Spotify: Khởi đầu chật vật để trở thành thương hiệu toàn cầu
Spotify là ứng dụng nghe nhạc trực tuyến hàng đầu thế giới, ra mắt từ năm 2008 tại Thụy Điển và đến nay đã có hơn 400 triệu người dùng, trong đó có 180 triệu thuê bao.
* Thành công nhờ ứng dụng trí thông minh nhân tạo
Spotify là một dịch vụ âm nhạc trực tuyến được phát triển bởi công ty Spotify AB tại Thụy Điển, một công ty do Daniel Ek và Martin Lorentzon sáng lập.
Năm 2006, Daniel Ek cùng Martin Lorentzon, đồng sáng lập TradeDoubler, đưa ra ý tưởng về Spotify. Họ lấy Napster làm nguồn cảm hứng và tìm cách tránh các vấn đề pháp lý liên quan đến vi phạm bản quyền bằng cách dựa vào công nghệ streaming và đảm bảo đầy đủ thỏa thuận cấp phép với các công ty thu âm. Cách tiếp cận của họ khác với hầu hết các công ty âm nhạc bấy giờ vốn chỉ tập trung ngăn chặn người dùng tải lậu nhạc bản quyền.
Vì lựa chọn hướng đi khác nên nhóm khởi nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Daniel Ek cho biết việc huy động vốn cho Spotify chưa bao giờ dễ dàng. Anh mất rất nhiều thời gian để thuyết phục các nhà đầu tư tin rằng kinh doanh âm nhạc là sự đặt cược an toàn. Có thời điểm, Ek phải ngủ trước cửa một văn phòng cả tháng trời để gặp được nhà đầu tư.
Sau hai năm phát triển và thuyết phục các hãng thu âm cũng như các nghệ sĩ, dịch vụ âm nhạc trực tuyến của Spotify ra mắt người dùng châu Âu vào tháng 10/2008.
Câu chuyện đứng sau thành công của Spotify cũng giống như nhiều startup khác đó là giải quyết được những vấn đề to lớn mà cụ thể ở đây là việc nghe nhạc lậu, một vấn đề xảy ra ở khắp nơi trên thế giới.
Về cơ bản, Spotify là nền tảng stream nhạc, cho phép người dùng nghe nhạc trực tuyến, chất lượng tốt, miễn phí. Nếu nâng cấp lên tài khoản Premium hàng tháng, người dùng còn có thể download bài hát để nghe offline bất cứ khi nào. Spotify cho phép người dùng lưu khoảng 33.333 bài hát - một con số đủ để lưu những bài hát yêu thích.
Một trong những yếu tố quyết định mang đến thành công cho spotify đó là cách công ty này sử dụng nền tảng dữ liệu lớn (Big Data), trí thông minh nhân tạo, học máy (machine learning) trong chiến lược kinh doanh.
Với khoảng 10 triệu người cùng nghe nhạc mỗi phút trong ngày, Spotify có thể thu thập được những dữ liệu về loại nhạc yêu thích, thời gian nghe nhạc hay thiết bị được sử dụng để truy cập. Từ đó, các thuật toán sẽ được phân tích để mang đến những trải nghiệm chuyên biệt cho từng người nghe.
Những rào cản về giấy phép khiến Spotify không thể có mặt tại Mỹ cho đến năm 2011. Ngay cả khi đã đặt chân vào thị trường này, công ty của doanh nhân Thụy Điển cũng gặp không ít thách thức khi phải cạnh tranh với các đối thủ mạnh như Apple hay việc bị Taylor Swift tẩy chay.
Spotify nhận vốn từ những đơn vị tiên phong trong stream nhạc như Sean Parker của Napster và Ludvig Strigeus của uTorrrent vào năm 2011 và đây là những cú hích giúp họ vươn lên nhanh chóng trong thị trường streaming âm nhạc.
Tháng 4/2018, dịch vụ âm nhạc trực tuyến chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) tại Mỹ. Thương vụ thành công giúp Daniel Ek - người sở hữu 9,2% cổ phần - trở thành tỷ phú ở tuổi 35.
Theo báo cáo tài chính của Spotify, lượng người dùng trả phí của thương hiệu này đã tăng lên 180 triệu thuê bao vào quý IV/2021. Lượng người dùng đã tăng thêm 8 triệu thuê bao từ mức 172 triệu thuê bao của cuối quý trước đó và tăng 25 triệu thuê bao so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, tổng số người dùng hoạt động hàng tháng trên toàn cầu của công ty đã tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái lên 406 triệu người dùng trong quý IV/2021.
Spotify đã có mặt tại hầu hết các nước châu Âu, châu Mỹ, Australia, New Zealand, và nhiều khu vực của châu Á. Các thiết bị hiện đại, bao gồm máy tính chạy hệ điều hành Windows, macOS và Linux, cũng như điện thoại thông minh và máy tính bảng đều có thể tiếp cận kho dữ liệu lên tới hơn 40 triệu bài hát của ứng dụng Spotify.
Sự phát triển nhanh chóng của Spotify đến từ việc công ty đã tận dụng được thời cơ khi thị trường âm nhạc đang "đau đầu" với tình trạng vi phạm bản quyền, người dùng liên tục tải về các bản nhạc lậu vì thiếu các nguồn hợp pháp.
Spotify đã cung cấp một nền tảng thích hợp giúp cho việc chi trả bản quyền âm nhạc dễ dàng hơn đồng thời công nghệ phát triển cũng giúp tăng cường việc xử lý các trang web vi phạm bản quyền trở nên dễ dàng hơn.
* Ông chủ Spotify: Khởi nghiệp vì chán cuộc sống hưởng thụ
Daniel Ek sinh năm 1983 và lớn lên ở Rågsved, một vùng ngoại ô của tầng lớp lao động ở Stockholm, Thụy Điển. “Chúng tôi không có nhiều tiền”, Ek chia sẻ với đài phát thanh Thụy Điển năm 2012.
Dù cuộc sống không mấy dư dả, âm nhạc luôn tràn ngập trong ngôi nhà thời thơ ấu của Daniel Ek. Bà của anh là một ca sĩ opera còn ông của anh là nghệ sĩ piano jazz. Năm 4 tuổi, Ek đã học chơi những bài hát đơn giản trên cây đàn guitar Tây Ban Nha của gia đình. Giáo viên âm nhạc tiểu học của Ek nhận xét anh là một ca sĩ và người chơi guitar tài năng.
Ek tự học viết code ở tuổi thiếu niên và bắt đầu kinh doanh năm 14 tuổi. Cùng với sự bùng nổ của công nghệ và Internet vào cuối những năm 1990, anh nhận thiết kế website cho các công ty ngay tại nhà hoặc trong phòng máy vi tính của trường trung học. Thậm chí, Ek đã "hối lộ" những người bạn học bằng iPod và các trò chơi điện tử để họ làm việc giúp anh và hỗ trợ việc làm bài tập ở trường.
Trong một cuộc phỏng vấn năm 2013, Ek chia sẻ rằng anh tính phí lên đến 5.000 USD khi thiết kế website cho một công ty và có thể bỏ túi 50.000 USD một tháng. Nhà sáng lập Spotify tiết lộ ngay cả bố mẹ của anh cũng không biết gì về công việc kinh doanh này cho đến khi họ nhận ra cậu con trai mua về nhiều trò chơi điện tử và cả những cây đàn guitar đắt tiền.
Năm 16 tuổi, Ek đã kiếm được nhiều tiền hơn bố của mình, nhưng anh bắt đầu cảm thấy công việc này thật nhàm chán. Anh ứng tuyển vào một vị trí tại Google nhưng nhận được câu trả lời rằng hãy quay lại khi tốt nghiệp đại học.
Hai năm sau, Ek bắt đầu tuyển dụng các lập trình viên và trở thành quản lý của 25 nhân viên. Cơ quan thuế Thụy Điển bắt đầu đặt câu hỏi về nguồn gốc toàn bộ số tiền mà anh có được.
“Từng có thời điểm, cơ quan thuế liên lạc với tôi và thông báo rằng tôi đang nợ họ tiền”, Ek kể lại.
Năm 2002, Ek tốt nghiệp trung học phổ thông và theo học ngành kỹ sư tại Học viện Công nghệ Hoàng gia Thụy Điển. Tuy nhiên chỉ 8 tuần sau ngày nhập học, anh rời bỏ giảng đường và bắt đầu làm việc với nhiều công ty công nghệ, trong đó bao gồm trang web thương mại điện tử Tradera (sau này được bán cho eBay).
Anh cũng từng làm Giám đốc kỹ thuật (CTO) cho Stardoll, một công ty game thời trang. Ek còn thành lập công ty tiếp thị trực tuyến mang tên Advertigo, sau đó bán lại với giá 1,25 triệu USD vào năm 2006.
Daniel Ek trở thành triệu phú khi mới 23 tuổi. Ban đầu, anh coi đó là sự may mắn. Ek dừng kinh doanh, mua một căn hộ hạng sang tại Stockholm và thường xuyên lái chiếc Ferrari màu đỏ đến câu lạc bộ đêm với bạn bè. Một thời gian sau Ek chia sẻ rằng cuộc sống hưởng thụ đó khiến anh ngày càng chán nản.
“Không ai dạy bạn phải làm gì sau khi có khả năng độc lập về tài chính”, Ek bày tỏ.
Ek nhận ra rằng tiền bạc và hưởng thụ không hề quan trọng đối với anh, điều anh quan tâm nhất vẫn là làm việc và theo đuổi đam mê. “Tôi bắt đầu suy nghĩ về những gì thực sự quan trọng và tôi nhận ra rằng có hai điều quan trọng nhất trong cuộc sống của tôi đó là âm nhạc và công nghệ”, Ek chia sẻ.
Chính sự thay đổi trong tư duy này dẫn Ek đến một dự án lớn. Năm 2006, anh cùng Martin Lorentzon, đồng sáng lập TradeDoubler đưa ra ý tưởng về Spotify. Họ lấy Napster làm nguồn cảm hứng, trong khi tìm cách tránh các vấn đề pháp lý liên quan đến vi phạm bản quyền bằng cách dựa vào công nghệ streaming và đảm bảo đầy đủ thỏa thuận cấp phép với các công ty thu âm.
Ek cho biết việc huy động vốn cho Spotify chưa bao giờ dễ dàng. Anh mất rất nhiều thời gian để thuyết phục các nhà đầu tư tin rằng kinh doanh âm nhạc là sự đặt cược an toàn. Có thời điểm, Ek phải ngủ trước bên ngoài một văn phòng cả tháng trời để gặp được nhà đầu tư.
Thành công của Spotify rất đáng kinh ngạc nhưng Ek vẫn luôn giữ thái độ khiêm tốn, anh cho biết Spotify vẫn còn "trong những ngày đầu" và còn cả chặng đường dài phía trước.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận