Sẽ thanh tra toàn diện một số ngân hàng thương mại
'Các đơn vị trong ngành Ngân hàng khẩn trương triển khai các nhiệm vụ, phối hợp với cơ quan, chính quyền địa phương đảm bảo thực hiện hỗ trợ lãi suất đúng quy định, đúng đối tượng, đúng mục đích; ngăn chặn các sai phạm, rủi ro, trục lợi chính sách'.
Đó là thông tin được Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh tại Hội nghị trực tuyến toàn Ngành triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách nhà nước 40.000 tỷ đồng theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư 03/2022/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Hội nghị này nhằm quán triệt các nhiệm vụ, nội dung của Nghị định 31/2022/NĐ-CP, Thông tư 03/2022/TT-NHNN, hướng dẫn toàn hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) và tới từng địa phương nhằm sớm đưa chính sách vào thực tiễn, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp và phục hồi kinh tế.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh tại Hội nghị trực tuyến toàn Ngành triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2%. (Ảnh: SBV)
Giảm lãi suất 2%, ngân hàng chủ động vào cuộc, hạn chế sai phạm
Thông tin tại Hội nghị, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, tính đến 20/5, tín dụng đạt trên 11 triệu tỷ đồng, tăng 7,66%, tăng cao hơn gấp 2 lần cũng thời diểm năm 2021.
Đáng chú ý, tín dụng tăng đều vào tất cả lĩnh vực của nền kinh tế chứ không phải dồn vào một vài lĩnh vực.
Thậm chí, một số lĩnh vực gặp khó khăn thời gian qua lại có mức tăng trưởng tín dụng cao: tín dụng vận tải, du lịch, dịch vụ, vận tải tăng 8,25%, lĩnh vực công nghiệp, công nghiệp phụ trợ cũng tăng cao, trên 7,6%, bằng mức tăng chung của cả nước.
Dòng vốn tín dụng tăng trưởng tốt và được điều hướng tích cực đã bù đắp đáng kể sự thiếu hụt vốn cho doanh nghiệp trong bối cảnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp và chứng khoán gặp khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi kinh tế.
Phó Thống đốc cho biết, thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội và Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ, NHNN đã chủ động, tích cực phối hợp với các bộ, ngành, NHTM trình Chính phủ ban hành Nghị định 31/2022/NĐ-CP và theo thẩm quyền ban hành Thông tư 03/2022/TT-NHNN hướng dẫn các NHTM thực hiện hỗ trợ lãi suất theo Nghị định.
"Đây là chính sách hỗ trợ lãi suất đầu tiên sử dụng ngân sách nhà nước có quy mô lớn được triển khai qua hệ thống ngân hàng thương mại.
Do đó, ngay từ trong quá trình dự thảo, NHNN đã tích cực, chủ động phối hợp, bàn bạc rất kỹ lưỡng với các bộ, ngành, các ngân hàng thương mại thông qua rất nhiều cuộc họp cũng như lấy ý kiến bằng văn bản để xây dựng, hoàn thiện Nghị định và Thông tư hướng dẫn nhằm sớm đưa chính sách hỗ trợ vào thực tiễn, với mục tiêu giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được tiếp cận nguồn vốn ngân hàng với lãi suất thấp hơn để vượt qua khó khăn, ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh, tạo nền tảng và động lực phát triển nền kinh tế; đồng thời đảm bảo nguyên tắc công bằng, công khai, minh bạch, xác định đúng đối tượng cần hỗ trợ, hạn chế tối đa các sai phạm trong quá trình triển khai, quyết toán hỗ trợ lãi suất", Phó Thống đốc nhấn mạnh.
Thông tin thêm tại Hội nghị về việc triển khai chính sách, bà Hà Thu Giang - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết, thời hạn được hỗ trợ lãi suất tính từ ngày giải ngân khoản vay đến thời điểm khách hàng trả hết nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay theo thỏa thuận giữa NHTM và khách hàng, phù hợp với nguồn kinh phí hỗ trợ lãi suất được thông báo, nhưng không vượt quá ngày 31/12/2023.
Về quy định thời hạn phù hợp với nguồn kinh phí, lãnh đạo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cũng giải thích thêm, khách hàng sẽ được hỗ trợ lãi suất trong thời hạn này trong trường hợp vẫn còn nguồn kinh phí, hạn mức hỗ trợ lãi suất và nguồn này sẽ được thông báo cho từng NHTM. Điểm cần lưu ý các NHTM sẽ dừng hỗ trợ lãi suất sau thời điểm 31/12/2023 hoặc khi hết nguồn kinh phí được thông báo tùy theo thời điểm nào đến trước.
"Với gói hỗ trợ này, nguồn hỗ trợ lãi suất là nguồn chi đầu tư phát triển của ngân sách nhà nước. Do đó quy trình, thủ tục liên quan từ bước lập dự toán, thanh toán, quyết toán hoàn toàn phải tuân thủ theo quy định của Luật Đầu tư công và Luật Ngân sách Nhà nước, có những giới hạn về mặt thời gian nên các NHTM phải đặc biệt lưu ý vấn đề này trong triển khai", bà Giang nhấn mạnh.
Bà Hà Thu Giang – Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Tín dụng các ngành kinh tế phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: SBV)
Các ngân hàng mong sớm được nới "room" tín dụng
Chia sẻ tại Hội nghị, ông Phạm Toàn Vượng – Phó Tổng Giám đốc Agribank cho biết, ngay khi Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 03/2022/TT-NHNN của NHNN được ban hành, Agribank đã kịp thời ban hành Quy định số 968/QĐ-NHNo-TD ngày 20/5/2022 về hỗ trợ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và văn bản số 4327/NHNo-TCKT ngày 25/5/2022 hướng dẫn hạch toán kế toán.
Bên cạnh đó, Agribank tiếp tục có văn bản chỉ đạo, triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất đến toàn bộ gần 2.300 điểm giao dịch trên cả nước.
Sau Hội nghị này, Agribank sẽ tiếp tục tuyên truyền rộng rãi hơn nữa về chương trình hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đến các đối tượng khách hàng theo quy định của Nghị định 31/2022/NĐ-CP; Đồng thời bám sát quá trình thực hiện của các Chi nhánh để chỉ đạo kịp thời nhằm triển khai hiệu quả Nghị định 31/2022/NĐ-CP, Thông tư 03/2022/TT-NHNN.
Toàn cảnh Hội nghị. (Ảnh: SBV)
Tương tự, ông Trần Phương – Phó Tổng Giám đốc BIDV cho biết, hiện BIDV đang tập trung chỉ đạo toàn hệ thống các chi nhánh lập dự toán hỗ trợ lãi suất, trong đó, chính xác đầy đủ định mức đăng ký hỗ trợ lãi suất, đăng ký số lượng khách hàng, khoản vay hỗ trợ lãi suất từ ngân sách của Nhà nước. Đồng thời, BIDV đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để triển khai thực hiện tốt chương trình hỗ trợ lãi suất.
Vấn đề mà các ngân hàng băn khoăn nhất hiện nay là room tín dụng đang ở mức thấp, nếu không được nới thêm, ngân hàng sẽ khó đáp ứng được kỳ vọng của khách hàng.
Cũng đề cập mối lo ngại này, lãnh đạo MB lại đề xuất, số lượng khách hàng không thuộc đối tượng thụ hưởng trong Nghị định nhưng vẫn có nhu cầu tín dụng rất lớn, trên các nguyên tắc, tiêu chí NHNN xem xét các TCTD mở rộng room tín dụng cho các ngân hàng.
Đồng tình với các kiến nghị trên, ông Nguyễn Việt Cường, Phó Tổng giám đốc Vietcombank cho hay, 5 tháng đầu năm nay, tín dụng Vietcombank đã tăng trưởng ở mức "đáng kinh ngạc" trên 9%. Trong khi đó, dư nợ cho vay các đối tượng được hỗ trợ lãi suất chiếm tới gần 30% tổng dư nợ ngân hàng với gần 30.000 khách hàng.
Theo ông Cường, nhu cầu tín dụng của doanh nghiệp sau 2 năm Covid giống như "cơn khát nước sau trận hạn hán", tăng lên rất nhanh. Với room tín dụng hiện nay, chắn chắc sẽ không đáp ứng đủ. Vì vậy, đại diện Vietcombank mong mỏi NHNN nới room tín dụng.
Các ngân hàng cũng đề nghị NHNN đẩy mạnh công tác truyền thông về đối tượng gói hỗ trợ lãi suất 2% để thống nhất công tác thông tin truyền thông trong toàn ngành, tránh việc mỗi ngân hàng giải thích một cách khác nhau gây khó khăn trong quá trình thực hiện.
Về kiến nghị tăng "room" tín dụng của các ngân hàng, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết ngay từ khi phân bổ chỉ tiêu tín dụng kỳ đầu tiên năm nay NHNN cũng thấy tín dụng tăng nhanh hơn.
"Nhưng tăng đến mức độ nào, kiểm soát ở mức độ nào còn phải xem xét đến vấn đề kiểm soát lạm phát. Đó là câu chuyện vĩ mô. Tăng tín dụng mạnh thì lạm phát khó khăn, tăng ít thì không tăng trưởng kinh tế. Nên ở đây phải giải quyết thỏa đáng", ông Tú nhấn mạnh.
Quan điểm của Ngân hàng Nhà nước từ trước đến nay là chưa bao giờ chúng tôi dùng từ siết chặt tín dụng bất động sản. (Ảnh: T.K)
Chưa bao giờ nói siết chặt tín dụng với bất động sản
Cũng tại Hội nghị, ông Tú nhắc lại tinh thần chung, quan điểm của Ngân hàng Nhà nước trong nhiều năm nay, ông Tú nhắc lại là cần phải kiểm soát chặt chất lượng tín dụng. Do đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ phải thanh tra một cách toàn diện, đầy đủ đối với một số ngân hàng thương mại.
Riêng đối với lĩnh vực bất động sản, Phó Thống đốc thông tin, vấn đề thị trường bất động sản, tín dụng bất động sản được cơ quan quản lý cũng như các chuyên gia, diễn đàn… bàn luận rất nóng, rất sôi động suốt mấy tháng qua.
Thậm chí trên nhiều diễn đàn còn có từ khóa siết chặt tín dụng bất động sản.
"Tuy nhiên, quan điểm của Ngân hàng Nhà nước từ trước đến nay là chưa bao giờ chúng tôi dùng từ siết chặt tín dụng bất động sản. Là người phát ngôn của ngành, tôi chưa bao giờ nói siết chặt tín dụng với bất động sản cả" - ông Tú khẳng định.
Đối với bất động sản thì chỉ kiểm soát chặt với bất động sản có tính chất đầu cơ, phân khúc nhà nghỉ dưỡng, dự án cao cấp. Còn tín dụng đối với nhà ở cho công nhân, nhà ở xã hội, nhà ở cho người nghèo thì luôn khuyến khích. Thực tế, tăng trưởng tín dụng đối với nhà ở phục vụ nhu cầu cho số đông người dân thì dư nợ tăng đều, phát triển khá nhanh.
Tại hội nghị, Phó Thống đốc Đào Minh Tú đề nghị các đơn vị trong toàn Ngành khẩn trương, quyết liệt triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2% ngay từ 27/5.
Bên cạnh việc triển khai cho vay hỗ trợ lãi suất 2%, Phó Thống đốc yêu cầu các Ngân hàng tiếp tục thực hiện có hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng theo chỉ đạo của NHNN. Chủ động xử lý khó khăn và kịp thời phản ánh với NHNN, lãnh đạo UBND tỉnh về các vướng mắc, đề xuất kiến nghị trong quá trình triển khai thực hiện. Đảm bảo thực hiện hỗ trợ lãi suất đúng quy định, đúng đối tượng, đúng mục đích; ngăn chặn các sai phạm, rủi ro, trục lợi chính sách.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận