Sau thị sát, EC khuyến cáo gì để gỡ 'thẻ vàng' thủy sản Việt Nam?
Sau chuyến thị sát ở nước ta, đoàn thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC) vừa đưa ra những khuyến cáo giúp Việt Nam gỡ thẻ vàng cho thủy sản.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) vừa báo cáo Chính phủ về kết quả làm việc với EC về tình hình chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
Theo Bộ NN&PTNT, sau hơn 10 ngày kiểm tra, đoàn thanh tra của EC ghi nhận quyết tâm chính trị của Việt Nam về chống khai thác IUU, đặc biệt là sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Chính phủ; tình hình chống khai thác IUU tại Việt Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực hơn rất nhiều so với lần thanh tra thực tế lần thứ 2 vào năm 2019.
Tuy vậy, công tác gỡ thẻ vàng của Việt Nam vẫn tồn tại nhiều hạn chế như: Tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài vẫn còn xảy ra; chưa có cơ chế kiểm soát được nguồn gốc sản phẩm thủy sản khai thác nhập khẩu vào Việt Nam bằng tàu container, nguy cơ nguyên liệu thô trong và ngoài nước được trộn lẫn để chế biến, xuất khẩu vào thị trường EU. Đặc biệt, việc thực hiện việc đăng ký tàu cá, cấp giấy phép khai thác thủy sản, lắp đặt thiết bị VMS chưa hoàn thành theo quy định....
Sau khi kiểm tra tại một số địa phương và doanh nghiệp, đoàn thanh tra EC đã làm việc với Bộ NN&PTNT cùng các cơ quan liên quan và tiếp tục đưa ra 4 nhóm khuyến nghị về công tác gỡ “thẻ vàng” của Việt Nam trong thời gian tới.
Về khung pháp lý, theo EC, Việt Nam cần tiếp tục siết chặt công tác quản lý, đảm bảo thực hiện các quy định chống khai thác IUU hiệu lực, hiệu quả. Trong đó, cần có quy định đối với tàu nhập khẩu đảm bảo nguồn gốc không vi phạm IUU, chuyển đổi nghề khai thác trong hạn ngạch được giao theo hướng chỉ cho phép các nghề thân thiện với nguồn lợi, hệ sinh thái; tăng mức xử phạt đối với hành vi vi phạm nghiêm trọng để đảm bảo tính răn đe…
Về quản lý đội tàu, EC đánh giá năng lực khai thác đội tàu của Việt Nam hiện vẫn còn lớn so với trữ lượng nguồn lợi thủy sản. Do vậy, Việt Nam cần giảm số lượng tàu cá, thời gian khai thác và sản lượng được phép khai thác… để phát triển nghề cá bền vững, có trách nhiệm và hội nhập quốc tế.
Đặc biệt, Việt Nam cần có biện pháp quản lý đối với khối tàu chưa lắp VMS (thiết bị giám sát hành trình tàu cá), không có giấy phép khai thác và khối tàu đã xóa đăng ký để đảm bảo nhóm tàu này không tham gia hoạt động khai thác trên biển.
Về công tác xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác, EC khuyến cáo Việt Nam xây dựng hệ thống tại Trung ương để theo dõi, giám sát công tác xác nhận, chứng nhận và truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác tại địa phương trên nền tảng điện tử. Trong đó, Việt Nam cần xây dựng quy trình kiểm soát nguyên liệu thô nhập vào để đảm bảo doanh nghiệp không trộn lẫn nguyên liệu từ khai thác IUU khi xuất khẩu sang thị trường EU...
Về thực thi pháp luật, theo EC, Việt Nam cần đảm bảo chế tài xử lý nhanh, đủ sức răn đe và hiệu quả; trong đó mức phạt phải cao hơn nhiều lần so với lợi ích thu được từ hành vi vi phạm; cân nhắc quy định truy tố một số hành vi vi phạm nghiêm trọng hoặc lặp đi lặp lại nhiều lần.
EC cũng khuyến cáo, Việt Nam cần có quy định xử lý trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân tại địa phương không thực hiện hoặc chậm trễ trong việc thực hiện các chế tài xử lý đối với các hành vi khai thác IUU.
Trao đổi với Tiền Phong, lãnh đạo Tổng cục Thủy sản cho biết, sau chuyến kiểm tra vào cuối tháng 10. Dự kiến 6 tháng sau, đoàn thanh tra EC sẽ tiếp tục trở lại để kiểm tra tình hình thực thi các khuyến nghị. Do đó, thời điểm này các bộ, ngành, địa phương, các đơn vị liên quan và cả hệ thống chính trị cần vào cuộc quyết liệt, thực hiện tốt các nội dung khuyến nghị để gỡ bằng được thẻ vàng trong thời gian tới.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận