24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Thu Hương
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Sức ép gia tăng với PV Power

Món "nợ" 9.044 tỷ đồng thực hiện nội dung kiểm toán trong bối cảnh kinh doanh ảm đạm kéo dài, cùng với hoàn thành hai dự án điện tỷ đô, là những sức ép rất lớn đối với PV Power.

Lợi nhuận liên tục suy giảm

Là một trong những chủ lực về đầu tư nguồn điện của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tổng công ty Điện lực dầu khí Việt Nam (PV Power) nắm giữ nhiều dự án điện quy mô lớn.

Tuy nhiên, năm năm sau khi niêm yết, PV Power không được như kỳ vọng khi lợi nhuận liên tục suy giảm trong suốt giai đoạn từ 2019 đến 2023.

Cụ thể, kết thúc năm 2019, PV Power ghi nhận lợi nhuận khoảng 2.854 tỷ đồng. Chỉ số này giảm dần các năm sau, tới 2023 về mức 1.280 tỷ đồng.

Nửa đầu năm nay, lợi nhuận của PVPower mới đạt 657 tỷ đồng và dự kiến tiếp tục giảm (theo kế hoạch) trong phần còn lại của năm 2024.

Lợi nhuận suy giảm nhưng công nợ của PV Power lại gia tăng mạnh, khi khoản phải thu ngắn hạn của công ty mua bán điện tăng đều suốt ba năm qua. Con số này đạt đỉnh điểm năm 2023 lên tới hơn 12.600 tỷ đồng.

Để giải quyết thu hồi công nợ từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), PV Power cho biết đã báo cáo PVN để trình cấp thẩm quyền đề nghị EVN/EPTC thanh toán.

Đồng thời, PV Power cũng thừa nhận có được hỗ trợ từ cổ đông lớn là PVN trong bối cảnh này.

Trên thực tế, việc các doanh nghiệp sản xuất điện như PV Power hay một số thương hiệu mạnh khác như Trungnam Group rơi vào tình trạng bán điện cho EVN nhưng bị chậm trả tiền không còn xa lạ trên thị trường.

Không ít trường hợp đã rơi vào cảnh lao đao vì doanh thu từ sản xuất và bán điện cho EVN – đơn vị mua điện duy nhất hiện tại, đóng góp tỷ trọng quyết định vào sức khỏe của đơn vị.

Áp lực lớn từ các dự án điện tỷ đô

Việc tiếp tục đầu tư các dự án trọng điểm quốc gia như nhiệt điện Nhơn Trạch 3&4, LNG Quảng Ninh hay tổ hợp sản xuất điện sạch tích năng gần 4 tỷ USD tại Ninh Thuận là một áp lực không nhỏ với PV Power lúc này.

Nhiệt điện Nhơn Trạch 3&4 là dự án trọng điểm quốc gia thuộc quy hoạch điện VII điều chỉnh được Chính phủ giao PV Power làm chủ đầu tư, công suất 1.500MW, tổng mức đầu tư 1,4 tỷ USD, đặt tại KCN Ông Kèo, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai.

Đây là dự án điện LNG đầu tiên tại Việt Nam, khởi công gần ba năm trước, dự kiến đưa vào vận hành từ cuối năm 2024.

Tuy nhiên, PV Power vẫn gặp không ít gian nan liên quan đến mặt bằng và thuê đất, ký kết hợp đồng mua bán điện và đường dây đấu nối.

Đơn cử, việc chưa thống nhất xong các vướng mắc với Tổng công ty Tín Nghĩa về vấn đề thuê đất ảnh hưởng đến hoàn thuế VAT và vay vốn của dự án.

Về đàm phán mua bán điện PPA/GSA, đề xuất cam kết sản lượng điện hợp đồng Qc của dự án vẫn chưa được cơ quan quản lý chấp thuận.

Theo PVPower, đây là các rủi ro rất lớn về tính pháp lý, khả thi và hiệu quả của dự án đối với chủ đầu tư.

Ngoài ra, do dự án không được Chính phủ bảo lãnh các khoản vay, Qc của dự án chưa được cam kết trong hợp đồng PPA nên việc thu xếp vốn hiện gặp khó khăn, kéo dài hơn so với dự kiến.

Liên quan tới vốn vay, PV Power đã thu xếp thành công hai nguồn gồm vốn vay ECA không ràng buộc xuất xứ thiết bị trị giá 200 triệu USD tại ngân hàng SMBC do SACE bảo lãnh và khoản vay 4.000 tỷ đồng tại Vietcombank.

Sau khi được bàn giao từ PVN, chủ đầu tư cũng đã đề nghị Chính phủ một số cơ chế để đảm bảo hiệu quả đầu tư dự án.

Điển hình như việc được bao tiêu sản lượng điện được tính toán trên cơ sở Tmax bình quân cả đời dự án là 6.000h/năm.

Hay giá bán điện được xây dựng trên nguyên tắc chuyển ngang chi phí nhiên liệu khí từ hợp đồng mua bán khí sang hợp đồng mua bán điện.

Nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh có công suất lên tới 1.500MW, kinh phí đầu tư gần 48.000 tỷ đồng.

Dự án được xây dựng trên diện tích khoảng 56ha tại phường Cẩm Thịnh, thành phố Cẩm Phả, đã được khởi động từ cuối 2021.

Ngoài hai dự án trên, PV Power cũng bất ngờ gây chú ý với đề xuất tổ hợp sản xuất điện sạch tích năng trị giá gần 4 tỷ USD tại Ninh Thuận gần đây.

Theo đó, tổ hợp này có tên Lâm Sơn gồm ba dự án thành phần: Thủy điện tích năng công suất 1.440MW, dự án điện mặt trời 3.500MWp và hệ thống pin lưu trữ (BESS) 350MW.

Tổng mức đầu tư dự kiến 3,98 tỷ USD, nhu cầu sử dụng đất khoảng 184ha cho thuỷ điện tích năng và 2.000ha cho điện mặt trời. Thời gian triển khai dự án từ năm 2026, đưa vào vận hành cuối năm 2030.

Nợ nghĩa vụ tài chính của kiểm toán 9.044 tỷ đồng

Chưa rõ kết quả đầu tư vào các siêu dự án nguồn điện như Nhơn Trạch 3&4, LNG Quảng Ninh trong thời gian tới ra sao, nhưng PV Power vẫn còn đó không ít “món nợ” chờ giải quyết.

Nổi cộm nhất, là việc thực hiện theo kết luận, kiến nghị về tài chính của Kiểm toán Nhà nước với số tiền lên đến 9.044 tỷ đồng chưa hoàn thành.

Đây là phần kiến nghị của cuộc kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước năm 2019.

Thêm nữa, kết quả kiểm toán báo cáo tài chính và các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn nhà nước năm 2022 cũng cho thấy, PV Power phát sinh khoản nợ khó đòi lên tới gần 2.500 tỷ đồng.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Mã chứng khoán liên quan bài viết
12.45 +0.30 (+2.47%)
prev
next

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả