menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Nam Hưng

Sửa nghị định kinh doanh xuất khẩu gạo để minh bạch thị trường

Sớm ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định 107/2018/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo là việc làm cần thiết nhằm hướng đáp ứng yêu cầu thị trường, từng bước đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu gạo vào nền nếp.

Những bất cập cần sửa đổi

Không phủ nhận sau gần 6 năm đưa vào triển khai thực tế, Nghị định 107 2018/NĐ-CP (Nghị định 107) đã có tác động tích cực đến hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo. Tuy nhiên, theo báo cáo đánh giá của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), bên cạnh những kết quả tích cực, trong quá trình thực thi nghị định này cũng đã bộc lộ một số vấn đề cần được sửa đổi.

Sửa nghị định kinh doanh xuất khẩu gạo để minh bạch thị trường
Nhiều thương nhân kinh doanh, xuất khẩu gạo chưa thực hiện nghiêm túc trách nhiệm báo cáo theo quy định. Ảnh minh họa

Cụ thể, tại Điều 24 Nghị định số 107 quy định, thương nhân thực hiện báo cáo định kỳ hàng quý, hàng năm về tình hình ký kết và thực hiện hợp đồng xuất khẩu gạo, thực tế tồn kho. Thế nhưng nhiều thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo chưa thực hiện nghiêm túc trách nhiệm báo cáo theo quy định (không báo cáo, báo cáo không đầy đủ nội dung theo quy định, có báo cáo nhưng không thường xuyên). Việc này đã gây rất nhiều khó khăn cho việc điều hành xuất khẩu gạo. Cũng trong Điều 24 Nghị định số 107 quy định: "Thương nhân báo cáo không đúng sự thật hoặc không thực hiện chế độ báo cáo theo quy định tại Điều này không được hưởng các chính sách ưu tiên…”

Trong bối cảnh mới, các thị trường thực hiện tư nhân hóa, giao dịch hợp đồng xuất khẩu gạo tập trung còn rất ít, kinh phí quảng bá hình ảnh, xúc tiến thương mại lại không đáng kể, không phân biệt giữa doanh nghiệp báo cáo và doanh nghiệp không báo cáo nên quy định của Nghị định 107 có thể bắt buộc các thương nhân phải thực hiện nghĩa vụ báo cáo. Cơ quan quản lý chỉ có thể kêu gọi, khuyến khích các thương nhân tự giác chấp hành.

Đáng nói, những thông tin, số liệu liên quan (diện tích gieo trồng, sản lượng từng chủng loại lúa, lượng thóc, gạo hàng hóa tồn kho, xuất khẩu...) của doanh nghiệp thường không đầy đủ, xác thực, kịp thời, không phản ánh đúng thực tế. Từ đó, gây rất nhiều khó khăn cho điều hành, quản lý sản xuất, xuất khẩu gạo, đặc biệt tại thời điểm có nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh lương thực.

Tại Điều 5 Nghị định 107 quy định, Sở Công Thương địa phương chủ trì, phối hợp với Sở NN&PTNT và cơ quan liên quan tổ chức hậu kiểm kho chứa, cơ sở xay, xát thóc, gạo để đáp ứng điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo của thương nhân sau khi thương nhân được cấp Giấy chứng nhận.

Tuy nhiên, thực tế, các cơ quan kể trên chậm tiến hành hậu kiểm do không xác định được Sở Công Thương tỉnh, thành phố nào chủ trì (thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo có thể kê khai kho chứa, cơ sở xay xát thóc gạo tại nhiều địa phương để được cấp Giấy chứng nhận).

Thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững

Nhiều chuyên gia nhận định, hàng năm Việt Nam dành khoảng 7 - 8 triệu tấn gạo cho xuất khẩu gạo nên khi xây dựng Nghị định 107, hoạt động nhập khẩu gạo không thuộc phạm vi điều chỉnh của nghị định này và phù hợp với thực tế tại thời điểm xây dựng. Trước tác động của các yếu tố khách quan và chủ quan, Việt Nam đã nhập khẩu một số loại gạo để phục vụ các nhu cầu trong nước (sản xuất thức ăn chăn nuôi, sản xuất bia...); bên cạnh đó dành lượng gạo chất lượng cao hơn cho xuất khẩu.

Sửa nghị định kinh doanh xuất khẩu gạo để minh bạch thị trường
Bộ Công Thương sẽ sớm ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định 107/2018/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo. Ảnh minh họa

Tuy nhiên, việc nhập khẩu gạo quá nhiều nhưng không được quản lý, thống kê đầy đủ, kịp thời sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất trong nước, tác động đến sản xuất lúa gạo của Việt Nam, đời sống của người nông dân và gián tiếp ảnh hưởng đến an ninh lương thực.

Về vấn đề này, GS.TS Võ Tòng Xuân cho rằng: Hiệp hội Lương thực Việt Nam và các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo cần thực hiện nghiêm túc các quy định tại Nghị định 107. Điều này bao gồm báo cáo định kỳ về lượng thóc, gạo tồn kho; tình hình ký kết và thực hiện hợp đồng xuất khẩu gạo; tình hình thu mua thóc, gạo hàng hóa nhằm đảm bảo cân đối xuất khẩu và tiêu dùng nội địa; duy trì mức dự trữ lưu thông theo quy định. Có như vậy, cơ quan quản lý mới kịp thời điều hành ứng phó trong tình hình thị trường có nhiều biến động, hướng đến phát triển ngành lúa gạo bền vững.

Để đảm bảo vững chắc an ninh lương thực Quốc gia và thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững, Bộ Công Thương sẽ sớm ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 107 về kinh doanh xuất khẩu nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động xuất khẩu gạo, tạo môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng và thuận lợi cho các thương nhân xuất khẩu gạo.

Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 107/2018/NĐ-CP có bổ sung quy định: theo kỳ công bố số liệu, Tổng cục Hải quan kịp thời báo cáo Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ NN&PTNT về kết quả xuất khẩu khi xuất hiện hiện tượng lượng gạo xuất khẩu tăng cao, có nguy cơ gây ảnh hưởng đến an ninh lương thực quốc gia và đề xuất biện pháp quản lý phù hợp.

Cùng với đẩy mạnh các hoạt động giao thương, quảng bá sản phẩm, thương hiệu Gạo Việt Nam, Bộ Công Thương đã chỉ đạo hệ thống Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài hỗ trợ thương nhân xuất khẩu gạo thiết lập các kênh phân phối trực tiếp; triển khai các hoạt động quảng bá gạo Việt Nam, đặc biệt là gạo chất lượng cao, có giá trị gia tăng cao thâm nhập các thị trường khó tính, thị trường ngách.

Mặt khác, lực lượng quản lý thị trường cả nước sẽ tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng tại các địa phương theo dõi sát, kiểm tra, giám sát hoạt động lưu thông, tiêu thụ, dự trữ lúa, gạo của các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo theo quy định; đồng thời xử lý nghiêm những trường hợp đầu cơ, trục lợi bất chính, gây bất ổn thị trường trong nước.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả