Siết vốn trái phiếu doanh nghiệp: Đặc sản "quản không được thì cấm"!
Dự thảo sửa đổi Nghị định 153/2020 đang vấp phải ý kiến khá gay gắt của chuyên gia, doanh nghiệp khi đưa ra nhiều quy định ngặt nghèo liên quan đến điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.
Trao đổi với PV Dân Việt, LS Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật Anvi, thành viên Trung tâm trọng tài quốc tế tại Việt Nam khẳng định nhiều quy định của thắt chặt quá mức cần thiết, thậm chí cản trở tự do kinh doanh.
Siết vốn trái phiếu, "đặc sản không quản được thì cấm"!
Đối với quy định doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ phải có được sự bảo lãnh của ngân hàng, công ty mẹ. LS Đức khẳng định, về nguyên tắc, ngân hàng không bảo lãnh, bởi bảo lãnh là cấp tín dụng rồi thì phát hành trái phiếu gì?
LS Trương Thanh Đức, Giám đốc Cty Luật Anvi, thành viên Trung tâm trọng tài quốc tế tại Việt Nam
"Các doanh nghiệp khác thì không ai dại gì đứng ra bảo lãnh, không có năng lực, nắm quyền quản lý, sử dụng tài sản bảo đảm và có cũng không nhận được, không cho phép nhận", ông Đức nêu.
Theo LS Đức, việc hạn chế huy động vốn qua kênh phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ của doanh nghiệp mẹ cho doanh nghiệp con; tài trợ cho các dự án đầu tư nếu trường hợp doanh nghiệp này lỗ hoặc lỗ luỹ kế gây khó cho doanh nghiệp. Các doanh nghiệp ngành năng lượng, xây dựng có thời gian đầu tư dài, lỗ kế hoạch và thời gian hoàn vốn dài không thể tiếp cận vốn được.
Trong khi đó, nếu muốn tiếp tục, doanh nghiệp phải tìm cách tiếp cận vốn tín dụng, nhưng vốn tín dụng lại hạn chế cho vay trung - dài hạn, các dự án khó cân đối về tài chính hoặc thu hồi vốn dài hạn.
Theo vị luật sư này, về bản chất bảo lãnh chỉ là ngân hàng không cho vay, nhưng rủi ro cũng ngang nhau. Ngân hàng lại phải đi cấp quyền bảo lãnh, doanh nghiệp lại mất thêm một khâu trung gian. Trong khi đó, không có gì chắc chắn bảo lãnh sẽ đảm bảo quyền lợi tối đa cho trái chủ và bảo đảm thị trường minh bạch, ổn định.
"Quan trọng nhất là nhà đầu tư, trái chủ phải biết chấp nhận cung cầu thị trường, đo lường được rủi ro. Nếu lãi suất trái phiếu gấp đôi lãi suất ngân hàng thì rủi ro trái phiếu gấp đôi rủi ro ngân hàng cấp vốn là chuyện bình thường", ông Đức phân tích.
Theo vị luật sư này, không thể lấy hiện tượng để xử lý bản chất. Quy định nào đưa ra cũng nảy sinh kẽ hở, phải xử lý kẽ hở đó, không thể thắt lại được, phải ngăn chặn, giám sát và xử lý.
"Cấm luôn thì an toàn và cơ quan quản lý chẳng có việc gì làm nhưng lại mất an toàn ở chỗ khác, có khi còn nguy hiểm hơn. Hơn nữa, doanh nghiệp khổ vì đâu phải ai cũng làm bậy, họ mới được nới ra chút lại bị đóng lại, bắt chỉ được một lựa chọn là vốn ngân hàng", ông Đức nêu.
LS Đức lấy ví dụ, năm 2018 chúng ta vừa có quy định huy động trái phiếu không quá 5 lần vốn chủ sở hữu, đến 2020 thì cân nhắc bỏ, sau khi xem xét không bỏ được thì lại định đưa xuống còn 3 lần vốn. Hay 4 năm qua Việt Nam đã thay 4 lần điều kiện huy động trái phiếu, như thế thì doanh nghiệp nào thích ứng cho lại. Điều này cho thấy quản lý Nhà nước vẫn luôn phải chạy theo sự vụ.
"Tư duy chạy loanh quanh, luật bỏ túi khiến doanh nghiệp rất khổ, không biết lường theo chính sách kiểu gì, đùng một cái thay đổi chỉ có doanh nghiệp thiệt hại", ông Đức nêu.
Thực tế, về cơ bản không phải doanh nghiệp nào phát hành trái phiếu cũng làm bậy, doanh nghiệp làm bậy sẽ thuộc các trường hợp cố tình lách luật, được "bảo kê" hoặc trường hợp bất chấp làm bậy do thua lỗ hoặc xác định được ăn cả, ngã về không.
Bên cạnh đó, mức độ rủi ro của trái phiếu doanh nghiệp đồng thời cũng tăng lên tương ứng với mức độ tăng trưởng của trái phiếu doanh nghiệp.
Theo các chuyên gia, đây là điều hoàn toàn bình thường, nếu thị trường phát triển lớn hơn, siết chặt rồi nhưng vẫn tiếp tục xảy ra rủi ro, không lẽ tiếp tục siết hoặc cấm phát hành!?
Liệu có điệp khúc siết, cấm đoán liên tiếp!?
Theo ông Đức, biện pháp phải hài hoà, ngoài xây dựng luật quy định với những lằn ranh rõ ràng, cần tuyên truyền cho nhà đầu tư những rủi ro và trách nhiệm của họ; đối với doanh nghiệp, làm bất cứ điều gì cũng nên làm tử tế, đúng luật nếu không muốn bị xử lý.
LS Trương Thanh Đức khẳng định, sửa đổi Nghị định 153/2020, trong đó đặt ngày càng 10 điều kiện đối với phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ được xem là quá chặt chẽ. Trong khi các hình thức huy động khác của doanh nghiệp hiện không hề bị khống chế, như: Phát hành cổ phần (cổ phiếu), vay vốn ngân hàng, vay vốn doanh nghiệp khác, vay vốn các quỹ đầu tư phát triển, vay vốn cá nhân, vay vốn nước ngoài…
"Thay vì phát hành trái phiếu, doanh nghiệp hoàn toàn có thể đi vay vốn doanh nghiệp khác và cá nhân, hoàn toàn không bị cấm đoán hay hạn chế… Điều này còn gây rủi ro nhiều hơn cho thị trường", ông Đức phân tích.
Theo vị này, vấn đề quan trọng nhất không phải là điều kiện chặt chẽ, gây khó khăn cho quyền tự chủ, tự vay, tự trả và tự chịu trách nhiệm trong hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp. Nhà đầu tư cũng phải biết và chấp nhận rủi ro ấy, không bỏ tiền theo đám đông, phong trào.
Điều cần thiết hơn là phải yêu cầu công bố thông tin công khai, minh bạch tỷ lệ để thị trường quyết định. Chẳng lý gì Luật phải cấm việc chào bán thông qua phương tiện thông tin đại chúng, chỉ làm hạn chế tính công khai, minh bạch.
Theo LS Đức, trong Điều 8 về "Nhà đầu tư mua trái phiếu", Nghị định số 153/2020/NĐ-CP, dự kiến được sửa đổi, bổ sung quy định, đối tượng mua trái phiếu "a) Đối với trái phiếu không chuyển đổi không kèm chứng quyền: đối tượng mua trái phiếu là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp theo quy định của pháp luật chứng khoán".
Ông Đức cho rằng: Tại Khoản 2, Điều 128 của Luật Doanh nghiệp 2020 quy định việc chào bán trái phiếu riêng lẻ là việc chào bán cho dưới 100 nhà đầu tư, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Trong khi đó, Nghị định và thực tế đang được hiểu là chỉ không được bán cho nhà đầu tư thông thường, chỉ được bán cho nhà đầu tư chuyên nghiệp. Như vậy, rõ ràng quy định tại Nghị định 153/2020 không phù hợp với quy định của Luật doanh nghiệp.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận