Sóng chuyển sàn!
Gần như đã thành thông lệ, mỗi khi tin tức quanh việc một mã cổ phiếu nào đó sắp chuyển sàn được tung ra, thị giá cổ phiếu thường biến động tích cực ngay một vài phiên sau đó. Giới đầu tư liệt kê đây là câu chuyện thú vị để kể và để có lý do đẩy giá cổ phiếu.
Đơn cử, với điểm chung là tin tức xung quanh việc chuyển sàn từ UPCoM và HNX sang HOSE, thị giá cổ phiếu cả ba ngân hàng Lienviet Post Bank (LPB), Sài Gòn - Hà Nội (SHB) và Ngân hàng Quốc tế (VIB) đều tăng trưởng vượt thị trường kể từ đầu năm, tương ứng các mức tăng 80%, 190% và 95%.
Câu hỏi được nhiều nhà đầu tư đặt ra với các doanh nghiệp có kế hoạch chuyển sàn là động lực nào khiến doanh nghiệp hành động như vậy?
Với khối ngân hàng, một số ý kiến giải thích rằng, do năm 2020 là hạn chót để các ngân hàng cổ phần niêm yết trên các sàn chứng khoán chính thức, theo Đề án “Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025”. Dưới áp lực pháp lý, các ngân hàng buộc phải đưa cổ phiếu ra niêm yết.
Nhưng điều thú vị ở đây là các ngân hàng hay nhiều doanh nghiệp hoạt động trong các ngành nghề khác hầu như không chịu áp lực pháp lý (vì bản thân họ đã niêm yết trên HNX hoặc đăng ký giao dịch trên UPCoM). Câu trả lời lý giải cho việc chuyển sàn đơn giản là do nhu cầu tự thân.
Một ngân hàng dù luôn tự cho rằng mình rất tốt thì cũng không thể “nói mạnh” khi thị giá cổ phiếu chỉ xoay quanh mệnh giá, bởi TTCK là thước đo khá chính xác về sức mạnh tài chính và năng lực cạnh tranh của ngân hàng.
Giới đầu tư đã từng râm ran câu chuyện, một mã cổ phiếu trong nhóm chuyển sàn đã được ông chủ mạnh tay chi hàng nghìn tỷ đồng để “tạo lập thị trường”, để thị giá cổ phiếu… đẹp hơn!
Có nhiều mục tiêu được đặt ra với các nhà băng nói riêng và các doanh nghiệp có nhu cầu chuyển sàn nói chung. Bên cạnh thương hiệu, “con gà tức nhau tiếng gáy” (trong số 31 ngân hàng cổ phần, 10 ngân hàng lớn đã niêm yết trên HOSE, 3 ngân hàng niêm yết trên HNX và 7 ngân hàng nhỏ trên UPCoM), nhu cầu tăng tiềm lực vốn cũng là động lực lớn, vì khi niêm yết trên HOSE có thể cải thiện cơ hội thu hút vốn với định giá tốt hơn.
Thực tế, việc chuyển từ UPCoM sang HOSE sẽ khiến các cổ phiếu đủ điều kiện để giao dịch ký quỹ, cải thiện tính thanh khoản. Bên cạnh đó, tính minh bạch, cũng như độ tin cậy của thông tin doanh nghiệp công bố trên HOSE, nhìn chung được đánh giá cao hơn so với thông tin trên UPCoM, do đó thường được các nhà đầu tư đón nhận tốt hơn.
Đặc biệt, ở chừng mực nào đó, niêm yết trên sàn HOSE là điều kiện tiên quyết để được các quỹ lớn đầu tư, vì theo điều lệ, nhiều quỹ không được phép đầu tư vào cổ phiếu UPCoM.
Dù với động lực nào chăng nữa, việc chuyển sàn, tự nâng cấp mình lên một sân chơi với nhiều đòi hỏi khắt khe, chuẩn mực cao hơn vẫn được đánh giá là động thái tích cực của các doanh nghiệp. Ít nhất, nhà đầu tư cũng có thêm cơ hội tiếp cận thông tin của doanh nghiệp.
Đơn cử, UPCoM chỉ yêu cầu các doanh nghiệp niêm yết công bố báo cáo tài chính bán niên và cả năm, trong khi HNX và HOSE yêu cầu báo cáo tài chính quý, thậm chí nhiều doanh nghiệp đã tiến bộ cập nhật hàng tháng tới giới đầu tư.
Tập trung phản ánh xu hướng chuyển sàn và nỗ lực làm mới mình của các doanh nghiệp niêm yết, tổ chức tín dụng trong số báo này, Đầu tư Chứng khoán cùng bạn đọc hướng tới những địa chỉ đang tìm kiếm sự tăng trưởng ấn tượng và bền vững trên sân chơi mới.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận