menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Kiều Trang

Sức cạnh tranh lao động Việt ngành bán dẫn kém Hàn, Trung

So sánh năng lực bảo dưỡng thiết bị hỏng hóc, kỹ sư thiết bị Việt đạt 30 điểm, trong khi Trung Quốc 70 và Hàn Quốc 90 điểm.

Hội thảo thực trạng, giải pháp cung ứng lao động ngành bán dẫn lần đầu được UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức ngày 16/4, thu hút nhiều doanh nghiệp FDI, đại học, cao đẳng tham gia.

Hana Micron Vina là công ty chuyên sản xuất, gia công bảng vi mạch tích hợp cho điện thoại di động và thiết bị thông minh có hai nhà máy đặt tại Bắc Giang và Bắc Ninh. Riêng cơ sở Bắc Giang mỗi năm có thể sản xuất 100 triệu chip bán dẫn. Nhà máy có hơn 1.600 lao động, dự kiến cuối năm tăng lên 1.900. Song nhân sự bậc cao vẫn chiếm tỷ lệ thấp, công nhân từ level B trở lên đạt 39%, kỹ sư thiết bị khoảng 23%, kỹ sư quy trình khoảng 29% nên cần nhiều thời gian đào tạo mới thuần thục quy trình.

Sức cạnh tranh lao động Việt ngành bán dẫn kém Hàn, Trung

Ông Chung Won Soek, Tổng giám đốc Công ty Hana Micron Vina tại hội thảo ngày 16/4. Ảnh: Hồng Chiêu

Tổng giám đốc Chung Won Soek đánh giá nguồn lao động Việt Nam trong ngành này trẻ, song tiêu chuẩn trong công việc lẫn sức cạnh tranh yếu hơn Hàn Quốc, Trung Quốc.

Đơn cử, về mức độ thành thạo công việc, một công nhân Việt Nam vận hành thiết bị được 18 lần thì Trung Quốc 40, Hàn Quốc 60. Năng lực bảo dưỡng và cải tiến công đoạn lẫn giá thành của kỹ sư Trung Quốc và Hàn Quốc cũng cao gấp 2-3 lần so với Việt Nam về điểm số. Kinh nghiệm làm việc và thâm niên gắn bó với doanh nghiệp của lao động Việt cũng ít hơn rất nhiều.

Theo ông Chung, điều này dễ hiểu khi ngành chip bán dẫn ở Việt Nam hình thành chưa lâu, nếu được đào tạo và phát triển thêm tương lai "không kém Hàn hay Trung".

Để cung ứng nguồn lao động, doanh nghiệp hợp tác với các trường cao đẳng và dự kiến tới năm 2026 mở rộng chương trình đào tạo. Sinh viên được kỹ sư Hana trực tiếp hướng dẫn tại trường, sau đó tới công ty thực tập. Nhóm này vượt qua hai kỳ thực tập, vào làm việc tại Hana sẽ nhận lương cao hơn một bậc so với nhân sự tuyển dụng thông thường. Bằng cách này, ông Chung hy vọng sẽ tìm kiếm được nhân sự chất lượng cao ngành bán dẫn.

Cuối năm 2022 đến nay, doanh nghiệp tổ chức hai khóa thực tập cho gần 120 sinh viên, tuyển chọn được 66 nhân sự ở lại làm việc. Đại diện Hana đề nghị nhà trường chú trọng đào tạo ý thức và nhận thức nghề nghiệp vì doanh nghiệp chỉ chọn sinh viên thực sự muốn làm việc, gắn bó lâu dài sau khi tốt nghiệp.

Sức cạnh tranh lao động Việt ngành bán dẫn kém Hàn, Trung

Gian hàng trưng bày sản phẩm vi mạch của Đại học Quốc gia TP HCM trong một sự kiện đổi mới sáng tạo, tháng 10/2023. Ảnh: Lưu Quý

Ông Nguyễn Xuân Ngọc, Phó ban Quản lý các khu công nghiệp Bắc Giang, nói bán dẫn là ngành mới nên lao động chính quy ít, chủ yếu là người học các ngành liên quan đến lĩnh vực này. Người được tuyển vào vị trí kỹ thuật chủ yếu tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên ngành lĩnh vực tự động hóa, kỹ thuật điện tử, thiết bị điện tử, công nghệ thông tin, cơ khí chế tạo, công nghệ hóa.

Chuyên môn phần lớn chưa khớp, nên doanh nghiệp đều phải đào tạo từ đầu. Những người qua đào tạo 1-3 tháng có thể nắm bắt được công việc nhưng vẫn cần sự giám sát của quản lý và chuyên gia kỹ thuật. Từ 6 tháng đến một năm, người đó mới thành thạo và làm độc lập. Lao động phổ thông mất khoảng một tháng đào tạo, sau đó được hướng dẫn thêm khi làm việc.

Vì vậy, ông Ngọc đề nghị các trường tham khảo kỹ nhu cầu thị trường lẫn doanh nghiệp để đào tạo sát thực tế, đánh giá thực chất năng lực sinh viên để định hướng cụ thể. Ban quản lý sẽ làm cầu nối giữa doanh nghiệp, trường học để xây dựng hệ thống và cung cấp thông tin nhu cầu, xu hướng của thị trường.

Ngoài non trẻ, thách thức còn đến từ đặc thù của ngành nên khó thu hút chuyên gia, giảng viên giỏi đào tạo. Ông Võ Xuân Hoài, Phó giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia, cho rằng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị công nghệ cao để đào tạo nhân lực yêu cầu khoản đầu tư lớn từ Chính phủ, viện trường và doanh nghiệp. Khâu phối hợp giữa trường - doanh nghiệp với chương trình đào tạo chính quy hiện chưa nhất quán, chưa đạt tiêu chuẩn quốc tế.

"Cần thêm chính sách khuyến khích sinh viên ngành kỹ thuật đi vào mảng bán dẫn", ông Hoài nhấn mạnh, gợi mở Bắc Giang nâng cao năng lực cơ sở giáo dục đại học, bố trí ngân sách cho các dự án đào tạo thực hành ngắn hạn hoặc sau đại học.

Sức cạnh tranh lao động Việt ngành bán dẫn kém Hàn, Trung

Ông Võ Xuân Hoài, Phó giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia tại hội thảo ngày 16/4. Ảnh: Hồng Chiêu

Ông Trương Việt Anh, Đại học Bách khoa Hà Nội đánh giá với tài nguyên đất đai và nguồn nhân lực, Bắc Giang thu hút các nhà máy và tập trung vào khâu sản xuất đóng gói, kiểm thử là phù hợp. Nhưng ngay cả các khâu này thì nhân lực được đào tạo vẫn còn rất thiếu.

Ông góp ý tỉnh có thể hợp tác, đặt hàng trường đại học phù hợp hoặc tổ chức khóa ngắn hạn vừa đào tạo vừa thực hành tại doanh nghiệp. Trong lựa chọn nên ưu tiên doanh nghiệp Việt Nam có khả năng làm chủ công nghệ để tạo cơ hội phát triển sản phẩm "made in Việt Nam"; doanh nghiệp có xuất phát điểm tương đồng từ quốc gia phát triển công nghệ bán dẫn như Hàn Quốc, Trung Quốc để học hỏi kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Mai Sơn cho biết tập trung đào tạo lao động cấp độ đóng gói, kiểm thử, nên tỉnh sẽ chú trọng ba giải pháp là nâng cao năng lực nội tại các trường, có chính sách ưu đãi cho người dạy, người học; liên kết đại học, doanh nghiệp đang sản xuất để đào tạo nhân lực; đàm phán với các trường nước ngoài để đưa con em Bắc Giang đi học ngành này và hỗ trợ trong quá trình học tập.

Toàn tỉnh Bắc Giang hiện có hơn 8.000 lao động làm việc trong các doanh nghiệp chuyên về bán dẫn, phần lớn 18-35 tuổi. Song nhân sự chuyên môn bậc trung đến cấp quản lý chỉ chiếm trên 23%, còn lại là bậc thấp hơn. Năm nay, tỉnh cần thêm gần 2.000 lao động ngành bán dẫn và đến năm 2030 sẽ tăng lên khoảng 6.000 người.

Hồng Chiêu

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
3 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại