menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Huyền An

'Sóng sau xô đổ sóng trước', tương lai giá vàng ngày càng mông lung

Một số giải pháp nữa cần quan tâm là bảo đảm quyền sở hữu vàng hợp pháp của tổ chức và cá nhân như quyền nắm giữ, chuyển nhượng, thế chấp, cầm cố…

Các đợt sóng mới của giá vàng cả trong nước và thế giới ngày càng lớn hơn khi liên tục các kỷ lục mới được thiết lập. Những dự đoán chỉ đưa cách đây chưa lâu cũng nhanh chóng lạc hậu, khiến cho việc phán đoán bức tranh tương lai của giá vàng ngày càng mờ mịt hơn.

Sức nóng ngày càng tăng

Tại thị trường thế giới, giá vàng giao ngay trong mấy ngày qua đã có thời điểm vượt ngưỡng 2.360 USD/uonce. Đến sáng ngày 11/4, giá vàng tuy có điều chỉnh đôi chút những vẫn còn neo ở mức rất cao với 2.340 USD/uonce. Mức giá hiện tại theo đó đã tăng khoảng 8% so với cuối tháng 3/2024 và đã tăng trên 15% so với cuối tháng 2/2024. Diễn biến này thậm chí đã khiến nhiều dự đoán của cả các tổ chức tài chính lớn cũng nhanh chóng bị lạc hậu.

Chẳng hạn hồi cuối tháng 2/2024, Goldman Sachs đưa ra một báo cáo dự báo giá vàng có thể tăng lên 2.175 USD/ounce trong vòng 12 tháng tới (kể từ thời điểm công bố báo cáo). Lập luận của cơ quan này cho rằng hoạt động mua vào của các ngân hàng trung ương và nhu cầu mua lẻ tại các thị trường mới nổi gia tăng. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ qua hơn 1 tháng kể từ khi báo cáo này công bố thì giá vàng đã vượt xa hơn rất nhiều so với dự báo đưa ra trong báo cáo trên.

Ngoài ra, một số lập luận trước đây cho biết ảnh hưởng của giá vàng tăng là do kỳ vọng của thị trường về chu kỳ giảm lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED). Mặc dù vậy thời gian qua, động thái thực tế của FED càng ngày càng cho thấy họ vẫn khá “đủng đỉnh” trong việc thực hiện kế hoạch giảm lãi suất. Hồi tháng 12/2023, thị trường kỳ vọng FED sẽ giảm lãi suất vào tháng 3/2024 và đây là là một trong những lý do khiến dòng tiền đổ vào vàng, nhưng thực tế tháng 3/2024 cũng vẫn chưa thấy FED hạ lãi suất. Trong khi đó hồi tháng 3/2024, các công cụ dự báo về kỳ vọng FED có thể giảm lãi suất trong kỳ họp tháng 6/2023, nhưng gần đây những phát biểu của lãnh đạo FED và các chỉ số vĩ mô của Mỹ cho thấy khả năng giảm lãi suất trong tháng 6 có thể cũng vẫn chưa rõ ràng.

Bộ Lao động Mỹ cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng 0,4% trong tháng 3 và cao hơn 3,5% so với một năm trước. CPI lõi, không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng đã tăng 3,8% so với cùng kỳ và tăng 0,4% so với tháng 2, cao hơn dự đoán lần lượt là 3,7% và 0,3%.

Tuy khả năng về thời điểm FED ngày càng tăng mơ hồ, nhưng giá vàng có thể không phải chỉ chịu ảnh hưởng bởi lãi suất vì còn nhiều yếu tố đan xen khác có thể chi phối, trong đó tình hình về các cuộc xung đột vũ trang trên thế giới vẫn còn khá phức tạp.

Vàng nhẫn lên ngôi

Với thị trường trong nước, giá vàng cũng bùng nổ theo các diễn biến trên thị trường quốc tế và các kỷ lục mới cũng liên tục bị phá vỡ. Tại thời điểm sáng ngày 11/4, giá vàng miếng SJC 9999 ghi nhận mức mua vào là 82,3 triệu đồng/lượng và bán ra ở mức 84,3 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, giá vàng nhẫn là 74,8 triệu đồng/lượng mua vào và 76,5 triệu đồng/lượng bán ra.

Diễn biến giá vàng trong nước cho thấy vàng nhẫn sau một số ngày thu hẹp khoảng cách với giá vàng thế giới thì đang lại giãn dần khoảng cách xa hơn. Cụ thể, giá vàng thế giới thời điểm sáng ngày 11/4 nếu quy đổi theo tỷ giá bán ra của Vietcombank cùng thời điểm sẽ có giá là 71.100 đồng/lượng. Với mức giá này, giá vàng nhẫn đang cao hơn giá thế giới khoảng 3,7 triệu đồng/lượng mua vào và 5,4 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra.

Tuy nhiên, vàng miếng đang có vẻ đang giảm dần sức hấp dẫn hơn so với trước khoảng cách giữa loại vàng này với vàng nhẫn và các loại vàng không độc quyền đang ngày càng thu hẹp hơn. Tại thời điểm sáng ngày 11/4, giá vàng miếng chỉ còn chênh 7,8 triệu đồng/lượng so với vàng nhẫn, mức chênh lệch này thấp hơn khá nhiều so với giai đoạn năm 2023 và đầu năm 2024 khi cho nhiều thời điểm 2 loại vàng này chênh lệch nhau tới 14 – 15 triệu đồng/lượng.

Ông Huỳnh Trung Khánh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cho biết, thị trường vàng đang có xu hướng dịch chuyển sang vàng nhẫn do người mua lo ngại giá vàng miếng SJC ở mức cao. Trong khi đó, thị trường vàng nhẫn không đủ nguồn nguyên liệu nên rơi vào tình cảnh khan hiếm dù không phải là thương hiệu độc quyền.

Mặc dù vậy, sự chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới vẫn còn tồn tại sẽ vẫn là yếu tố đang lo ngại. Theo TS.Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia kinh tế, giá vàng trong nước và thế giới còn chênh lệch nhau cao sẽ vẫn tạo rủi ro cho người mua vàng và việc đó cũng vô tình “khuyến khích” cho hoạt động buôn lậu vàng. Đó là điều bất lợi cho kinh tế và bất lợi cho thị trường vàng.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
2 Yêu thích
2 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại