Sẽ thu phí phương tiện đi vào cao tốc do Nhà nước đầu tư
Sáng 27/6, Quốc hội thông qua Luật Đường bộ trong đó có quy định các phương tiện lưu thông trên đường cao tốc do Nhà nước đầu tư sẽ phải trả phí.
Điều 50 của luật quy định Nhà nước thu phí sử dụng với phương tiện lưu thông trên đường cao tốc thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và trực tiếp quản lý, khai thác, trong đó có đường cao tốc do Nhà nước đầu tư theo hình thức đầu tư công. Đường cao tốc được đầu tư theo các hình thức khác nhưng sau đó chuyển giao lại cho Nhà nước quản lý cũng sẽ thu phí.
Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội lý giải người đi trên cao tốc được hưởng nhiều lợi ích như tiết kiệm thời gian, chi phí vận tải, nhiên liệu, khấu hao phương tiện. Mức phí cao tốc sẽ phù hợp với chất lượng dịch vụ và căn cứ trên nguyên tắc dịch vụ có chất lượng cao hơn thì phải trả chi phí cao hơn.
Hơn nữa, cao tốc do Nhà nước đầu tư đều có quốc lộ song hành, cho phép người tham gia giao thông có quyền lựa chọn sử dụng cao tốc hoặc quốc lộ nên "không dẫn đến phí chồng phí".
Luật Đường bộ quy định cơ quan quản lý đường cao tốc được giao tổ chức khai thác số phí thu được để nộp vào ngân sách. Chính phủ sẽ quy định điều kiện, thời điểm thực hiện việc thu phí sử dụng đường cao tốc. Các tổ chức nhận nhượng quyền thu phí, nhượng quyền kinh doanh cũng phải nộp tiền nhận nhượng quyền vào ngân sách. Tiền phí thu được trong thời gian thực hiện hợp đồng chuyển nhượng không phải nộp ngân sách, trừ phần doanh thu phải chia sẻ cho Nhà nước.
Trước khi được quy định trong luật, Bộ Giao thông Vận tải từng nhiều lần đề xuất thu phí một số tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư. Trong đó có 9 tuyến cao tốc Bộ dự kiến thu phí trong 5 năm.
Bộ Giao thông Vận tải cho biết mức thu phí đáp ứng các nguyên tắc như phù hợp với lịch ích, khả năng chi trả của người sử dụng. Sau khi bù đắp chi phí tổ chức phải đảm bảo còn dư để cân đối vào ngân sách Nhà nước. Số tiền thu được từ các cao tốc đầu tư bằng ngân sách sẽ nộp lại ngân sách Nhà nước và ưu tiên sử dụng cho đầu tư, quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
Đường bộ cao tốc được quy định thành một chương với 12 điều trong luật. Đường cao tốc được giải thích là một cấp kỹ thuật của đường bộ, chỉ dành cho một số loại xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông. Đường cao tốc có dải phân cách phân chia hai chiều xe chạy riêng biệt, không giao nhau cùng mức với một hoặc các đường khác. Đường chỉ cho xe ra, vào ở những điểm nhất định.
Ngoài ra, luật còn dành một chương để quy định về vận tải đường bộ, nêu quyền, nghĩa vụ của đơn vị kinh doanh vận tải, lái xe, nhân viên phục vụ trên ôtô.
Luật Đường bộ có hiệu lực từ 1/1/2025. Đây là một trong hai luật được tách ra từ Luật Giao thông đường bộ (Luật còn lại là Trật tự, an toàn giao thông đường bộ).
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận