Sóng cổ phiếu ngân hàng chuyển sàn
Thị giá cùng thanh khoản của một số cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh trước thềm chuyển sàn niêm yết sang HOSE đã giúp thị trường chứng khoán sôi động hơn.
Cú huých chuyển sàn
Trong cuộc gặp gỡ với báo giới để chia sẻ thêm thông tin về kế hoạch đưa cổ phiếu LPB – đang được giao dịch trên thị trường UPCoM lên niêm yết trên sàn HOSE vào ngày 9/11, ông Phạm Doãn Sơn, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị thường trực kiêm Tổng giám đốc LienVietPostBank đã nhận được câu nói nửa đùa nửa trách: “Anh có kế hoạch chuyển sàn mà không “phím” trước cho chúng em để gom cổ phiếu”.
Quả là nếu biết trước đà tăng của cổ phiếu LPB thì ai gom trước cũng thắng lớn. Ngày 23/10, ngày giao dịch cuối cùng của LPB tại UPCoM, giá cổ phiếu này ở mức 12.500 đồng/cổ phiếu, tăng hơn 60% so với thời điểm 31/12/2019 là 7.700 đồng/cổ phiếu.
Trước thềm chuyển sàn, thanh khoản cổ phiếu LPB tăng mạnh. Đỉnh điểm, ngày 1/10/2020, có tới 16 triệu đơn vị được khớp lệnh
Trước đây, khối lượng giao dịch trung bình cổ phiếu LPB chỉ khoảng 2 - 3 triệu đơn vị mỗi phiên, nhưng trước thềm chuyển sàn, thanh khoản đã tăng mạnh. Đỉnh điểm, ngày 1/10/2020, có tới 16 triệu đơn vị được khớp lệnh. Nhiều phiên giao dịch có thanh khoản từ 6 - 9 triệu cổ phiếu.
Một phóng viên khác chia sẻ mua cổ phiếu LBP từ vùng giá 7.000 đồng/cổ phiếu, lúc lên đến 10.000 đồng/cổ phiếu thì vội vàng bán, “giá mà để đến tháng 10 này thì đã có thêm 200 triệu đồng lãi”.
Tương tự với cổ phiếu LPB, không ít nhà đầu tư bày tỏ sự tiếc nuối khi “lỡ tàu” với cổ phiếu VIB. Dự kiến ngày 10/11 này là ngày giao dịch đầu tiên của 924 triệu cổ phiếu VIB trên HOSE. Ngày 30/10, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội thông báo hủy đăng ký giao dịch cổ phiếu của VIB và ngày giao dịch cuối cùng tại UPCoM là 29/10.
Hội đồng quản trị Ngân hàng đã phê duyệt giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên của cổ phiếu VIB trên HOSE là 32.300 đồng/ cổ phiếu.
Với mức giá đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng trên UPCoM là 32.800 đồng/cổ phiếu, cổ phiếu VIB đã chứng kiến mức tăng gần 90% so với hồi đầu năm (đã tính điều chỉnh giá).
Còn nếu so với giai đoạn thị trường chứng khoán lập đáy hồi cuối tháng 3 thì tăng khoảng 150%. Tính riêng trong tháng 10, thị giá cổ phiếu đã tăng 18%.
Dù chưa đạt được mức tăng như thời điểm tháng 4/2020, cổ phiếu SHB cũng đã tăng đáng kể sau những thông tin về kế hoạch chuyển sàn. Chốt phiên 6/11, giá cổ phiếu SHB đạt mức 16.100 đồng/cổ phiếu, tăng khoảng 200% kể từ đầu năm (đã tính điều chỉnh giá).
Tương tự, cổ phiếu ACB chốt phiên 6/11 là 25.100 đồng, tăng trên 40% kể từ đầu năm (giá đã có điều chỉnh) với khối lượng khớp lệnh gần 4 triệu đơn vị.
Thực tế, trong những phiên giao dịch của tháng 10, ACB cũng là cổ phiếu giao dịch sôi động nhất HNX. Chẳng hạn như ngày 16/10, cổ phiếu ACB tăng nhẹ 0,8% lên mức 24.700 đồng/cổ phiếu với khối lượng khớp lệnh hơn 8,7 triệu đơn vị.
Được biết, HOSE đã nhận hồ sơ niêm yết của SHB, MSB và ACB.
Lãnh đạo các ngân hàng chuẩn bị chuyển sàn cuối năm 2020 đều thừa nhận, việc niêm yết cổ phiếu trên HOSE không chỉ tốt cho các ngân hàng mà còn tốt cho cả thị trường chứng khoán.
Theo đó, HOSE sẽ có thêm hàng hóa chất lượng, quy mô thị trường mở rộng, riêng ACB đã có vốn hóa khoảng 55.000 tỷ đồng, VIB ước tính hơn 31.000 tỷ đồng và LPB với hơn 12.300 tỷ đồng…
Còn với các ngân hàng, việc chuyển sang niêm yết trên HOSE là động lực để các ngân hàng nâng cao chuẩn minh bạch, dễ dàng thu hút được sự chú ý của các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư tài chính chuyên nghiệp, từ đó thuận lợi hơn trong các kế hoạch huy động vốn.
Như chia sẻ của Tổng giám đốc LienVietPostBank thì “việc niêm yết cổ phiếu trên HOSE mang lại rất nhiều lợi ích cho tất cả các bên, chứ không chỉ là chuyện giá cổ phiếu trong ngắn hạn”.
Thời điểm đầu tư cho dài hạn?
Theo phân tích của TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế, đại dịch Covid-19 bùng phát đầu năm đến nay đã ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực kinh tế, kéo theo sự sụt giảm về nhu cầu tín dụng khiến biên lợi nhuận của ngành ngân hàng đi xuống.
Ngân hàng tạm thời đang được hưởng lợi từ Thông tư 01/2020/TT-NHNN khi tạm hoãn ghi nhận các khoản nợ xấu, do đó, vẫn báo lãi nhưng rủi ro còn ở phía trước.
“Tuy nhiên, nhà đầu tư không nên chỉ chú ý vào lợi nhuận trước mắt, mà phải chú ý đến các chỉ số khác như ROA, ROE và tiềm năng phát triển của ngân hàng, thu hút vốn đầu tư, hoạt động tái cơ cấu...”, TS. Hiếu nói.
"Nhà đầu tư không nên chú ý vào lợi nhuận trước mắt, mà phải chú ý đến các chỉ số khác như ROA, ROE và tiềm năng phát triển của ngân hàng, thu hút vốn đầu tư, hoạt động tái cơ cấu" TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế
Tại LienVietPostBank, 9 tháng đầu năm, các chỉ số hiệu quả sinh lời trên tổng tài sản (ROA) và vốn chủ sở hữu bình quân (ROE) có cải thiện rõ rệt, đạt 0,71% và 11,66%, tăng 24,6% và 19% so với năm 2019, cao hơn mức trung bình của ngành.
“Đặc biệt, từ nay đến cuối năm 2020 sẽ hoàn thành trụ cột 2 của Basel II (ICAAP) theo đúng thời hạn quy định của Ngân hàng Nhà nước. Theo đó, LienVietPostBank sẽ hoàn thành đầy đủ 3 trụ cột của Basel II, giúp nâng cao năng lực quản trị cũng như vị thế của Ngân hàng trên thị trường”, ông Sơn nói.
Đối với hoạt động tái cơ cấu, LienVietPostBank đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động thẻ và ngân hàng số, tiếp tục phát triển và quảng bá sản phẩm LienViet24h thông qua hệ thống mạng lưới rộng lớn của LienVietPostBank, đồng thời mở rộng các đối tác liên kết thanh toán, kết hợp với xây dựng, phát triển các tính năng, tiện ích mới cho các loại thẻ.
Từ cuối năm 2020, LienVietPostBank sẽ ra mắt hàng loạt sản phẩm thẻ mới với nhiều chính sách ưu đãi cho các chủ thẻ và tập trung nguồn lực để phát triển khách hàng thẻ trong những năm tới.
Còn tại VIB, ROE bình quân đạt 28,9%, thuộc nhóm cao nhất ngành ngân hàng. Bên cạnh đó, chiến lược dịch chuyển sang bán lẻ của VIB trong 4 năm qua đã đưa VIB trở thành một trong những ngân hàng bán lẻ dẫn đầu thị trường ở nhiều mảng.
Đặc biệt, VIB tiếp tục đứng số 1 của ngành ngân hàng về doanh số bancassurance bảo hiểm nhân thọ. Theo đó, doanh thu bán lẻ 9 tháng đầu năm đạt hơn 5.700 tỷ đồng, tăng 41% so với cùng kỳ năm 2019.
Đối với hoạt động tái cơ cấu, VIB đã ra mắt phiên bản mới của ứng dụng ngân hàng di động MyVIB và chính thức áp dụng eKYC vào quy trình cấp tài khoản e-banking đối với khách hàng, cho phép hoàn tất đăng ký và giao dịch ngay trên điện thoại chỉ sau 1 phút.
Gần đây nhất, VIB là ngân hàng đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam ứng dụng thành công công nghệ Big Data và AI để tối ưu hóa quy trình duyệt cấp thẻ tín dụng.
“Đây là những hoạt động mở đầu trong chiến lược nhằm đón đầu làn sóng chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trong ngành ngân hàng và xu hướng xã hội hóa chi tiêu không dùng tiền mặt tại Việt Nam”, một lãnh đạo cao cấp VIB chia sẻ.
TS. Hiếu nhận xét, phần lớn nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam có xu hướng lướt sóng cổ phiếu để thu lợi nhuận và thời gian đầu tư bình quân thường dưới 1 năm.
Điều này khá khác với thị trường chứng khoán nước ngoài khi nhiều nhà đầu tư là cổ đông gắn bó với quá trình phát triển của doanh nghiệp. Theo đó, khi đã lựa chọn mã cổ phiếu nào, dù thị trường chứng khoán biến động lên xuống nhưng việc nắm giữ cổ phiếu về dài hạn vẫn có cơ hội đem lại lợi nhuận lớn cho nhà đầu tư.
"Có lẽ, nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam nên cân nhắc lại phương thức đầu tư để mang lại lợi ích cao nhất từ cổ phiếu được lựa chọn”, ông nói.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận