồn thay, việc thiếu kiến thức tài chính, tín dụng cũng như không được gia đình, nhà trường hướng dẫn đang khiến nhiều bạn trẻ rơi vào vòng xoáy vay nợ, hết tháng hết tiền.
"Họ dụ dỗ tôi bằng lời cam kết lãi suất trả góp 0%. Tôi đã nghĩ rằng mình có thể thanh toán hết trong tương lai nhưng tôi đã nhầm", anh Fabrizio Lopez, một người vay trả góp tại Mỹ dùng nền tảng Affirm hối hận nói.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận