“Sóng” cổ phiếu dầu khí có thể kéo dài bao lâu?
Mặc dù nhóm cổ phiếu dầu khí đang được kỳ vọng rất lớn nhờ giá thế giới tăng, tuy vậy chọn lựa đầu tư vào cổ phiếu nào trong nhóm ngành này trên thị trường chứng khoán Việt Nam cũng không phải đơn giản.
Giá dầu và giá khí liên tục leo dốc
Kể từ cuối tháng 9 đến nay, nhiều cổ phiếu dầu khí đã thu hút sự quan tâm của dòng tiền như GAS, PVD, PVS, PLX, ASP… Các cổ phiếu này tăng giá và lan tỏa sang các mã khác như GSP, PET, PMG, PXS, TDG, VIP. Chuyển động tốt của nhóm dầu khí được cho là có sự hỗ trợ rất lớn từ diễn biến giá cả trên thế giới.
Cụ thể, đối với dầu thô, giá mặt hàng này đang ở vùng đỉnh trong những năm gần đây khi nhu cầu gia tăng mạnh hơn nguồn cung. Trong cuộc họp mới nhất, nhóm OPEC+ đã quyết định giữ nguyên kế hoạch tăng sản lượng thêm 400.000 thùng/ngày trong tháng 11. Trước đó, một số nước tiêu thụ dầu lớn, gồm Mỹ và Ấn Độ, đã hối thúc OPEC+ tăng sản lượng nhiều hơn trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu tăng tốc cùng với sự phục hồi của nền kinh tế.
Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ đang dần phục hồi khi các hoạt động kinh tế mở cửa trở lại sau giai đoạn bị ảnh hưởng mạnh bởi dịch bệnh. Theo dự báo của OPEC, năm 2021, nhu cầu dầu thô sẽ tăng khoảng 6 triệu thùng/ngày, lên mức 96,6 triệu thùng/ngày (riêng trong quí 4 bình quân 99,7 triệu thùng/ngày) còn sang năm 2022, con số này dự kiến sẽ tiếp tục tăng thêm 3,3 triệu thùng/ngày, đạt mức trung bình 99,9 triệu thùng/ngày cho cả năm.
Mặt hàng khí đốt cũng trải qua diễn biến tương tự. Đầu tháng 10-2021, giá khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) thế giới giao ngay Henry Hub đạt mức 6,3 đô la/mmbtu, tăng 143% so với mức đầu năm 2021, và tăng 143% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức giá cao nhất tính từ cuối 2008 đến nay.
Cầu tiêu thụ tăng nhiều hơn so với mức tăng của nguồn cung, đẩy giá khí lên cao. Tại châu Âu, nguồn nhập khẩu khí chính đến từ Nga, Na Uy (qua đường ống) và LNG từ Mỹ. Tuy nhiên, theo số liệu thống kê, tồn kho khí thiên nhiên của khu vực này đang ở mức thấp đáng kể so với mức trung bình năm năm qua.
Trong khi đó, về phía cầu, với đà phục hồi kinh tế, các nước châu Á đang cạnh tranh với châu Âu trong việc nhập khẩu LNG, chủ yếu từ Mỹ, đặc biệt là khi châu Á trải qua một mùa hè khắc nghiệt vừa qua, cũng như nhu cầu điện khí tại Trung Quốc tăng cao. Trong nửa đầu năm 2021, Trung Quốc đã vượt Nhật Bản trở thành nước nhập khẩu LNG nhiều nhất thế giới. Nhiều chuyến tàu LNG thay vì đi đến châu Âu thì đã chuyển hướng sang châu Á khi các nước châu Á tăng cường tích trữ LNG.
Kỳ vọng vào đợt “sóng” dài!
Mặc dù nhóm cổ phiếu dầu khí đang được kỳ vọng rất lớn nhờ giá thế giới tăng, tuy vậy đầu tư vào nhóm ngành này trên tài chính chứng khoán Việt Nam luôn đòi hỏi sự phân tích và chọn lựa kỹ càng. Cụ thể, ảnh hưởng của giá dầu đến mỗi công ty trong ngành ở những khâu khác nhau (thượng nguồn, trung nguồn, hạ nguồn) sẽ có thời điểm và mức độ tác động mang tính phân hóa. Trong quí 2-2021 vừa qua, mặc dù tổng lợi nhuận nhóm doanh nghiệp dầu khí tăng khá mạnh nhưng vẫn có khoảng một phần ba số doanh nghiệp có lợi nhuận suy giảm, thậm chí thua lỗ. Trong thời gian tới, đà tăng của nhóm cổ phiếu dầu khí có duy trì được hay không sẽ phụ thuộc vào diễn biến giá dầu thế giới cũng như bối cảnh thị trường chung.
Một số cổ phiếu “thượng nguồn” có tính đầu cơ cao như PVD, PVS… vẫn đang được giới đầu tư kỳ vọng về việc giá dầu tăng sẽ giúp tái khởi động lại những dự án thăm dò và khai thác lớn. Đơn cử như tất cả các giàn khoan tự nâng của PVD đều đã ký hợp đồng trong sáu tháng cuối năm, cho thấy hoạt động thăm dò và khai thác (E&P) tại Việt Nam đang được đẩy mạnh nhờ đà tăng của giá dầu hiện nay.
Tuy vậy, cả PVD và PVS đều đặt kế hoạch kinh doanh ở mức rất thận trọng trong năm 2021. Cụ thể, PVD đặt mục tiêu đạt doanh thu hợp nhất 4.400 tỉ đồng, giảm 16%, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ ở mức 25 tỉ đồng, giảm 87% so với năm 2020. Trong sáu tháng đầu năm 2021, PVD đạt doanh thu 1.662 tỉ đồng, giảm 47% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế âm 67 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 72 tỉ đồng.
Đối với PVS, năm 2021, doanh nghiệp này đặt mục tiêu đạt doanh thu 10.000 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế 560 tỉ đồng, lần lượt thấp hơn 53% và 21% so với mức thực hiện năm 2020. Trong hai quí đầu năm nay, PVS đạt doanh thu 5.670 tỉ đồng, lợi nhuận 335 tỉ đồng, lần lượt giảm 35% và 18,7% so với cùng kỳ. Theo đại diện PVS, lợi nhuận quí 3-2021 ước tính cũng sẽ giảm so với cùng kỳ.
Trong khi đó, một số doanh nghiệp “trung và hạ nguồn” lại có kết quả kinh doanh khởi sắc hơn, điển hình như GAS, tính đến hết tháng 8-2021 đã hoàn thành khoảng 74% kế hoạch doanh thu và 80% kế hoạch lợi nhuận năm 2021. GAS đã triển khai hoạt động sản xuất – kinh doanh trong bối cảnh khó khăn, thuận lợi đan xen. Trong đó, thuận lợi là giá dầu, giá khí hóa lỏng (LPG) tăng so với kế hoạch. Ngược lại, diễn biến phức tạp của bệnh dịch ở các tỉnh phía Nam đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất – kinh doanh và đầu tư. Nhu cầu về khí của khách hàng điện ở mức thấp so với kế hoạch và cùng kỳ năm trước, nhu cầu đối với LPG và khí thấp áp của các hộ công nghiệp sụt giảm.
Với Tổng công ty cổ phần Vận tải dầu khí (PVT), từ đầu năm đến nay đã tiếp nhận thêm 3 tàu chở dầu, hóa chất và chở khí hóa lỏng lạnh. Trong chín tháng đầu năm 2021, PVT ước đạt doanh thu 5.430 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế 650,8 tỉ đồng, vượt 30% kế hoạch cả năm nhưng cần lưu ý kế hoạch này chỉ bằng một nửa mức thực hiện năm ngoái.
Sau một nhịp tăng khá dốc cùng với việc kết quả kinh doanh quí 3 chưa có nhiều cải thiện đột biến, những cổ phiếu đầu ngành như GAS, PVD, PVS có thể sẽ sớm gặp áp lực chốt lời trong ngắn hạn. Tuy vậy, trong bối cảnh bài toán thiếu hụt năng lượng trên quy mô toàn cầu khó được giải quyết ngay lập tức thì nhóm cổ phiếu dầu khí nhiều khả năng vẫn sẽ có cơ hội tạo “sóng” trong 1-2 quí tới.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận