Số phận mới của hai ngân hàng 0 đồng
Hai ngân hàng “0 đồng” CBBank và Oceanbank đã được Chính phủ lên phương án xử lý và không loại trừ khă năng được chuyển giao cho hai nhà băng lớn.
Tại Báo cáo gửi Uỷ ban thường vụ Quốc hội mới đây, Chính phủ cho biết đã triển khai nhiều giải pháp để xử lý 3 ngân hàng mua lại bắt buộc (CBBank, OceanBank, GPBank) và Ngân hàng Đông Á.
Các biện pháp được đưa ra gồm tìm kiếm đối tác, đàm phán với các nhà đầu tư có nguyện vọng tham gia cơ cấu lại ngân hàng, đồng thời sắp xếp lại mạng lưới hoạt động, tiết giảm chi phí, triển khai các hoạt động kinh doanh an toàn...
Trong đó, hai trên ba ngân hàng mua lại bắt buộc là Ngân hàng Xây Dựng (CBBank) và Ngân hàng Đại dương (OceanBank) đã có phương án xử lý, báo cáo cho biết.
Vào cuối tháng 4 năm nay, kế hoạch tham gia tái cơ cấu ngân hàng yếu kém cũng được công bố tại phiên họp cổ đông của hai nhà băng lớn là Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank) và Ngân hàng Quân ĐMB. Lãnh đạo hai ngân hàng này chưa tiết lộ cụ thể ngân hàng nhận sáp nhập, tuy nhiên, kịch bản cũng đã dần được hé lộ.
Tại hội nghị triển khai nghiệm vụ kinh doanh 2022 của OceanBank, ông Lưu Trung Thái, Phó chủ tịch Ngân hàng Quân đội (MB) đã có mặt tại hội nghị và phát biểu với tư cách khách mời. Phó chủ tịch MB nói: "Việc hợp tác với OceanBank vừa là nhiệm vụ chính trị, vừa là cơ hội của MB". Theo lộ trình của Ngân hàng Nhà nước mà Chính phủ đã cho phép, MB sẽ phối hợp cùng OceanBank kiểm tra, hệ thống dữ liệu và xây dựng phương án trình Chính phủ.
Lãnh đạo MB cho biết thêm, theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, MB sẽ thảo luận cùng lãnh đạo OceanBank thiết kế chương trình phù hợp cho OceanBank, trong đó cốt lõi là cách thức làm việc trong tương lai.
Tại phiên họp thường niên của MB, nhà băng này không nhắc tới "việc hợp tác với Oceanbank", nhưng cho biết, việc nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng giúp MB có cơ hội để tăng trưởng quy mô cao hơn. Nếu tái cơ cấu không thành công, MB không thể trả lại "ngân hàng 0 đồng" cho Nhà nước nhưng có thể bán đi như một khoản đầu tư hoặc IPO chuyển thành ngân hàng cổ phần. Còn nếu tái cơ cấu thành công, ngân hàng đó có thể sáp nhập vào MB giúp quy mô tài sản của MB tăng lên, ông Thái nói.
Lâu nay, hai khó khăn lớn nhất của OceanBank là phải xử lý các khoản nợ và lỗ lũy kế. Tính đến cuối 2019, nhà băng này có khoản lỗ luỹ kế hơn 17.900 tỷ đồng. Tuy nhiên trong 4 năm gần đây, họ đã liên tục giảm lỗ luỹ kế, năm 2021 cũng là năm lỗ thấp nhất từ 2016 đến nay.
Với đơn vị yếu kém còn lại là Ngân hàng Xây dựng (CBBank), Vietcombank đã tham gia hỗ trợ quản trị, điều hành và ký thỏa thuận hợp tác chiến lược toàn diện với nhà băng này từ năm 2014, giai đoạn giai đoạn khó khăn nhất. Tính đến cuối 2019, CBBank có khoản lỗ luỹ kế hơn 31.000 tỷ đồng.
Tại đại hội cổ đông 2022, Chủ tịch Vietcombank Phạm Quang Dũng cho biết, hiện tại ngân hàng vẫn trong quá trình xây dựng kế hoạch, chưa thể khẳng định sẽ nhận chuyển giao tổ chức tín dụng nào và bao giờ thực hiện.
Người đứng đầu Vietcombank khẳng định là dù là bất cứ đơn vị nào thì với sự hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước, Chính phủ, Vietcombank có đủ khả năng đưa tổ chức tín dụng này trở lại hoạt động bình thường. Lộ trình cụ thể vẫn chưa được tính tới do còn phụ thuộc tình hình tài chính ngân hàng nhận chuyển giao, quy mô và mức độ các biện pháp hỗ trợ, diễn biến tình hình thị trường, dù vậy dự kiến thời gian xử lý không quá 8-10 năm.
Quỳnh Trang
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận