Sớm gỡ vướng cho các dự án bất động sản, nhà ở xã hội vướng pháp lý
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị khẩn trương xử lý dứt điểm các dự án bất động sản, nhà ở xã hội đình trệ do vướng mắc pháp lý.
Cụ thể, tại kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc xem xét kết quả giám sát chuyên đề “Thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”. Ủy ban Thường vụ Quốc hội lưu ý, làm rõ những chuyển biến trong thực hiện chính sách, pháp luật ngay trong quá trình giám sát; phân loại các tồn tại, hạn chế trong chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội.
Đồng thời cần hướng tới phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững, cân đối cung - cầu, đa dạng hóa các sản phẩm bất động sản; chỉ đưa vào nghị quyết giám sát những vấn đề cấp bách, đã chín, đã rõ, được thực tiễn chứng minh, có sự thống nhất cao.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ hoàn thiện các đề xuất, kiến nghị để giải quyết việc triển khai dự án bất động sản vướng mắc, kéo dài, giải pháp về kiểm soát dòng vốn tín dụng bất động sản, việc thực hiện nghĩa vụ của doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Ủy ban Thường vụ nhấn mạnh việc tập trung triển khai Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030”; việc đơn giản hóa thủ tục mua, thuê mua, thuê nhà ở xã hội, đơn giản hóa thủ tục gói tín dụng 120.000 tỷ đồng.
Đồng thời cần nghiên cứu, hướng dẫn xử lý các trường hợp, phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa không còn phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương. Ý kiến của Chính phủ gửi lại Đoàn giám sát chậm nhất ngày 30/9.
Ủy ban Thường vụ cũng đề nghị khẩn trương xử lý dứt điểm các dự án bất động sản, nhà ở xã hội gặp khó khăn, vướng mắc pháp lý, đình trệ do quá trình triển khai thực hiện kéo dài, pháp luật qua các thời kỳ có nhiều thay đổi. Đề nghị tiếp tục rà soát, phân loại và xây dựng phương án giải quyết, ban hành theo thẩm quyền cơ chế giải quyết phù hợp, trường hợp vượt thẩm quyền báo cáo cấp có thẩm quyền để trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Trước đó, báo cáo Chính phủ, Bộ Xây dựng cho biết, tại Hà Nội có khoảng 712 dự án có vướng mắc pháp lý. Tại TP HCM, theo thống kê của Hiệp hội bất động sản thành phố, hiện có 220 dự án gặp vướng mắc pháp lý.
Thị trường bất động sản vẫn cần "cú huých" từ các luật mới ban hành.
LS Nguyễn Đăng Tư, Văn phòng luật TriLaw cho biết, dù 3 bộ luật (Luật Đất đai 2024, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở) có hiệu lực sớm từ 1/8/2024 nhưng cũng cần thời gian để thẩm thấu. Trong khi đó, để cứu vãn tình hình khó khăn thời gian qua và giúp cho doanh nghiệp có tiền phải có các sản phẩm đủ điều kiện để bán ra thị trường ngay lúc này. Nhưng muốn có sản phẩm mới thì pháp lý phải được gỡ.
Thực trạng trên cũng được giới quan sát ghi nhận, khi dự án vướng pháp lý kéo dài đang phản ánh vào cơ cấu hàng tồn kho và đang là gánh nặng rất lớn đối với các doanh nghiệp bất động sản.
Theo ông Lê Hồng Khang, Giám đốc phân tích và xếp hạng tín nhiệm FiinRatings cho hay, đến nửa đầu năm nay, tình hình kinh doanh của doanh nghiệp bất động sản về cơ bản vẫn thấp so với trung bình 5 năm trở lại đây. Đánh giá của FiinRatings dựa trên câu chuyện liên quan đến khoản nợ, khả năng sinh lời, chất lượng lợi nhuận của doanh nghiệp bất động sản chỉ ở mức trung bình.
Đánh giá về những tác động từ sự khó khăn của thị trường bất động sản đến nền kinh tế, TS Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho hay, trong bối cảnh thị trường bất động sản vẫn còn khó khăn, sức khỏe các doanh nghiệp vẫn yếu, các chuyên gia cho rằng thị trường bất động sản Việt Nam hiện nay cần thiết có những biện pháp để các luật mới sớm được "ngấm", thủ tục khơi thông, đồng nhất để các địa phương dễ dàng áp dụng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận