Sức mạnh của Chủ tịch Fed tăng lên sau cú giảm lãi suất mạnh tay
Khả năng Fed giảm lãi suất nửa điểm phần trăm thêm lần nữa là không thể loại trừ, nếu nền kinh tế sụt tốc mạnh...
Một tuần trước khi diễn ra cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ở Washington tháng 9 này, giới chức Fed còn bất đồng về việc giảm lãi suất với tốc độ như thế nào.
Nền kinh tế Mỹ ở thời điểm đó không phát những tín hiệu cảnh báo rõ rệt đòi hỏi một sự phản ứng quyết liệt từ ngân hàng trung ương. Tuy nhiên, một dòng dữ liệu cho thấy sự suy yếu của thị trường lao động, bao gồm bản báo cáo việc làm phi nông nghiệp tháng 8 công bố vào ngày thứ Sáu trước đó, đã thuyết phục Chủ tịch Fed Jerome Powell rằng một động thái cắt giảm lãi suất mạnh hơn bình thường là cần thiết để chống lại những rủi ro ngày càng gia tăng trên thị trường việc làm.
Trong tuần trước khi Fed họp, hai bản báo cáo lạm phát gồm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) cho thấy áp lực giá cả tiếp tục xuống thang, đồng nghĩa rằng dự định của ông Powell là đúng đắn.
FED CÓ THỂ GIẢM LÃI SUẤT NỬA ĐIỂM PHẦN TRĂM THÊM LẦN NỮA
Theo hãng tin Bloomberg, trước khi Fed công bố quyết định lãi suất vào ngày 18/9, các dự báo cho rằng một đa số mong manh các quan chức trong Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) - bộ phận ra quyết sách trong Fed - ủng hộ việc giảm lãi suất tổng cộng 1 điểm phần trăm hoặc hơn trong năm nay, đồng nghĩa có ít nhất một lần giảm với mức giảm lớn. Tuy nhiên, một thiểu số lớn được dự báo chỉ muốn giảm lãi suất tổng cộng 0,75 điểm phần trăm, đồng nghĩa sẽ có ba lần giảm với mức giảm nhỏ 0,25 điểm phần trăm.
Cuối cùng, có tới 11/12 thành viên FOMC ủng hộ ý tưởng của ông Powell khởi động chiến dịch nới lỏng chính sách tiền tệ với mức giảm nửa điểm phần trăm. Đó là một thắng lợi quan trọng đối với ông Powell khi ông nỗ lực duy trì sự tăng trưởng của nền kinh tế mà nhiều chuyên gia trước đây đã dự báo không thể kéo dài cho tới hiện nay. Thành viên duy nhất bỏ phiếu chống là Thống đốc Michelle Bowman - người kêu gọi tốc độ giảm lãi suất vừa phải hơn để tránh làm suy yếu tiến trình giảm lạm phát.
“Chủ tịch Fed luôn có quyền lực lớn. Việc ông Powell thuyết phục được tất cả các thành viên ngoại trừ ông Bowman ủng hộ việc giảm lãi suất nửa điểm phần trăm là một thắng lợi. Giờ đây ông ấy là một vị Chủ tịch thậm chí còn quyền lực hơn”, nhà sáng lập Mark Spindel của công ty Potomac River Capital nhận định với Bloomberg.
Phát biểu tại họp báo sau cuộc họp của Fed, ông Powell gọi quyết định giảm lãi suất nửa điểm phần trăm là “một sự khởi đầu mạnh mẽ tốt đẹp”, một hành động hợp lý nhìn từ “góc độ kinh tế và góc độ quản trị rủi ro”.
Khả năng Fed giảm lãi suất nửa điểm phần trăm thêm lần nữa là không thể loại trừ, nếu nền kinh tế sụt tốc mạnh - theo giới chuyên gia kinh tế - xét tới việc ông Powell đã đặt ưu tiên bảo đảm trạng thái thị trường lao động gần như toàn dụng, miễn sao lạm phát tiếp tục xuống thang.
Ông Powell có thể sẽ có cơ hội để thuyết phục các đồng nghiệp của ông giảm lãi suất thêm nửa điểm phần trăm nữa trong những tháng tới, nếu số liệu về thị trường việc làm một lần nữa gây thất vọng. Một số quan chức Fed phát biểu trong những ngày gần đây đã phát tín hiệu có thể ủng hộ việc giảm thêm lãi suất trong thời gian tới với mức giảm 0,25 điểm phần trăm mỗi lần, nhưng cũng để ngỏ cánh cửa cho một đợt giảm lớn.
“Xét tới những phát biểu của ông Powell tại hội nghị ở Jackson Hole và những gì chúng tôi nghe được từ ông ấy tại cuộc họp báo, tôi cho rằng Chủ tịch Fed sẽ nghiêng về việc giảm lãi suất 0,5 điểm phần trăm một lần nếu thị trường việc làm yếu đi”, nhà kinh tế trưởng về Mỹ Matthew Luzzetti của ngân hàng Deutsche Bank nhận định.
CHIẾN LƯỢC QUẢN TRỊ RỦI RO CỦA FED
Theo Bloomberg, ông Powell đã khẳng định vai trò lãnh đạo của ông tại 3 thời khắc quan trọng trong vòng 1 năm trở lại đây.
Vào tháng 12/2023, ông phát tín hiệu rằng lãi suất quỹ liên bang có thể đã đạt đỉnh. Đó là thời điểm khi một số quan chức Fed cho rằng Fed có thể phải tăng lãi suất lên cao hơn.
Sau khi lạm phát bất ngờ tăng tốc trở lại trong quý 1/2024, một diễn biến khiến nhiều quan chức Fed lo sợ, ông Powell kiên nhẫn giữ vững lại suất cho tới khi đạt được niềm tin rằng áp lực giá cả lại bắt đầu suy yếu.
Tiếp đó, một số nghị sỹ phàn nàn rằng ông Powell đang đặt nền kinh tế vào thế rủi ro. Cuối cùng, ông đã quyết định chọn mức giảm lãi suất 0,5 điểm phần trăm ngay trong lần hạ đầu tiên.
Tất cả những hành động đó của ông Powell đều dựa trên một cảm nhận mạnh mẽ rằng lãi suất cao đang làm giảm nhiệt thay vì gây nứt vỡ nền kinh tế, và lạm phát có thể được kiểm soát với một mức độ tổn thất việc làm ít hơn so với những gì mà nhiều chuyên gia kinh tế dự báo.
“Thành công của chúng tôi trong việc đạt được những mục tiêu đó có ý nghĩa đối với tất cả người Mỹ”, ông Powell nói tại cuộc họp báo ngày 19/8. Ông miêu tả động thái giảm lãi suất đầu tiên sau 4 năm của Fed như một biện pháp bảo hiểm trước nguy cơ suy yếu thêm của nền kinh tế, nói cách khác là một hành động quản trị rủi ro.
“Các bạn có thể xem đây là một tín hiệu của cam kết rằng chúng tôi sẽ không chậm trễ. Đó là một động thái mạnh mẽ”, ông nói.
Một động thái giảm lãi suất 0,5 điểm phần trăm thường hiếm gặp ở Fed ngoại trừ trường hợp có khủng hoảng. Một mối lo ở đây là việc Fed chọn mức giảm lãi suất như vậy có thể là tín hiệu cho thấy Fed đã bắt đầu lo ngại về những dấu hiệu của tình trạng giảm tốc của nền kinh tế. Nhưng thay vào đó, ông Powell nói rằng động thái giảm lãi suất nửa điểm phần trăm là một dấu hiệu tin tưởng rằng lạm phát đang trên đà giảm về 2%. Và trong một sự thừa nhận hiếm hoi rằng việc chọn mức giảm lãi suất lớn hơn chính là điều ông muốn, ông Powell nói ông “hài lòng” với quyết định này.
Báo cáo việc làm gần đây nhất không chỉ cho thấy trong tháng 8, các nhà tuyển dụng đã bổ sung ít vị trí hơn so với dự báo, mà còn cho thấy tốc độ tạo việc làm mới sau khi điều chỉnh dữ liệu của tháng 6 và tháng 7 là thấp hơn so với con số đưa ra lần đầu. Tổng số việc làm mới trong 2 tháng được điều chỉnh giảm 86.000 công việc, khiến số việc làm bình quân mỗi tháng của kỳ 3 tháng gần nhất là thấp nhất kể từ giữa năm 2020.
Quản trị rủi ro là chiến lược mà Fed đã theo đuổi từ thời Chủ tịch Alan Greenspan. Chiến lược này nhằm mục đích ngăn chặn những rủi ro tiềm tàng, ngay cả những rủi ro có vẻ ít có khả năng xảy ra. Sau cú giảm lãi suất 0,5 điểm phần trăm vừa rồi, lãi suất quỹ liên bang vẫn nằm trong vùng thắt chặt. Bởi vậy, một số quan chức Fed tin rằng tổn thất của việc giảm lãi suất mạnh tay như một biện pháp bảo đảm như vậy là thấp.
“Ngay cả sau khi Fed giảm lãi suất 0,5 điểm phần trăm, tôi tin rằng vị thế chính sách tiền tệ nói chung vẫn là thắt chặt”, Chủ tịch Fed chi nhánh Minneapolis, ông Neel Kashkari, nhận định trong một bài viết hôm 23/9 giải thích về việc vì sao ông ủng hộ giảm lãi suất với mức giảm lớn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận