STB có gì 'hot' để Dragon Capital mạnh tay gom hàng?
Chưa đầy một tháng, Dragon Capital đã mua tổng cộng khoảng 21,4 triệu cổ phiếu STB khi thị giá đang dần phục hồi.
Nhóm quỹ do Dragon Capital quản lý vừa thông báo đã mua tổng cộng 4 triệu cổ phiếu STB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) trong phiên 6/11.
Cụ thể, CTBC Vietnam Equity Fund mua 3 triệu đơn vị và Vietnam Enterprise Investments Limited mua thêm 1 triệu đơn vị.
Sau giao dịch, cả nhóm Dragon Capital đã tăng sở hữu từ 110,08 triệu đơn vị (tỷ lệ 5,83%) lên 114,08 triệu đơn vị (tỷ lệ 6,05%). Ước tính Dragon Capital đã chi ra khoảng 120 tỷ đồng để mua thêm số cổ phiếu trên.
Gần đây, Dragon Capital liên tục gom mạnh cổ phiếu STB. Nhóm quỹ này mới trở lại làm cổ đông lớn của Sabombank sau khi mua thêm 3,5 triệu cổ phiếu ngày 19/10 qua đó nâng sở hữu từ 92,66 triệu đơn vị (tỷ lệ 4,91%) lên 96,2 triệu đơn vị (tỷ lệ 5,1%). Chưa đầy một tháng, Dragon Capital đã mua tổng cộng khoảng 21,4 triệu cổ phiếu STB.
Động thái mua thêm của nhóm quỹ ngoại diễn ra trong bối cảnh cổ phiếu STB đang hồi phục trở lại sau khi điều chỉnh sâu. Đóng cửa phiên 8/11, cổ phiếu này dừng ở mức 30.000 đồng/cp, tăng 11% kể từ đầu tháng 11 nhưng vẫn thấp hơn khoảng 10% so với đỉnh 18 tháng đạt được hồi giữa tháng 9.
STB liên tục được Dragon Capital rót vốn.
Chứng khoán Yuanta (FSC) nhận định khối lượng giao dịch STB tăng mạnh trên mức khối lượng trung bình 20 phiên. Đồng thời, đồ thị giá có dấu hiệu bước vào giai đoạn tích lũy trong ngắn hạn cho nên đồ thị giá có thể sẽ biến động quanh đường trung bình 20 phiên trong những phiên giao dịch tới.
Ngoài ra, xu hướng ngắn hạn của STB cũng được nâng lên mức TĂNG. Do đó, FSC khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể xem xét MUA ở mức giá hiện tại với kỳ vọng lợi nhuận 15%, tương ứng mức giá mục tiêu ngắn hạn là 33.590 đồng/cp.
Lợi nhuận tích cực nhờ giảm chi phí dự phòng nhưng nợ xấu tăng vọt
Trong quý vừa qua, STB ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực. Cụ thể, quý 3/2023, STB ghi nhận lãi trước thuế đạt 2.085 tỷ đồng, tăng 36% so cùng kỳ nhờ giảm mạnh chi phí dự phòng tín dụng gần 66% so cùng kỳ, chỉ còn 827 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng 2023, STB ghi nhận mức tăng trưởng lãi trước thuế cao nhất toàn ngành, đạt 6.480 tỷ đồng (+54% so cùng kỳ) nhờ thu nhập lãi thuần tiếp tục duy trì tăng trưởng 45% và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng giảm hơn 43%.
Chứng khoán Agriseco đánh giá lãi trước thuế cả năm 2023 của STB có thể tiếp tục tăng trưởng so với cũng kỳ nhờ (1) tăng trưởng tín dụng đạt gần 9% từ đầu năm – cao hơn so với trung bình toàn ngành và dự kiến sớm hoàn thành hạn mức tín dụng cả năm 2023 là 11% nhờ nhu cầu các tháng cuối năm tăng trở lại;
(2) tỷ lệ NIM tiếp tục được duy trì trên 4% - thuộc top đầu ngành nhờ chi phí vốn thấp hơn; (3) chất lượng tài sản duy trì tốt nhờ tỷ lệ LDR đạt 81%, tỷ lệ SFL đạt 23,4% và tốc độ tăng nợ xấu đã chậm hơn so với đầu năm 2023.
Agriseco kỳ vọng STB có khả năng ghi nhận kết quả thu hồi lớn khoảng 19.000 tỷ đồng từ việc thanh lý thành công các tài sản thế chấp (như KCN Phong Phú và 32,5% cổ phần STB tại VAMC) vào quý 4/2023 hoặc đầu năm 2024, qua đó hỗ trợ tăng trưởng lợi nhuận.
Tỷ lệ P/B hiện tại của STB là 1,2x thấp hơn so với trung bình ngành 5 năm là 1,5x lần. Tuy nhiên trong tương lai, định giá này sẽ trở lên hấp dẫn hơn nhờ (1) chất lượng tài sản được cải thiện do không có rủi ro TPDN; (2) không còn áp lực trích lập dự phòng trái phiếu VAMC.
Tuy vậy về chất lượng nợ cho vay, tổng nợ xấu của Sacombank tăng vọt gấp 2,4 lần đầu năm, lên mức 10.387 tỷ đồng. Trong đó nợ có khả năng mất vốn chiếm lớn nhất tới 4.227 tỷ đồng, tăng 40% so đầu năm; Nợ nghi ngờ cũng gấp 4,4 lần lên 3.198 tỷ đồng; Nợ dưới tiêu chuẩn cũng không kém cạnh khi gấp 5,2 lần lên 2.962 tỷ đồng.
Do đó, tỷ lệ nợ xấu của Sacombank tăng từ mức 0,98% của đầu năm lên tới 2,2%.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận