“Sếp tổng” Đạm Phú Mỹ chốt lời cổ phiếu DPM tại vùng giá đỉnh
Mới đây, bà Trần Thị Phương Thảo, Phó Tổng Giám đốc Tổng CTCP Phân bón và Hoá chất Dầu khí (Đạm Phú Mỹ, HOSE: DPM) đã bán 31.000 cổ phiếu DPM theo phương thức khớp lệnh từ 9/3 đến 31/3/2022. Tuy nhiên, bà Thảo không bán hết tổng số 65.700 cổ phiếu đã đăng ký do diễn biến thị trường chưa phù hợp với kỳ vọng.
Trước đó, Kế toán trưởng Võ Ngọc Phương đã thoái hết toàn bộ 24.700 cổ phiếu DPM theo phương thức khớp lệnh từ 9/3 đến 24/3/2022.
Đại diện Đạm Phú Mỹ cho biết ngay từ năm 2021, công ty đã cơ bản chuẩn bị đủ nguồn nguyên liệu các loại phân bón nhập khẩu như Kali, DAP cho năm 2022, đồng thời dự phòng sẵn sàng các phương án thay thế trong trường hợp nguồn cung hoặc chuỗi logistic bị gián đoạn.
Trong hai tháng đầu năm 2022, các nhà máy luôn vận hành vượt công suất, chất lượng sản phẩm tiếp tục được nâng cao, sản lượng sản xuất phân bón đạt gần 180.000 tấn, vượt so với kế hoạch và cùng kỳ năm 2021. Dự kiến trong quý I, tổng sản lượng sản xuất Đạm Phú Mỹ và NPK Phú Mỹ sẽ đạt hơn 260.000 tấn.
Về công tác tiêu thụ hàng hóa, sản lượng đạt gần 190.000 tấn phân bón và hóa chất các loại. Doanh nghiệp cũng thông tin đã đảm bảo lượng hàng sẵn sàng tại từng khu vực, phục vụ cho nhu cầu phân bón tăng cao từ tháng 3 trở đi, khi hầu hết các khu vực trong cả nước bước vào vụ chăm bón.
Trên thị trường chứng khoán, sau khi lập đỉnh gần 74.000 đồng hồi cuối tháng 3 (phiên 28/3/2022), giá cổ phiếu DPM đã liên tục lao dốc trước diễn biến bất lợi của giá dầu quốc tế.
Trong phiên giao dịch sáng 4/5, cổ phiếu DPM tăng nhẹ trở lại ở mức 64.800 đồng, khối lượng khớp lệnh đạt hơn 3 triệu đơn vị. Tính chung từ mức đỉnh, cổ phiếu DPM hiện giảm gần 13% chỉ sau 1 tuần giao dịch
Năm 2022, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng lợi nhuận của Đạm Phú Mỹ sẽ không còn cao như 2021 khi công ty không còn nhiều khoản đột biến hỗ trợ cho lợi nhuận như 2021.
Trong năm 2021, công ty đã ghi nhận 99 tỷ đồng lợi nhuận khác (gồm 91 tỷ đồng tiền bảo hiểm tổn thất hoạt động kinh doanh) và điều chỉnh giảm 132 tỷ đồng chi phí theo ý kiến kiểm toán gồm 49 tỷ khấu hao liên quan đến nhà máy NH3 – NPK và 83 tỷ đồng chi phí bảo dưỡng nhà máy ure.
Bên cạnh đó, giá phân ure khó có khả năng tăng mạnh khi mà đà tăng giá của các nguyên vật liệu trên thế giới đang "nguội" lại.
Trong năm 2021, ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 khiến nguồn cung thắt chặt và hoạt động vận chuyển bị tắc nghẽn đã đẩy giá cả nhiều loại hàng hóa tăng cao, bao gồm cả phân bón. Khi các hoạt động giao thương trở về trạng thái bình thường, các yếu tố ảnh hưởng lên giá hàng hóa sẽ không còn, dẫn đến việc hạ giá các loại hàng hóa trên thế giới.
Trong bối cảnh trên, biên lợi nhuận mặt hàng ure của Đạm Phú Mỹ sẽ trở về mức 30% - 35% thay vì mức trung bình 45% như hiện tại.
Với giả định giá ure giảm 25% và sản lượng tiêu thụ tăng 8% so với 2021, doanh thu và lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ ước đạt 10.684 tỷ đồng và 1.352 tỷ đồng, tương đương với EPS 2022 đạt 3.432 đồng. Dù giảm mạnh so với 2021 nhưng so với giai đoạn 2017-2020, đây vẫn là mức lợi nhuận cao của Đạm Phú Mỹ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận