Sửa Luật Thuế giá trị gia tăng: Cần lộ trình áp dụng mức thuế suất thống nhất
Đồng tình với các đề xuất của cơ quan soạn thảo, tuy nhiên, theo chuyên gia, việc tăng thuế suất phải được thực hiện một cách thận trọng, theo một lộ trình cụ thể và có các giải pháp hỗ trợ phù hợp…
Theo đó, Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng vẫn giữ nguyên 26 nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng nhưng đã thu hẹp các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng trong 26 nhóm này (bỏ 12 loại hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng gồm: phân bón; máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp; tàu đánh bắt xa bờ; lưu ký chứng khoán; dịch vụ tổ chức thị trường của sở giao dịch chứng khoán hoặc trung tâm giao dịch chứng khoán; dịch vụ bưu chính công ích; dịch vụ viễn thông công ích; dịch vụ internet phổ cập theo chương trình của Chính phủ; dịch vụ duy trì vườn thú; dịch vụ duy trì vườn hoa, công viên; dịch vụ duy trì cây xanh đường phố; dịch vụ chiếu sáng công cộng).
Đáng nói, nhằm hoàn thiện các quy định về thuế suất thuế giá trị gia tăng, thu hẹp dần thuế suất 5%, hướng đến một thuế suất thống nhất, tại Dự thảo Luật (sửa đổi), Bộ Tài chính đã đề xuất thu hẹp các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 5% từ 15 nhóm hàng hóa, dịch vụ xuống còn 12 nhóm hàng hóa, dịch vụ đồng thời bỏ 2 loại hàng hóa.
Cụ thể, Dự thảo Luật (sửa đổi) quy định một số loại hàng hóa chuyển từ thuế suất 5% sang 10%, như: bỏ quy định “nhựa thông sơ chế”, “lâm sản chưa qua chế biến” thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 5% (sang áp dụng mức thuế suất 10%) để thu gọn đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng 5% cũng như hạn chế khai thác rừng tự nhiên. Bỏ quy định mặt hàng “đường; phụ phẩm trong sản xuất đường, bao gồm gỉ đường, bã mía, bã bùn” thuộc đối tượng áp dụng thuế suất giá trị gia tăng 5% (sang áp dụng thuế suất GTGT 10%)...
Theo cơ quan soạn thảo, việc sửa đổi, bổ sung các quy định này nhằm đạt đa mục tiêu, từ yêu cầu của cải cách hành chính, cải cách thủ tục quản lý thuế, cho đến tạo cơ sở pháp lý để nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý thuế để phòng, chống trốn thuế, thất thu và nợ thuế.
Đồng tình với quan điểm cũng như các đề xuất của cơ quan soạn thảo, tuy nhiên, theo chuyên gia, việc tăng thuế suất phải được thực hiện một cách thận trọng, theo một lộ trình cụ thể và có các giải pháp hỗ trợ phù hợp.
Xoay quanh vấn đề đã nêu, TS. Nguyễn Thùy Trang - Học viện Tài chính cho rằng, Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển nhanh chóng, nhu cầu đầu tư cho các lĩnh vực như giáo dục, y tế, an ninh quốc phòng ngày càng tăng. Việc tăng thuế suất thuế giá trị gia tăng sẽ giúp tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, đáp ứng nhu cầu đầu tư cho các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế. Thuế giá trị gia tăng có tác dụng điều tiết giá cả hàng hóa, dịch vụ, việc tăng thuế suất thuế giá trị gia tăng sẽ giúp bình ổn thị trường, hạn chế tình trạng lạm phát.
Như vậy, để đảm bảo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, đồng thời điều tiết thu nhập, bình ổn thị trường và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thuế suất thuế giá trị gia tăng phổ thông phải được tăng. Tuy nhiên, việc tăng thuế suất thuế giá trị gia tăng phải được thực hiện một cách thận trọng, theo một lộ trình cụ thể và có các giải pháp hỗ trợ phù hợp.
“Tăng thuế giá trị gia tăng phải được xem xét kỹ lưỡng để phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam”, vị này chia sẻ.
Đồng quan điểm, không ít ý kiến cũng cho rằng, thuế suất thuế giá trị gia tăng phổ thông có thể tăng từ 1% - 2% thay vì áp dụng thống nhất một mức thuế suất giá trị gia tăng 10% ngay lập tức, Việt Nam nên cân nhắc kỹ lưỡng và lựa chọn thời điểm thích hợp hơn để áp dụng chính sách này. Trong thời gian tới, cần tập trung vào hoàn thiện hệ thống thuế hiện hành, đẩy mạnh công tác quản lý thuế và hỗ trợ doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Liên quan đến vấn đề này, nhất trí cao với cơ quan soạn thảo đã chuyển một số hàng hóa dịch vụ từ thuế suất 5% sang nhóm 10%, thu hẹp dần thuế suất 5%, hướng đến một thuế suất thống nhất, bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn thuế đề nghị nghiên cứu chuyển thêm một số sản phẩm đang áp dụng thuế suất 5% sang 10%, mà các sản phẩm này không phải là các sản phẩm hàng hóa thuộc danh mục khuyến khích, ưu đãi hoặc khó xác định thuế suất, hoặc không tương ứng về thuế suất với các sản phẩm khác trong thực thi để tăng cường tính công bằng, minh bạch, thống nhất.
Được biết, Dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) đã được trình Quốc hội xem xét cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 vừa qua và dự kiến xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8 tới đây.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận