24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Vũ Mai Xuyên
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội: 'Không thể thay thế loa phường'

Loa phường là kênh thông tin sát dân nhất, đặc biệt khi cần tuyên truyền về thiên tai dịch bệnh, theo Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thị Mai Hương.

Sáng 27/7, tại buổi thông tin về Chiến lược phát triển lĩnh vực thông tin cơ sở giai đoạn 2022-2025 của Hà Nội, bà Hương giải thích trước đây lãnh đạo thành phố đưa ra ý kiến "loa phường đã hoàn thành sứ mệnh", nhưng thời điểm đó cách thức hoạt động của thiết bị này gây ra nhiều bức xúc cho người dân. Loa phường hiện đã được cải tiến theo hướng thân thiện và chỉ cung cấp thông tin thiết yếu.

"Cứ đi trên đường phố Hà Nội lại nghe tiếng loa phát ra là câu chuyện của thập kỷ trước. Thành phố đã thay đổi phương thức truyền thông, cách thức vận hành để loa phường phát huy hiệu quả mà không ảnh hưởng đến người dân sống ở khu vực có lắp loa", bà Hương nói.

Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội: 'Không thể thay thế loa phường'
Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thị Mai Hương trả lời báo chí ngày 27/7. Ảnh: Phạm Đông

Bà Hương ví dụ trước đây thành phố để những cụm loa rất lớn với hàng chục loa, người dân gần đó bị ô nhiễm tiếng ồn. Nhưng Đề án 5133 và quyết định điều chỉnh một số nội dung của đề án quy định mỗi cụm chỉ 2 loa, chính quyền căn cứ nhu cầu chủ động bố trí số lượng, vị trí lắp đặt. Thành phố cũng quy định cụ thể vị trí lắp đặt loa như tránh các trường học, khu ngoại giao, nơi nhiều người già...

Thời lượng phát sóng cũng thay đổi, các quận chỉ 15 phút/buổi và một ngày tối đa không quá 2 lần, trừ trường hợp đặc biệt liên quan đến dịch bệnh hay tuyên truyền ngày lễ thì phải có chỉ đạo từ cấp có thẩm quyền. "Nếu như 15 phút thì không gây tiếng ồn để chúng ta phải lo ngại, trong khi thông tin rất thiết yếu như đưa con đi tiêm, phòng chống dịch bệnh...", bà Hương nói.

Việc triển khai chiến lược thông tin cơ sở được Sở Thông tin và Truyền thông lý giải là thực hiện chủ trương chung của Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông, "không phải là cái gì đó rất riêng của Hà Nội". Hà Nội là một trong 20 địa phương đã triển khai chiến lược.

Nhấn mạnh vai trò của loa phường nhất là trong hai năm đại dịch Covid-19, bà Hương cho hay có nhiều phương thức thông tin cơ sở như bảng tin điện tử công cộng, cổng thông tin, loa phường... Hay nhiều tổ trưởng dân phố lập nhóm Zalo để tuyên truyền chủ trương chính sách nhà nước, nhưng không phải ai cũng sử dụng, trong khi đó loa phát thì mọi người đều có thể nhận được thông tin.

Ngoài ra, mỗi tổ dân phố, cộng đồng dân cư có những nhu cầu thông tin khác nhau, nếu một tổ trưởng dân phố mà đến từng nhà dân để chuyển tải thông tin thì sẽ vất vả. Khi phát qua hệ thống loa, bà con trong tổ nắm được, người này có thể nói cho người kia và mang đúng nghĩa của thông tin cơ sở, từ đó chủ trương của thành phố, công việc nội bộ của khu dân cư đến được với người dân một cách hiệu quả.

Trước câu hỏi về việc thành phố đánh giá kết quả thí điểm thiết bị thông minh thay thế loa phường thế nào và hiện còn thí điểm hay không, bà Hương không trả lời cụ thể mà nói thiết bị thí điểm để ở trong nhà, người dân có thể bật hay tắt nên thông tin có thể được tiếp nhận hoặc không.

5 năm trước, sau khi cựu Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho rằng "loa phường đã hoàn thành sứ mệnh", thành phố đã tổ chức lấy ý kiến người dân về việc bỏ thiết bị này. Tháng 8/2017, thành phố ban hành Đề án 5133 sắp xếp lại hoạt động của đài truyền thanh xã, phường, thị trấn theo hướng tại các quận chỉ duy trì 5-10 cụm loa (mỗi cụm tối đa 2 loa) và loa phường các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng không phát hàng ngày, chỉ phát khi có thông báo khẩn như thiên tai, dịch bệnh hoặc theo yêu cầu của trung ương, thành phố.

Tháng 3/2021, Hà Nội điều chỉnh Đề án 5133, không quy định cứng số cụm loa mà giao chính quyền cơ sở tự quyết định phù hợp với điều kiện thực tế; quy định về nội dung, thời gian và thời lượng phát thanh. Nội dung khác được thành phố hướng dẫn tiếp tục thực hiện theo đề án 5133.

Theo Chiến lược thông tin cơ sở giai đoạn 2022-2025 của Hà Nội, đến năm 2025, 100% xã, phường, thị trấn có hệ thống truyền thanh hoạt động đến thôn, tổ dân phố, khu dân cư.

100% xã, phường, thị trấn có trang thông tin điện tử của UBND cấp xã để phổ biến thông tin thiết yếu và tương tác với người dân.

100% phường, thị trấn và trên 70% xã có bảng tin điện tử công cộng để phổ biến thông tin thiết yếu đến người dân.

Đối với cấp huyện, 100% quận, huyện, thị xã có bảng tin điện tử công cộng cỡ lớn (màn hình LED, màn hình LCD) được kết nối với Hệ thống thông tin nguồn thành phố.

Cấp thành phố, 100% sở, ngành thuộc thành phố và cấp huyện cung cấp thông tin thiết yếu thuộc lĩnh vực quản lý trên Hệ thống thông tin nguồn thành phố.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả