Sửa Luật Doanh nghiệp, tăng vị thế cổ đông
Một trong những điểm mới, trọng tâm tại dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi theo kế hoạch được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 9 diễn ra vào tháng 5/2020, theo ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), thành viên Ban soạn thảo Luật, là tăng cường công cụ để cổ đông, nhất là các cổ đông nhỏ bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình.
Cũng là chủ khi góp vốn vào doanh nghiệp, nhưng cổ đông nhỏ thường bị cổ đông lớn, cổ đông sáng lập xử ép. Theo ông, vì sao tình trạng này tồn tại suốt thời gian dài?
Nhiều cá nhân sao không tự đi kinh doanh, mà cần thành lập doanh nghiệp? Một trong những lý do là vì thành lập doanh nghiệp để huy động vốn phục vụ cho hoạt động sản xuất - kinh doanh. Nguồn vốn là yếu tố sống còn đối với hoạt động của doanh nghiệp.
Như vậy, công ty là một công cụ để huy động vốn, là công cụ để kinh doanh, chứ không phải công ty là của ông này, bà kia.
Do vậy, đã thành lập công ty thì thường cần có thêm những người khác cùng tham gia góp vốn để kinh doanh. Với cách tiếp cận như vậy thì cổ đông là người có tiền, nên một khi họ đã góp vốn vào công ty, thì dù là ít hay nhiều, họ đều phải được đối xử tốt nhất trong công ty.
Có nghĩa là mọi thông tin phải được minh bạch và mọi quan hệ với cổ đông phải là tốt nhất xét về mặt bản chất.
Thế nhưng, tại sao trên thực tế lại không hẳn như vậy? Điều này có nguyên nhân từ nhận thức về doanh nghiệp là công cụ kinh doanh chưa được hiểu chuẩn.
Cổ đông lớn, cổ đông sáng lập nghĩ là công ty là của mình, chứ không nghĩ doanh nghiệp về bản chất chỉ là một công cụ kinh doanh, công cụ huy động vốn để kinh doanh.
Khi chưa nhận thức được đầy đủ theo hướng đó, thì dù luật pháp có bắt doanh nghiệp đối xử tốt với cổ đông, thì công ty, người quản lý doanh nghiệp, cổ đông lớn vẫn không phải lúc nào cũng làm như vậy.
Trong khi đó, việc cung cấp thông tin một cách minh bạch cho cổ đông là bổn phận của công ty, của người lãnh đạo doanh nghiệp kể cả luật không yêu cầu, vì cổ đông là người góp tiền vào công ty, là chủ của doanh nghiệp.
Trong khi nhiều ý kiến ủng hộ dự thảo luật đề xuất cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 3% tổng số cổ phần phổ thông trở lên (thay vì 10% tổng số cổ phần trở lên trong thời hạn liên tục ít nhất 6 tháng như quy định hiện hành) có quyền tiếp cận nhiều thông tin như: xem xét và trích lục sổ biên bản và các nghị quyết của HĐQT; báo cáo tài chính năm; hợp đồng, giao dịch phải thông qua HĐQT…. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng tỷ lệ 3% là thấp dẫn đến nguy cơ cổ đông lạm quyền để “quấy phá” doanh nghiệp, ông nghĩ sao?
Về nguyên tắc, việc trao thêm quyền cho các cổ đông trong việc chủ động tiếp cận các thông tin hoạt động của công ty để giúp họ giám sát công ty, cũng như bảo vệ quyền lợi chính đáng của họ tốt hơn.
Bởi vậy, tại dự thảo Luật Doanh nghiệp mà Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì soạn thảo có đề xuất, thay vì cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 10% tổng số cổ phần trở lên trong thời hạn liên tục ít nhất 6 tháng như quy định hiện hành mới có quyền tiếp cận nhiều thông tin như: xem xét và trích lục sổ biên bản và các nghị quyết của HĐQT; báo cáo tài chính năm; hợp đồng, giao dịch phải thông qua HĐQT…, thì nay giảm xuống sở hữu từ 3% tổng số cổ phần phổ thông trở lên, đồng thời bỏ quy định phải đáp ứng điều kiện sở hữu cổ phần liên tục ít nhất 6 tháng như quy định hiện hành mới có quyền tiếp cận nhiều thông tin.
Hiện có những ý kiến chưa thống nhất về tỷ lệ 3% hay 5%, nhưng đến thời điểm này chắc chắn một điều là ít nhất sẽ giảm từ 10% xuống từ 5% trở xuống. Ý kiến cho rằng nên giảm về 5% vì tương thích với Luật Chứng khoán khi quy định về cổ đông lớn.
Hơn nữa, đây là mức vừa phải để đủ cao, tránh nguy cơ cổ đông sở hữu lượng cổ phần vừa phải, nhưng lại có nhiều quyền trong tiếp cận thông tin của doanh nghiệp dẫn đến “quấy phá” doanh nghiệp.
Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng 3% là hợp lý. Lấy ví dụ ở các công ty niêm yết, nhất là các công ty có quy mô vốn điều lệ từ hàng trăm đến hàng nghìn tỷ đồng, thì cổ đông sở hữu 3% cổ phần là đủ lớn, xứng đáng được trao thêm quyền tiếp cận và nắm bắt nhiều hơn các thông tin về hoạt động của doanh nghiệp.
Điều này vừa giúp họ bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng tương ứng với số vốn họ góp vào doanh nghiệp tốt hơn, vừa giúp họ giám sát hoạt động của doanh nghiệp, của người quản lý công ty hiệu quả hơn.
Còn ở những doanh nghiệp quy mô nhỏ, thì sở hữu 3% cổ phần là nhỏ, không đáng kể, nên dù muốn họ cũng không dễ “quấy phá” doanh nghiệp như một số ý kiến quan ngại…
Thực tiễn quốc tế dao động rất lớn, khi cổ đông sở hữu từ 1-20% cổ phần, thì được trao quyền tiếp cận nhiều hơn các thông tin của doanh nghiệp tùy theo các quốc gia.
Tuy nhiên, các nước quy định phổ biến từ sở hữu 1 - 10% tổng số cổ phần là được trao thêm quyền tiếp cận các thông tin hoạt động của doanh nghiệp.
Trước những ý kiến chưa thống nhất như trên, chúng tôi kỳ vọng khi Quốc hội thông qua dự án luật trong thời gian tới, sẽ chốt cổ đông sở hữu 3% hay 5% tổng số cổ phần, thì sẽ được trao thêm quyền tiếp cận nhiều hơn các thông tin hoạt động của doanh nghiệp.
Một điểm mới nữa của dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi đang thu hút sự quan tâm của chuyên gia, doanh nghiệp là trao thêm quyền cho cổ đông khởi kiện người quản lý doanh nghiệp. Cụ thể đề xuất mới của Ban soạn thảo đến thời điểm này là gì, thưa ông?
Theo quy định hiện hành, cổ đông, nhóm cổ đông sở hữu ít nhất 1% số cổ phần phổ thông liên tục trong thời hạn 6 tháng có quyền tự mình hoặc nhân danh công ty khởi kiện trách nhiệm dân sự đối với thành viên HĐQT, giám đốc… Liên quan đến nội dung này, Ban soạn thảo đề xuất 2 điểm mới.
Thứ nhất là cổ đông, nhóm cổ đông sở hữu ít nhất 1% số cổ phần phổ thông có quyền tự mình hoặc nhân danh công ty khởi kiện trách nhiệm cá nhân, liên đới đối với thành viên HĐQT, giám đốc…, bỏ điều kiện nắm giữ cổ phần liên tục trong thời hạn 6 tháng;
Thứ hai là ngoài khởi kiện các nhân sự quản lý doanh nghiệp như trên, cổ đông còn có quyền yêu cầu các nhân sự quản lý công ty cũng như những người liên đới đối với các nhân sự này hoàn trả lợi ích hoặc bồi thường các thiệt hại cho công ty hoặc người khác trong các trường hợp: vi phạm nghĩa vụ người quản lý công ty;
Không thực hiện đúng các quyền và nghĩa vụ được giao; sử dụng thông tin, bí quyết, cơ hội kinh doanh của công ty để tư lợi riêng hoặc phục vụ cho lợi ích của tổ chức, cá nhân khác…
Thực tế cho thấy, các cổ đông gặp rất nhiều khó khăn khi khởi kiện người quản lý doanh nghiệp do gần như không thể thu thập các bằng chứng, tài liệu từ doanh nghiệp, vì không một người lãnh đạo doanh nghiệp nào lại cung cấp thông tin cho cổ đông để khởi kiện, chống lại chính họ. Trong lần sửa đổi Luật Doanh nghiệp này, bất cập đó được khắc phục ra sao, thưa ông?
Đúng thời là thời gian qua, các cổ đông nhỏ gặp nhiều khó khăn trong thu thập bằng chứng, tài liệu để phục vụ cho khởi kiện người quản lý doanh nghiệp vi phạm pháp luật.
Để khắc phục tình trạng này, tại dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi, chúng tôi đề xuất trao cho cổ đông quyền yêu cầu tòa án đưa ra phán quyết yêu cầu doanh nghiệp phải cung cấp các thông tin để cổ đông khởi kiện người quản lý công ty.
Quy định mới này sẽ tạo sức ép buộc công ty dù không muốn, nhưng vẫn phải minh bạch hóa hoạt động, đối xử tốt hơn với cổ đông nếu không muốn đối mặt với khởi kiện.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận