SGB sẽ giao dịch trên UPCoM ngày 15/10, giá tham chiếu 25,800 đồng/cp
Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) thông báo ngày giao dịch đầu tiên 308 triệu cp SGB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigonbank) trên thị trường UPCoM từ 15/10/2020 với giá tham chiếu 25,800 đồng/cp, tổng giá trị chứng khoán đăng ký giao dịch 3,080 tỷ đồng.
Trong số 308 triệu cp SGB vừa được HNX chấp thuận giao dịch trên UPCoM, hơn 201 triệu cp bị hạn chế chuyển nhượng theo luật. Trong đó, các thành viên HĐQT Saigonbank nắm giữ gần 151 triệu cp, tương đương 48.9% vốn điều lệ và gần 50.4 triệu cp, tương đương 16.35% vốn do Công ty TNHH MTV Du lịch TM Kỳ Hòa sở hữu.
Như vậy, SGB sẽ là ngân hàng thứ 3 chính thức giao dịch trên sàn UPCoM, sau Ngân hàng Bản Việt (09/07) và Ngân hàng Nam Á (09/10).
Không có kế hoạch tăng vốn trong năm 2020
SGB được thành lập từ năm 1987 với vốn điều lệ ban đầu 650 triệu đồng. Mãi đến tháng 9/2012, Ngân hàng mới tăng được vốn điều lệ lên 3,080 tỷ đồng. Từng có kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 3,080 tỷ đồng lên 4,000 tỷ đồng vào năm 2014 và thậm chí năm 2016, NHNN từng đồng ý cho nhà băng này tăng vốn điều lệ từ 3,080 tỷ đồng lên 4,080 tỷ đồng nhưng đến nay, vốn điều lệ của Saigonbank vẫn dừng ở mức 3,080 tỷ đồng. Kể cả ĐHĐCĐ thường niên 2020 vẫn không hề thấy kế hoạch tăng vốn điều lệ trong các tờ trình của ngân hàng này.
Sau giai đoạn tăng trưởng vượt bật năm 2010, lợi nhuận của Saigonbank bước vào chu kỳ giảm dài sau đó. Đến cuối năm 2019, SGB ghi nhận lãi trước thuế 181 tỷ đồng, gấp 3.4 lần năm 2018, tuy nhiên con số này vẫn thuộc "chiếu dưới" trong hệ thống nhà băng.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2020, nhờ chi phí dự phòng rủi ro tín dụng giảm 86%, chỉ còn 6 tỷ đồng, Saigonbank báo lãi trước thuế gần 126 tỷ đồng và lãi sau thuế hơn 100 tỷ đồng, cùng tăng 42% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, Saigonbank đã thực hiện được 97% chỉ tiêu 130 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế sau nửa đầu năm.
Thời gian qua, Saigonbank cũng đã thực hiện các giải pháp xử lý nợ xấu và giúp tỷ lệ nợ giảm đáng kể. Điều này giúp tỷ lệ nợ xấu/dư nợ vay của Ngân hàng những năm gần đây luôn duy trì dưới 3%.
Cơ cấu cổ đông có nhiều biến động
Cùng với những biến động nhân sự ở bộ máy thượng tầng trong suốt thời gian dài, cơ cấu cổ đông Saigonbank cũng có nhiều biến động sau đó. Từ khoảng năm 2017 đến nay, các cổ đông như Vietcombank, VietinBank, CTCP Điện tử Biên Hòa (Belco)... liên tục thoái vốn khỏi Saigonbank.
Tính đến ngày 29/05/2020, cổ đông lớn nhất của Saigonbank là Văn phòng Thành ủy TPHCM nắm 18.18% vốn. Công ty TNHH MTV Xây dựng và kinh doanh nhà Phú Nhuận nắm giữ 16.64% và Công ty TNHH MTV Du lịch Thương mại Kỳ Hòa nắm 16.35%, kế đến là Công ty TNHH MTV dầu khí TPHCM (Saigon Petro) với tỷ lệ sở hữu 14.08%. Bốn đơn vị này đang nắm giữ 65.25% vốn của Saigonbank.
Tính đến 31/05/2020, tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài tại Saigonbank là 4.997% vốn điều lệ, tương ứng gần 15.4 triệu cp.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận