Sự hồi phục kinh tế dẫn tới nhu cầu hàng hóa cơ bản gia tăng
Theo các nhà phân tích, giai đoạn tiếp theo của sự phục hồi kinh tế có thể sẽ được thúc đẩy bởi đầu tư cơ sở hạ tầng thâm dụng hàng hóa, có khả năng tạo tiền đề cho tăng trưởng hơn nữa trên toàn lĩnh vực công nghiệp trong những tháng tới.
Dự đoán được đưa ra trong thời điểm các nhà phân tích đang theo dõi chặt chẽ sức mạnh của sự phục hồi kinh tế toàn cầu trong khi nhiều quốc gia đang phải vật lộn với đà lây lan của đại dịch.
Tuy nhiên, một dấu hiệu cho thấy sự phục hồi có thể đang tăng lên khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới báo cáo sản lượng công nghiệp tăng mạnh nhất trong năm nay vào tháng 8.
“Chúng tôi nhìn thấy sự thâm dụng kim loại đang diễn ra ở Trung Quốc. Thật đáng kinh ngạc khi Trung Quốc đã phục hồi mạnh mẽ trong lĩnh vực xây dựng và phản ánh sự phục hồi ngoạn mục trong lĩnh vực hàng hóa công nghiệp”, theo Max Layton, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu hàng hóa EMEA tại Citi nói với CNBC.
Max Layton đã đưa ra 3 chất xúc tác lớn để nhà đầu tư theo dõi vao cuối năm, đó là: tin tức về vắc xin Covid-19, sức mạnh của sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc và quy mô các gói kích thích kinh tế của Mỹ.
Giá quặng sắt có thể tăng vọt
“Tôi cho rằng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng sẽ giúp nhiều yếu tố phát triển. Chúng tôi nhận thấy rằng, nhiều quốc gia phát triển đang đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng trong giai đoạn này”, Nitesh Shah, Giám đốc nghiên cứu của WisdomTree Investments có trụ sở tại New York nói với CNBC.
Nếu nhìn vào phản ứng của nền kinh tế đối với cuộc khủng hoảng Covid-19, các gói hỗ trợ tài khóa từ chính phủ, các ngân hàng trung ương đã cắt giảm lãi suất và bơm tiền vào nền kinh tế, và điều tiếp theo là giai đoạn đầu tư cơ sở hạ tầng trên toàn cầu”, theo Andy Critchlow, người đứng đầu mảng tin tức tại EMEA tại S&P Global Platts.
“Chúng ta đã từng thấy điều này vào năm 2008-2009 để đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính và chúng ta đã rút ra được gì từ điều đó? Chúng ta đã có một đợt tăng mạnh trên một số thị trường hàng hóa công nghiệp, đó là một siêu chu kỳ”, ông nói thêm.
Giá quặng sắt đã tăng mạnh lên mức cao nhất trong vòng 6,5 năm vào hôm 14/9 và đã tăng 37% trong năm nay do bùng nổ xây dựng ở Trung Quốc.
Qua năm 2021, Andy Critchlow nhận định rằng, một số nền kinh tế lớn nhất thế giới như Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ có thể sớm công bố các dự án phát triển cơ sở hạ tầng.
Ông cũng lưu ý rằng, cả hai ứng cử viên trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới của Mỹ đã cam kết chi số tiền khủng khiếp cho cơ sở hạ tầng. “Điều này là tích cực cho nhu cầu dầu mỏ và đối với hầu hết các loại hàng hóa trên diện rộng”, ông nói.
Trump và Biden đối với đầu tư cơ sở hạ tầng
Chiến dịch tranh cử của Trump đã công bố chương trình nghị sự nhiệm kỳ 2 của tổng thống vào tháng 8 với cam kết “xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng tuyệt vời nhất thế giới”.
Tuy nhiên, thông cáo báo chí không đưa ra thêm chi tiết nào về cách Trump dự định thực hiện lời hứa này nếu tái đắc cử. Năm 2016, ông Trump từng cam kết chi 1 nghìn tỷ USD cho cơ sở hạ tầng, nhưng không có gì xảy ra kể từ đó.
Mặt khác, Joe Biden đã cam kết chi 2 nghìn tỷ USD “để xây dựng cơ sở hạ tầng hiện đại, bền vững và một tương lai năng lượng sạch công bằng”.
Biden cũng cho biết, nếu đắc cử, ông có kế hoạch xây dựng lại đường xá, cầu cống, không gian xanh và hệ thống nước cũng như cung cấp băng thông rộng toàn cầu.
“Ở mức độ thị trường tin rằng Trump và Biden sẽ thực hiện nới lỏng cơ sở hạ tầng, đó là một tin tốt đối với các mặt hàng sẽ được sử dụng nhiều với đề xuất của cả hai ứng viên tổng thống”, Layton cho biết.
Ông gợi ý rằng, các cam kết trước đây của Trump đối với các dự án cơ sở hạ tầng “kiểu cũ” như đường xá và cầu, có thể sẽ “sử dụng nhiều thép”.
Bên cạnh đó, cam kết phát triển công nghệ năng lượng mặt trời và gió của Biden có thể sẽ mang lại lợi ích cho đồng và bạc.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận