Shipper tắt app, xếp hàng 50 phút chờ đổ xăng
“Xe hết sạch xăng, muốn mua xăng nhưng phải xếp hàng chờ cả giờ đồng hồ mới tới lượt. Tôi phải tắt app, khi nào đổ đầy bình xăng mới yên tâm mở app nhận đơn trở lại” – một shipper cho hay.
Liên tiếp trong những ngày gần đây, tại nhiều cửa hàng xăng dầu, người dân xếp hàng dài chờ cả giờ đồng hồ để mua được xăng. Nhiều cây xăng thậm chí tắc đường do lượng khách chờ quá tải.
10h sáng ngày 11/11, tại một cây xăng trên đường Thái Thịnh (Đống Đa, HN), hàng trăm phương tiện gồm cả xe máy và ô tô xếp hàng chờ mua xăng. Tuy nhiên, do lượng khách tăng nhanh nhưng nhân viên phục vụ và trạm bơm hạn chế nên cây xăng luôn trong tình trạng quá tải, ùn ứ.
Phong - một shipper đã phải tắt app để xếp hàng chờ mua xăng
Phong – một shipper chuyên vận chuyển đồ ăn cho hay, những người chạy xe ôm công nghệ, trung bình mỗi ngày đi cả trăm km nên xe hết xăng liên tục.
“Khi kim xăng chạm vạch đỏ, mình tìm cây xăng ở cung đường đang đi để tiện đổ xăng tuy nhiên trạm xăng nào cũng kín các phương tiện. Tới điểm này là trạm thứ ba, dù đông nhưng mình đành xếp hàng chờ vì xe cũng đã cạn bình rồi” – anh Phong chia sẻ.
Được biết, sau 50 phút xếp hàng chờ đợi mới tới lượt bạn shiper. “Mình phải tắt app, khi nào đổ đầy bình xăng mới yên tâm mở app nhận đơn trở lại", Phong chia sẻ.
Ghi nhận của phóng viên cho thấy cây xăng trên đường Thái Thịnh vẫn hoạt động bình thường, mặc dù cây xăng lắp đặt khoảng 5 trụ bơm nhưng chỉ có 2 - 3 nhân viên bán hàng, trong khi lượng khách mua xăng quá đông khiến người dân xếp hàng chen cứng lối vào, tràn xuống lòng đường, gây ảnh hưởng đến các phương tiện tham gia giao thông. Do đó, hầu hết các phương tiện đều phải chờ khoảng 45-60 phút mới được đổ xăng.
Cây xăng vẫn hoạt động. Tại đây, lắp đặt khoảng 5 trụ bơm nhưng chỉ có 2 - 3 nhân viên bán hàng
Rất nhiều người do bận hoặc không đủ sự kiên nhẫn nên đành bỏ cuộc hoặc chạy vòng vòng tìm kiếm một cây xăng khác để tiếp nhiên liệu. Nhiều người tỏ ra ngán ngẩm khi phải xếp hàng cả tiếng đồng hồ để đổ xăng.
Tình trạng ùn ứ khách hàng cũng diễn ra tại các cây xăng lân cận như cây xăng quân đội khu vực gần cầu cống Mọc, cây xăng trên đường Láng (gần ngã tư Sở)...
Do xếp hàng chờ đợi quá lâu, một số người dân chờ tối muộn mới đi đổ xăng. Tuy nhiên, dù đã 11 giờ đêm (ngày 10/11) nhưng tại cây xăng trên phố Tây Sơn, tình trạng người dân xếp hàng, chờ đợi mua xăng cũng vẫn như ban ngày.
"Ngày không đổ được xăng vì quá đông nên tôi để đến đêm mới lái xe đi đổ, không ngờ cảnh tượng không khác gì ban ngày. Thôi đành xếp hàng chờ đến lượt mặc dù hơi lâu", anh Tùng – một người đi xe ô tô (quận Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ.
11h đêm (10/11) nhiều cây xăng lớn vẫn trong tình trạng xếp hàng dài
Ngày hôm nay (11/11) là kỳ điều chỉnh giá xăng dầu trong nước. Do giá xăng nhập khẩu có xu hướng tăng nên các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong nước dự báo, tại kỳ điều hành giá xăng dầu ngày hôm nay, giá bán lẻ xăng dầu sẽ chịu nhiều áp lực tăng giá.
Trao đổi bên hành lang Quốc hội về tình trạng trên, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng, khan hiếm xăng dầu là do cơ chế, và không thể vì quy định bất hợp lý mà xử lý doanh nghiệp xăng dầu.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng, khan hiếm xăng dầu là do cơ chế
“Tôi cho rằng, lỗi không phải do nguồn cung thế giới, do ta không nhập được xăng dầu, mà là do cơ chế điều hành chưa phù hợp. Cụ thể, chi phí chiết khấu cho các nhà bán lẻ quá thấp, thậm chí, nhiều nhà bán lẻ không có chi phí này, mà chỉ đầu mối cung cấp mới có. Khi nhà bán lẻ không có chi phí chiết khấu, càng bán càng lỗ, thì đương nhiên họ sẽ không mặn mà gì việc bán.
Tất nhiên, trong bối cảnh thị trường xăng dầu thế giới tăng rất cao, sẽ phải thực hiện việc cắt giảm chi phí chiết khấu. Theo đó, các công ty kinh doanh xăng dầu phải xác định kinh doanh không có lãi, cùng với việc Nhà nước giảm thuế, mới giảm giá được cho người dân.
Nhưng khi giá xăng dầu thế giới bình ổn trở lại, thì phải tăng chi phí chiết khấu cho các doanh nghiệp. Trong thời gian vừa qua, chúng ta chưa làm được điều này, mà mới chỉ thực hiện được chi phí chiết khấu cho nhà phân phối, còn người bán lẻ không có.
Theo tôi, công tác điều hành liên quan tới chi phí chiết khấu; sự phân chia chi phí chiết khấu giữa công ty đầu mối, nhà phân phối và nhà bán lẻ có sự hợp lý hơn thì sẽ không để xảy ra tình trạng các cây xăng bán lẻ phải dừng bán như hiện nay” – ông Hoàng Văn Cường nói.
Cũng theo ông Cường, với những cây xăng dừng bán do “găm hàng”, chờ thời điểm xăng tăng giá mới bán nhằm thu lợi cao hơn, nếu phát hiện thì phải xử lý thật nghiêm khắc.
Tuy nhiên, trong trường hợp cửa hàng bán lẻ không được trích chiết khấu, dẫn tới tình trạng càng bán càng lỗ, không thể bán được thì phải điều chỉnh về mặt cơ chế. Chứ không thể vì quy định bất hợp lý mà quay ra xử lý người kinh doanh. Như vậy sẽ không thỏa đáng...
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận