24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Thu Trà
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Sửa Nghị định 24 nên xem xét mở sàn vàng, giao dịch vàng tài khoản

Chuyên gia chỉ ra những điểm cần tháo gỡ, sửa đổi của nghị định 24 để quản lý, vận hành thị trường vàng hiệu quả hơn.

Theo các chuyên gia, Nghị định 24 hiện đang có nhiều bất cập. Mặt khác, hiện tại Việt Nam chưa có thị trường tập trung, chưa có nơi giao dịch tập trung vàng. Cho nên sự minh bạch về giá chưa rõ ràng. Vì vậy, việc mở sàn vàng là cần thiết để tạo ra một thị trường tập trung, minh bạch.

Mở sàn vàng để tạo một thị trường tập trung, minh bạch

Trước diễn biến bất thường của giá vàng và thị trường vàng trong thời gian qua, các cơ quan chức năng đã áp dụng nhiều biện pháp để bình ổn giá vàng.

Tuy nhiên theo các chuyên gia, giải pháp lâu dài, quan trọng hiện nay là phải sửa đổi Nghị định 24 để quản lý, vận hành thị trường vàng. Theo PGS.TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), biện pháp dài hạn là phải sửa gấp Nghị Định 24, bởi Nghị định 24 hiện đang có rất nhiều bất cập.

Vị chuyên gia cho rằng, trong Nghị Định 24 chủ yếu nói về vàng vật chất gồm vàng miếng, vàng trang sức và vàng nguyên liệu, không nói đến vàng tài khoản hay chứng chỉ vàng. Hay nói cách khác là “vàng giấy”. “Vàng giấy” là vàng mua theo tài khoản, giao dịch thông qua sàn vàng và không phải vàng vật chất.

Tuy nhiên, tại Việt Nam hiện nay chưa có sàn vàng. Vì vậy, theo PGS.TS Ngô Trí Long, trong việc sửa đổi Nghị định 24 cần xem xét đến việc mở sàn vàng.

Vị chuyên gia phân tích: “Hiện nay, tại Việt Nam chưa có thị trường tập trung, chưa có nơi giao dịch tập trung vàng. Cho nên sự minh bạch về giá chưa rõ ràng, mà các cửa hàng nhỏ lẻ rất nhiều, cho thấy sự manh mún, có nhiều mảng bán độc lập nên thị trường chưa được minh bạch. Thị trường không minh bạch sẽ dễ dẫn đến việc làm giá, thao túng, đầu cơ,… Vì vậy, tôi cho rằng, việc mở sàn vàng là cần thiết để tạo ra một thị trường tập trung, minh bạch”.

Ngoài ra, theo PGS.TS Ngô Trí Long, một trong những công cụ để quản lý thị trường trong bối cảnh hiện tại, ngoài những biện pháp kinh tế, cần áp dụng những biện pháp hành chính như thanh, kiểm tra. Nhà nước phải tiến hành thanh tra, kiểm tra, giám sát một cách chặt chẽ, gắt gao đối với các cửa hàng kinh doanh vàng bạc để đưa thị trường vào hoạt động ổn định.

GS.TS Trần Thọ Đạt - Chủ tịch Hội đồng khoa học và đào tạo, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, trong bối cảnh kinh tế còn nhiều biến động khó lường, chắc chắn vàng vẫn sẽ là tài sản đầu tư được ưa thích, đòi hỏi phải có sự quản lý để thị trường này hoạt động hiệu quả. Ông cho rằng, tham khảo kinh nghiệm các nước để cho phép đưa vàng vào giao dịch kỳ hạn trên sàn như các hàng hóa khác, với điều kiện các thành viên tham gia có đáp ứng các tiêu chuẩn phù hợp. Nếu có các công cụ giao dịch vàng phi vật chất, áp lực với thị trường vàng vật chất sẽ không còn.

4 điểm cần tháo gỡ của Nghị định 24

Về việc quản lý thị trường vàng, TS. Cấn Văn Lực – chuyên gia Kinh tế cũng cho rằng, cần phải kiểm soát được câu chuyện buôn bán lậu, buôn bán kinh doanh vàng giả. Cái này về cơ bản, các cơ quan quản lý đã làm được trong thời gian qua, nhưng cần phải quan tâm hơn nữa trong thời gian tới.

“Khi chúng ta quản lý thị trường vàng tốt hơn, giá vàng sát hơn so với thế giới thì hiện tượng nhập lậu vàng sẽ giảm bớt đi, qua đó sẽ góp phần tăng lượng ngoại tệ, thu hút lượng ngoại tệ trong dân, trong doanh nghiệp, Chứ không phải giảm bớt đi, thậm chí là sẽ tăng thêm dự trữ ngoại hối thông qua cách làm đó”.

Liên quan đến việc sửa đổi Nghị Định 24, TS. Cấn Văn Lực cho biết, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan quản lý, các chuyên gia đã bàn khá nhiều trong thời gian qua, về việc cần phải sớm sửa đổi Nghị định 24.

Đối với thị trường vàng hiện nay, việc sửa đổi Nghị định 24, vị chuyên gia cho rằng, cần tập trung vào các nhóm giải pháp sau.

Thứ nhất, cần phải cho phép tăng lượng cung vàng để phù hợp với nhu cầu của người dân và các gia đình ở Việt Nam. Bằng cách cho phép một số doanh nghiệp đủ tiêu chuẩn, tiêu chí đáp ứng điều kiện để có thể nhập khẩu vàng vào Việt Nam.

Thứ hai, phải loại bỏ thương hiệu quốc gia độc quyền SJC.

Thứ 3, cần phải tăng cường khâu phối kết hợp giữa Ngân hàng Nhà nước với các cơ quan, bộ ngành khác nhau để kiểm tra, đánh giá, giám sát thị trường, đảm bảo công khai, minh bạch và hoạt động hiệu quả hơn nữa.

Thứ tư, cần phải tăng cường hợp tác quốc tế, để theo đó vừa chống buôn lậu vàng, cũng như việc đảm bảo cung – cầu để thị trường vàng liên thông tốt hơn nữa trong thời gian tới.

"Tôi nghĩ, nếu chúng ta tháo gỡ được 4 điểm như vậy thì về cơ bản nghị định 24 sẽ đáp ứng được yêu cầu vận hành, quản lý thị trường vàng tốt hơn trong thời gian tới. Và tôi tin tưởng sẽ có sự hỗ trợ rất tốt cho sự ổn định kinh tế vĩ mô nói chung, kể cả lĩnh vực ngoại hối nói riêng”, vị chuyên gia khẳng định.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Mã chứng khoán liên quan bài viết
87,000 N +800.00 (+0.93%)
2,706.90 +37.80 (+1.42%)
prev
next

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả