Sự "thay máu" ở thị trường chứng khoán Việt Nam
Dòng tiền của nhà đầu tư trong nước đang nắm vai trò dẫn dắt thị trường chứng khoán Việt Nam bất chấp đà bán ròng của khối ngoại.
Theo số liệu từ Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), tại ngày 31.3 trên hệ thống của VSD đang quản lý 2,99 triệu tài khoản của nhà đầu tư trong nước. Trong đó, chủ yếu là số lượng tài khoản của nhà đầu tư cá nhân.
Trong tháng 3.2021 đã có hơn 113.191 tài khoản của nhà đầu tư cá nhân trong nước được mở mới. Đây tiếp tục là con số kỷ lục của lịch sử hình thành và phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam. Lũy kế 3 tháng đầu năm 2021, đã có hơn 256.316 tài khoản của nhà đầu tư trong nước được mở mới.
Dòng vốn dồi dào của nhà đầu tư cá nhân trong nước đã giúp thị trường nối dài đà tăng kể từ năm 2020 đến nay. Đặc biệt, phiên giao dịch 1.4 vừa qua, chỉ số VN-Index đã chính thức vượt đỉnh 1.200 điểm và thiết lập được vùng giá mới.
Trong khi đó, khối ngoại lại liên tục bán ròng trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Nhà đầu tư nước ngoài tham gia khá mạnh vào thị trường chứng khoán Việt Nam ở giai đoạn 2016-2018 khiến thị trường chứng khoán Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ, bật tăng từ vùng 600 điểm lên 1.200 điểm. Sau đó, khối ngoại bắt đầu rút vốn dần ở những giai đoạn sau.
Điều đáng chú ý là nhà đầu tư cá nhân trong nước đã tham gia rất mạnh vào thị trường chứng khoán Việt Nam từ tháng 3.2020 đến hiện tại. Đây được xem là điểm khác biệt cực lớn về nguồn vốn ở thị trường chứng khoán Việt Nam.
Vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2010-2015 chỉ khoảng 40-50 tỉ USD. Trong khi giá trị vốn hóa của thị trường chứng khoán hiện tại đạt hơn 250 tỉ USD, trở thành một thị trường sâu hơn, rộng hơn rất nhiều. Đi cùng với đó, số lượng công ty có giá trị vốn hóa trên 1 tỉ USD đã lên tới 42-45 công ty, so với 8 công ty của 10 năm trước. Thanh khoản trên thị trường tăng trưởng mạnh mẽ, ghi nhận mức 825 triệu USD/phiên, trong khi 10 năm trước con số này chỉ ở khoảng 130 triệu USD.
Hoạt động của nhà đầu tư ngoại đã dẫn dắt thị trường chứng khoán Việt Nam trong suốt những thời gian qua. Hoạt động mua bán của khối ngoại ảnh hưởng rất lớn đến thị trường giai đoạn trước. Giai đoạn 2017-2018, nhà đầu tư ngoại mua ròng, thị trường đi lên, trong khi khối ngoại bán ròng thì thị trường đi xuống.
Tuy nhiên, gần đây hoạt động của khối ngoại không còn ảnh hưởng quá lớn đến thị trường chung. Kể từ tháng 2.2020, khối ngoại đã rút ròng gần 2 tỉ USD ở thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn tăng trưởng rất tốt.
Và theo đánh giá của ông Lê Anh Tuấn, Giám Đốc Tư vấn Đầu tư của Dragon Capital, thị trường chứng khoán Việt Nam không còn phụ thuộc vào vốn ngoại.
Lý giải về làn sóng F0 đổ vào thị trường chứng khoán Việt Nam, ông Tuấn cho rằng “Khi không phải lo cơm áo gạo tiền hàng ngày, người dân bắt đầu đầu tư vào sản phẩm tài chính, dẫn đến bùng nổ về số lượng tài khoản mở mới tại Việt Nam.”.
Theo ước tính của Dragon Capital, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam khoảng 5.000 USD/đầu người. Kinh nghiệm tại Đài Loan (Trung Quốc) vào những năm 1980-1988 cho thấy, GDP/đầu người vượt 5.000 USD thì lượng nhà đầu tư cá nhân tham gia thị trường chứng khóan tăng rất mạnh trong những năm tiếp theo.
"Vì khi vượt mức 5.000 USD/người thì chúng ta không phải lo cơm áo gạo tiền hàng ngày, người dân bắt đầu đầu tư vào sản phẩm tài chính, dẫn đến bùng nổ về số lượng tài khoản mở tại Việt Nam. Điều này phần nào lý giải cho hiện tượng không phải người dân Việt Nam ở nhà COVID-19 rảnh mở tài khoản đâu mà do nhiều yếu tố cộng lại", Lê Anh Tuấn, Giám Đốc Tư vấn Đầu tư của Dragon Capital.
Thêm vào đó, kể từ khi quy trình eKYC, định danh khách hàng trực tuyến được áp dụng, nhà đầu tư có thể mở tài khoản trực tuyến dù ở bất kỳ đâu. Nhờ vậy, eKYC đã phá vỡ nhiều rào cản và ghi nhận mức tăng trưởng mạnh mẽ về số lượng tài khoản mở mới trong thời gian qua.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận