Singapore tìm cách giải quyết 'khủng hoảng cơm gà', thế giới lao đao vì bảo hộ lương thực
Singapore sẽ nhập khẩu nhiều hơn nữa thịt gà ướp lạnh từ Australia, Thái Lan, Brazil và Mỹ.
Một bộ trưởng của Singapore cho biết nước này đã tìm được nguồn cung thay thế sau lệnh cấm xuất khẩu gà của quốc gia láng giềng, đe dọa thổi bùng cuộc khủng hoảng cơm gà ở quốc gia nhỏ bé nhưng giàu có này.
Nỗ lực giải quyết khủng hoảng thần tốc
Những ngày qua, Malaysia đã khiến quốc gia láng giếng Singapore lâm vào tình cảnh "lao đao" sau khi tuyên bố cấm xuất khẩu gà sống nhằm đảm bảo nguồn cung trong nước. Ngay lập tức, một làn sóng quan ngại đã bao trùm đảo quốc sư tử, nơi phụ thuộc phần lớn vào nông sản nhập khẩu, trong đó có từ Malaysia.
Tuy nhiên, quốc gia giàu có Singapore đã ngay lập tức tìm ra giải pháp cho cuộc khủng hoảng. Theo đó, trong những tuần tới, Singapore sẽ nhập khẩu nhiều hơn nữa thịt gà ướp lạnh từ Australia và Thái Lan cùng với gia tăng nhập khẩu gà đông lạnh từ các nguồn khác như Brazil và Mỹ.
"Người dân hãy yên tâm chúng tôi có đủ nguồn cung thịt gà", Desmond Tan, Bộ trưởng Phụ trách các vấn đề Nội vụ, Môi trường và Phát triển bền vững của Singapore, nhấn mạnh. "Nguồn cung thịt gà của Singapore vẫn ổn định nhờ phán ứng nhanh chóng của các nhà nhập khẩu, phân phối cũng như hệ thống siêu thị thông qua quá trình làm việc với Cơ quan Thực phẩm Singapore".
Tuy nhiên, ông Tan không cho biết quốc gia này có phải trả giá cao hơn cho các lô hàng mới phát sinh này hay không. Dẫu vậy, động thái của Singpore đã giúp nhà chức trách nước này khẳng định cuộc "khủng hoảng cơm gà" sẽ được giải quyết trong vòng một tháng. Họ khẳng định Singapore chắc chắn sẽ có đủ gà để phục vụ lễ hội Aidiladha vào tháng 7 này.
Trước đó, lệnh cấm xuất khẩu gà sống của Malaysia đã trở thành đòn giáng mạnh vào Singapore, quốc gia nhập khẩu khoảng 1/3 lượng gà từ quốc gia láng giềng. Cùng nhiều quốc gia khác, Malaysia đang phải nỗ lực giảm đà tăng giá trong nước khi mà lương thực, nhiên liệu đồng loạt tăng cao. Xung đột Nga–Ukraine được cho là góp phần không nhỏ với cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu.
Trong khi Malaysia ngừng xuất khẩu gà, Indonesia cũng đã ban bố lệnh cấm xuất khẩu dầu cọ tạm thời. Ấn Độ thì ngừng xuất khẩu lúa mì và đường. Serbia và Kazakhstan cũng đã áp đặt hạn ngạch đối với các lô hàng ngũ cốc.
Phần đông thế giới vẫn loay hoay với khủng hoảng lương thực
Sau những đứt gãy với chuỗi cung ứng do đại dịch Covid-19, chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine tiếp tục khiến nhân loại phải đương đầu với những thách thức tầm cao mới, đặc biệt là ở chuỗi cung ứng lương thực. Được coi là vựa lúa mì của thế giới, xung đột giữa Nga với Ukraine cùng các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhằm vào Moscow khiến lượng lớn lúa mì và các sản phẩm nông nghiệp khác không thể được bơm ra thị trường như trong quá khứ.
Việc các quốc gia hạn chế xuất khẩu các mặt hàng then chốt là minh chứng không thể đáng quan ngại hơn. Xu hướng này không dừng lại sau hơn 3 tháng xung đột giữa Nga với quốc gia láng giềng mà thậm chí ngày càng trở nên trầm trọng khi số lượng các nước tham gia hàng ngũ hạn chế xuất khẩu ngày một đông đảo.
Tình trạng này đã khiến nhiều quốc gia, đặc biệt là các nước nghèo ở châu Phi và Trung Đông, phải lên tiếng kêu cứu. Hôm 2/6, Cộng hòa Chad đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp về lương thực và đề nghị quốc tế cứu trợ khẩn cấp. Có 5,5 triệu người Chad, tương đương khoảng 1/3 dân số, cần hỗ trợ nhân đạo trong năm nay.
Điều kiện nắng nóng và khô cằn khiến việc canh tác ở những nước Trung Đông và châu Phi thường không mang lại năng suất cao. Trong khi đó, giá lương thực tăng cao trong bối cảnh nguồn cung thiếu hụt có thể gây ra tác động đặc biệt nghiêm trọng với các nước nghèo.
Tuy nhiên, đây cũng không phải những nạn nhân duy nhất. Không chỉ là vựa lương thực, Nga còn là sản xuất phân bón lớn nhất thế giới, chiếm 13% tổng sản lượng toàn cầu. Các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga khiến việc tiếp cận nguồn phân bón từ nước này gặp trở ngại. Thiếu phân bón khiến Mỹ, Brazil và các nước nông nghiệp lớn khác phải thắt lưng buộc bụng, hạn chế sử dụng các mặt hàng này.
Đi cùng với đó là năng suất thấp. Khi sản lượng lương thực giảm sút, giá của chúng sẽ tăng phi mã và các nước nghèo lại một lần nữa hứng chịu ảnh hưởng. Trái ngược với Singapore, họ sẽ không thể ngay lập tức tìn được nguồn cung thay thế, nhất là khi tiền mua lương thực thông thường đã là một bài toán khó.
Niềm hy vọng duy nhất với các nước nghèo hiện nay là các nước lớn đạt được thỏa thuận nhằm nối lại những đứt gãy với mạng lưới lương thực toàn cầu. Liên Hiệp Quốc hiện đang đàm phán để đưa các mặt hàng nông nghiệp của Nga và Ukraine trở lại thị trường. Phía Nga cũng cho biết sẵn sàng tham gia những nỗ lực này.
Bên cạnh đó, Nga chia sẻ một hành lang nhân đạo trên biển, trong đó được xây dựng để vận chuyển ngũ cốc từ Ukraine ra thế giới, đang được xây dựng với sự hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ. Hàng chục triệu tấn ngũ cốc được cho đang mắc kẹt ở Ukraine.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận