Số doanh nghiệp rút khỏi thị trường cao hơn thành lập mới
9 tháng đầu năm 2021, cả nước có 117,8 nghìn doanh nghiệp (DN) gia nhập thị trường, trong đó có 85,5 nghìn DN thành lập mới (giảm 13,6%). Cũng trong thời gian này, có 90,3 nghìn DN rút khỏi thị trường (trung bình mỗi tháng có 10 nghìn DN). GDP quý 3/2021 ước tính giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước, là mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP quý đến nay.
Thông tin trên được ông Võ Tân Thành – Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho hay tại hội thảo trực tuyến “Bức tranh Kinh tế Việt Nam và Đồng bằng sông Cửu Long: Dự báo kinh tế quý 4 và triển vọng năm 2022” diễn ra sáng 1/10.
Theo ông Thành, những tháng đầu năm 2021, kinh tế vĩ mô nước ta bắt đầu khởi sắc sau ảnh hưởng của các đợt bùng phát dịch trong năm 2020. Tuy nhiên, đợt bùng phát dịch lần thứ 4 (từ cuối tháng 4/2021) đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn bộ nền kinh tế.
“Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 3/2021 ước tính giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước, là mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP quý đến nay” – ông Thành thông tin.
Đáng chú ý là số DN rút lui khỏi thị trường nhiều hơn số DN thành lập mới. Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm 2021, cả nước có 117,8 nghìn DN gia nhập thị trường, trong đó có 85,5 nghìn DN thành lập mới (giảm 13,6%). Những cũng trong thời gian này, có 90,3 nghìn DN rút khỏi thị trường, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm 2020.
Sản xuất kinh doanh của DN thuộc nhiều ngành kinh tế đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Riêng vùng ĐBSCL, con số các DN tạm ngừng hoạt động trong ba tháng qua lên tới gần 90%. Các DN có thể duy trì hoạt động với “3 tại chỗ” cũng chỉ hoạt động được từ 5-10% công suất trong khi chi phí rất cao.
TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), nguyên Chủ tịch VCCI cho biết, số liệu hơn 90 nghìn DN rút khỏi thị trường như trên là chưa kể đến số lượng không nhỏ DN đã rút khỏi thị trường nhưng chưa thể làm thủ tục giải thể phá sản do dịch bệnh.
“Và đây là lần đầu tiên số DN rút khỏi thị trường nhiều hơn số DN được thành lập mới. Bình quân 1 tháng có cả 10 nghìn DN rút khỏi thị trường, gây bao hệ luỵ cho nền kinh tế. Và điều nghiêm trọng hơn là ngay cả các DN còn hoạt động thì phần lớn cũng đang kiệt quệ, nhiều DN chết lâm sàng” – ông Lộc nói.
Lo ngại thất nghiệp gia tăng
Chủ tịch VIAC cho biết, trong quý 3/2021, số lao động đang làm việc trong nền kinh tế giảm 2,4 triệu người so với quý trước. “Chỉ trong 100 ngày, số người thất nghiệp đã tăng thêm 2,4 triệu người. Đằng sau đó là sinh kế của ngần ấy gia đình” – ông Lộc phát biểu.
Chủ tịch VIAC cho biết thêm, năm 2021, nền kinh tế thế giới dự báo sẽ tăng trưởng khoảng 5,6%, là mức phục hồi lớn nhất trong vòng 80 năm qua. Trong bối cảnh đó, Việt Nam có nguy cơ lỡ nhịp, phải đứng ngoài tiến trình nối lại các chuỗi cung ứng toàn cầu, bởi hiện nay các nền kinh tế lớn trên thế giới, cũng là các thị trường xuất nhập khẩu và đầu tư chiến lược của chúng ta đang trong quá trình phục hồi kinh tế...
Theo VCCI Cần Thơ, đợt dịch COVID-19 lần thứ 4, vùng ĐBSCL đã chịu tác động nặng nề. Hầu hết các nhà máy, xí nghiệp chế biến phải đóng cửa ngừng hoạt động. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của vùng tháng 8/2021 chỉ đạt 1,97 tỷ USD, giảm 49,7% so với tháng 7/2021…
Mặc dầu vậy, ông Võ Tân Thành – Phó Chủ tịch VCCI cho biết, tuy đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, bức tranh kinh tế vẫn có những điểm sáng như GDP 9 tháng tăng trưởng dương (1,42%). Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa vẫn duy trì tốc độ tăng cao, đạt 483,17 tỷ USD, tăng 24,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu tăng 18,8%; nhập khẩu tăng 30,5%, nhóm hàng nông, lâm, thủy sản chiếm gần 10% tổng kim ngạch xuất khẩu.
“Mặc dù GDP quý 3/2021 giảm mạnh, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản vẫn tăng 1,04% trong khi các khu vực khác giảm. Sự đóng góp của ĐBSCL, trung tâm sản xuất nông nghiệp và chế biến lương thực, thực phẩm lớn của cả nước trong việc duy trì sự tăng trưởng là vô cùng lớn.” – ông Thành nói.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận