SJC “lao dốc" còn 89,60 triệu/lượng: Cần giải pháp hạ nhiệt giá vàng..
SJC hôm nay rơi thẳng đứng còn 89,60 triệu/lượng, tuy nhiên so với vàng thế giới vẫn cao hơn 17-18 triệu.Để kéo giá vàng hạ nhiệt, theo chuyên gia cần giải pháp mạnh
Vàng SJC "rơi thẳng đứng"
Giá vàng thời điểm trưa 12/5, trên thị trường thế giới, đóng cửa phiên cuối tuần, giá vàng thế giới giao ngay đứng ở quanh ngưỡng trên 2.360 USD/ounce. Tuần qua, giá vàng thế giới chứng kiến tuần tăng mạnh thứ 2 liên tiếp, với mức tăng gần 59 USD/ounce so với chốt phiên giao dịch cuối tuần trước đó.
Tuần qua, giá vàng thế giới chỉ cao 1 phiên giảm giữa tuần, các phiên còn lại đều tăng. Nguyên nhân chính thúc đẩy giá vàng thế giới tăng đó là nhu cầu mua tích trữ của người dân và các ngân hàng Trung ương tiếp tục gia tăng, Công thương đưa tin.
Theo công cụ FedWatch, sau báo cáo, thị trường đã tăng khả năng Fed sẽ tiến hành lần cắt giảm lãi suất đầu tiên vào tháng 9 lên 71%.
Chuyên gia phân tích cấp cao Ricardo Evangelista của ActivTrades cho biết, các nhà đầu tư đang chờ đợi các phát biểu của một số quan chức Fed trong tuần này để có thêm manh mối về trục xoay chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Mỹ.
Tại thị trường trong nước, giá vàng miếng SJC lại lao dốc sau khi tăng như vũ bão ngày hôm qua.
Cụ thể, giá vàng miếng SJC tại Công ty Cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận giao dịch quanh mức 87,20 - 89,70 triệu đồng/lượng mua vào bán ra, giảm 1,6 triệu đồng/lượng chiều mua vào và giảm 1,4 triệu đồng/lượng chiều bán ra so với hôm qua. Chênh lệch giữa mua và bán thu hẹp còn 2,5 triệu đồng/lượng.
Ngày 11/5, Văn phòng Chính phủ đã ban hành văn bản thông báo kết luận của Phó thủ tướng Lê Minh Khái tại cuộc họp về các giải pháp quản lý thị trường vàng trong thời gian tới.
Sau chỉ đạo này, giá vàng miếng SJC đã sập mạnh. Công ty SJC niêm yết giá bán vàng trưa 11/5 ở mức 91,3 triệu đồng/lượng, giảm 1,1 triệu đồng/lượng so với mức đỉnh 92,4 triệu đồng/lượng, trong khi giá mua vào ở mức 88,8 triệu đồng/lượng.
Cuối ngày 11/5, Công ty Bảo Tín Minh Châu và Công ty Phú Quý cùng đưa giá bán vàng miếng SJC về mức 90,1 triệu đồng/lượng. Trong khi Công ty PNJ niêm giá bán vàng miếng SJC ở mức 91,3 triệu đồng/lượng. Còn Công ty DOJI đang bán ra ở mức 89,2 triệu đồng/lượng. Ở chiều mua vào, mức giá phổ biến ở quanh mức 88 triệu đồng/lượng.
Như vậy so với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng miếng SJC đang cao hơn 17 - 18,77 triệu đồng/lượng. Còn giá vàng nhẫn hôm nay vẫn ổn định ở mức 76,55 triệu đồng/lượng (bán ra), mua vào 74,85 triệu đồng/lượng.
Giá vàng SJC được Công ty Bảo Tín Mạnh Hải niêm yết mua bán quanh mức 87,00 - 89,50 triệu đồng/lượng, giảm 1,7 triệu đồng/lượng chiều mua và 1,7 triệu đồng/lượng chiều bán so với ngày hôm qua
Tăng cung vàng ra thị trường bằng cách nào?
Trao đổi với Tuổi Trẻ về nguyên nhân giá vàng miếng SJC bị đẩy lên cao như hiện nay, ông Nguyễn Ngọc Trọng, giám đốc Công ty vàng Đối tác mới (NPJ), cho hay do tâm lý thị trường, nhất là sau khi biện pháp can thiệp thị trường vàng thông qua đấu thầu không phát huy hiệu quả.
"Thị trường vàng nhẫn hiện quá khan hiếm, có thể nói gần như tê liệt vì không có nguồn nguyên liệu nên nhà đầu tư chỉ còn một lựa chọn là vàng miếng SJC, từ đó cũng làm cho giá vàng miếng SJC bị thổi lên", ông Trọng nói.
Nhìn ở góc độ lâu dài, tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa giải thích thêm sau 5 phiên đấu thầu vàng, chỉ có 6.800 lượng vàng được đưa ra thị trường, 3/5 phiên phải hủy thầu. Cứ sau mỗi phiên đấu thầu/hủy thầu thì giá vàng lại tăng cao thêm. Do đó theo ông Nghĩa, để tăng cung, đấu thầu vàng không phải là biện pháp.
Cần có các biện pháp mạnh hơn, biện pháp quan trọng nhất là cho phép các doanh nghiệp kinh doanh vàng được nhập khẩu và xuất khẩu vàng một cách bình thường. Nhà nước kiểm soát bằng thuế.
"Có thể cơ quan quản lý lo ngại yếu tố tỉ giá cũng như quản lý khi cho phép doanh nghiệp nhập khẩu vàng chính ngạch. Nhưng tôi cho rằng công cụ quản lý của Nhà nước là bằng thuế.
Nếu không khuyến khích nhập khẩu mặt hàng nào đó, trong đó có vàng thì Nhà nước đánh thuế thật cao và ngược lại khuyến khích nhập khẩu và chống buôn lậu thì đánh thuế thật thấp. Đánh thuế thấp thì không ai dám đi buôn lậu vì khi đó thị trường vàng trong nước và thế giới liên thông, chênh lệch thấp không còn hấp dẫn nữa", ông Nghĩa nói.
Dẫn số liệu thống kê của Hội đồng vàng thế giới, ông Nghĩa thông tin thêm mỗi năm Việt Nam vẫn tiêu thụ khoảng 50 tấn vàng, trị giá khoảng 3 tỉ USD dù hơn 10 năm nay Việt Nam không cấp phép nhập vàng theo đường chính ngạch. Như vậy Nhà nước bị mất thuế, còn thị trường thì méo mó.
Và ông Nghĩa kiến nghị Chính phủ nên xóa bỏ độc quyền vàng miếng SJC, trả lại thương hiệu SJC cho Công ty SJC trong nghị định mới sửa đổi Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận