24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Phương Tùng
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Sau phiên lao dốc, thị trường chứng khoán nhanh chóng viết tiếp "giấc mơ xanh”

VN-Index có phiên lao dốc kỷ lục ngày 19/1/2021 sau khi tiến sát ngưỡng 1.200 điểm, nhưng sắc xanh của thị trường liên tiếp xuất hiện trong các phiên sau đó. Cuộc chơi chứng khoán hấp dẫn trở lại…

Canh mua giá đỏ bất thành

Sau phiên 19/1/2021, bản tin của một công ty chứng khoán lớn khuyến nghị khách hàng: trường hợp chỉ số tiếp tục quán tính giảm sẽ tạo ra cơ hội mua vào cổ phiếu ở vùng giá tốt.

Nhưng thực tế cho thấy, nhiều nhà đầu tư canh mua ở các mức giá “đỏ” bất thành, bởi thị trường tính đến cuối tuần qua đã lấy lại phần lớn số điểm đã mất, dù diễn biến trong từng phiên rung lắc khá mạnh.

Cụ thể, phiên giao dịch ngày 20/1, chỉ số đảo chiều chóng mặt trong phiên tạo ra biên độ giá lớn ở nhiều mã cổ phiếu. Điểm cao nhất và điểm thấp nhất của VN-Index trong phiên lên tới gần 45 điểm, nhiều mã giảm sàn rồi lại vọt lên sắc xanh, lúc đóng cửa lại có sắc đỏ.

Chênh lệch gần 10% giữa giá cao nhất và giá thấp nhất của cổ phiếu kích thích sự nhập cuộc trở lại trong cuộc chơi chứng khoán.

Hôm cuối tuần trước phiên 19/1, một số nhà đầu tư đã bán phần lớn danh mục nhắn nhau “chưa mua gì, đang trắng trơn danh mục, sốt ruột quá” thì nay có cơ hội ung dung chọn hàng. Trong phiên 20/1, nhà đầu tư canh mua để vợt cổ phiếu giá thấp, thậm chí ở không ít mã đặt sẵn lệnh, nhưng không khớp.

Giám đốc tư vấn đầu tư một công ty chứng khoán kể, những khách hàng có quy mô tài khoản cả trăm tỷ đồng ở công ty ông vẫn xem xét mua vào trong phiên giao dịch đỏ lửa ngày 19/1.

Vị này nhận định, phiên giảm giá mạnh ngày 19/1 nằm ngoài dự đoán, nhưng khả năng cao chỉ đơn thuần là do áp lực chốt lời và hạ tỷ trọng danh mục, nhiều nhà đầu tư vẫn tiếp tục quay vòng mua cổ phiếu.

Định giá P/E trên VN-Index đang ở dưới 19 lần, gần như thấp nhất so với các thị trường trong khu vực Đông Nam Á, vẫn là yếu tố để lòng tham lấn át nỗi sợ hãi.

Nhà đầu tư đã nhập hàng rất mạnh, tập trung vào các mã trong VN30 và đẩy chỉ số này tăng gần 9 điểm khi kết thúc phiên 20/1.

Định giá P/E trên VN-Index đang ở dưới 19 lần, gần như thấp nhất so với các thị trường trong khu vực Đông Nam Á.

Diễn biến thị trường trong các phiên VN-Index lao dốc và biến động như tàu lượn, đặc biệt ở thời điểm đầu phiên, đưa đến một số giả định về việc các “tay to” (nhà đầu tư lớn) đạp hàng, tạo hiệu ứng tâm lý xấu để nhà đầu tư khác rũ hàng, nhờ đó gom được cổ phiếu ở vùng giá thấp.

Xu hướng khó đoán của thị trường được nhìn nhận sẽ dẫn tới sự thay đổi trong chiến thuật đầu tư của nhiều nhà đầu tư mới (F0) và nhà đầu tư cũ (Fn) trên thị trường. Những mã cổ phiếu cơ bản đang có lãi nhiều khả năng sẽ không bị bán tháo, mà chờ thị trường tiếp tục tăng, thậm chí trường hợp thị trường giảm có thể giải ngân tăng tỷ trọng. Trong khi đó, những mã lướt sóng ngắn hạn sẽ nhanh chóng bị bán ra nhằm chốt lời, hoặc cắt lỗ.

Thị trường còn lực đỡ

Khi thị trường đỏ lửa, lực bán mạnh vào giữa phiên sáng đến từ nhóm VN30 hôm 19/1 khiến chỉ số VN-Index giảm 5,11% khi đóng cửa, mất hơn 70 điểm, xuống 1.131 điểm.

Nhiều nhà đầu tư Fn tỏ ra bình tĩnh và nhìn nhận áp lực sẽ sớm kết thúc khi hợp đồng phái sinh VN30F2101 đáo hạn vào ngày 21/1. Họ tin vào nhận định mục tiêu dài hạn của chỉ số VN-Index nằm gần 1.380 điểm.

Khi phiên 20/1 kết thúc, phân tích kỹ thuật cho thấy, VN-Index đã hình thành mô hình nến Hammer, báo hiệu khả năng tiếp tục hồi phục của chỉ số. Vượt vùng kháng cự 1.150 điểm nên chỉ số có thể hướng đến vùng 1.200 điểm trong thời gian tới (VN-Index đóng cửa cuối tuần qua tại 1.166,7 điểm).

Những động thái về việc khối ngoại hoạt động tích cực hơn, tự doanh công ty chứng khoán mua vào đã hỗ trợ nhà đầu tư ổn định tâm lý, giúp thị trường sớm lấy lại được cân bằng cung cầu.

Nhìn vào diễn biến thị trường tương lai cũng cho thấy kỳ vọng của các nhà giao dịch về thị trường cơ sở.

Cụ thể, sau nhịp giằng co với biên độ lớn trong phiên sáng 20/1, thị trường tương lai đã thu hẹp biến động trong phiên chiều trước khi quay lại đà tăng. Hợp đồng VN30F2101 tăng 20,2 điểm, ghi nhận mức chênh (basis) gần 9 điểm với chỉ số cơ sở VN30. Các hợp đồng còn lại tăng trên 30 điểm, qua đó đạt mức chênh lệch dương rất cao, từ 40 - 46 điểm.

Trở lại với thị trường cơ sở, cú sập ngoài dự liệu hôm 19/1 và sáng 20/1 chính là cơ hội cho nhiều nhà đầu mới vào thị trường mà chưa kịp giải ngân. Thống kê cho thấy, không ít cổ phiếu có giá giảm 20 - 25% so với vài tuần trước đó, bao gồm cả nhóm ngân hàng.

Ghi nhận tại các công ty chứng khoán, nhà đầu tư nhìn chung vẫn thể hiện sự quan tâm với kênh chứng khoán và dứt khoát trong việc nạp tiền vào tài khoản mua chứng khoán cơ sở. Kênh đầu tư chứng khoán tiếp tục được đánh giá cao trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 1 - 2 tháng ở các ngân hàng rất thấp, chỉ hơn 3%/năm.

Lãi suất không kỳ hạn còn ở mức không đáng cho nhà đầu tư giao dịch, chẳng hạn, với số tiền 2 tỷ đồng, để tiền 1 tuần trong ngân hàng, nhà đầu tư chỉ lãi khoảng 75.000 đồng.

Theo báo cáo của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK), số lượng tài khoản chứng khoán do nhà đầu tư trong nước mở mới tăng kỷ lục trong năm 2020, đạt gần 394.000, tăng 109% so với năm 2019.

Bên canh đó, khối ngoại mở mới 2.856 tài khoản. Tính chung, lũy kế đến thời điểm cuối năm 2020, tổng số lượng tài khoản chứng khoán tại Việt Nam đạt hơn 2,77 triệu, tăng 16,7% so với cuối năm 2019. Xu hướng này được cơ quan quản lý thị trường nhìn nhận sẽ duy trì trong thời gian tới.

Trong khi đó, nguồn cung hàng mới cho thị trường theo phân tích không quá dồi dào. Tổng mức huy động trên thị trường chứng khoán năm 2020 ước đạt 413.700 tỷ đồng, tăng 30% so với cuối năm 2019, nhưng chỉ tập trung ở trái phiếu chính phủ với gần 350.000 tỷ đồng.

Phát hành cổ phiếu giảm, phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng ghi nhận 39.895 tỷ đồng.

Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch UBCK cho biết, tất cả các hồ sơ doanh nghiệp đăng ký phát hành cổ phiếu ra công chúng năm 2020 đủ điều kiện phát hành đã được cấp phép hết, không còn tồn đọng hồ sơ nào.

Doanh nghiệp phát hành năm 2021 sẽ phải căn cứ vào hồ sơ mới và theo các tiêu chuẩn, điều kiện mới của Luật Chứng khoán và các quy định hướng dẫn Luật. Theo tính toán của giới tư vấn tài chính doanh nghiệp, phải từ cuối quý II/2021, thị trường mới có nguồn cung mới này bổ sung.

Đặc biệt, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết, đăng ký giao dịch được nhận định duy trì tốt vào quý cuối năm 2020 dựa trên dữ liệu quý III đã được các doanh nghiệp công bố.

Cụ thể, số lượng công ty báo cáo có lãi chiếm 84% tổng số công ty đã thực hiện báo cáo trong quý III/2020. Điều này thể hiện doanh nghiệp đã có sức chịu đựng tốt, dù trải qua dịch Covid-19. Theo đó, triển vọng hoạt động năm 2021 tiếp tục sáng.

Ngoài ra, quý I/2021 là thời điểm nhiều ngân hàng lên sàn, chuyển sàn. Theo chia sẻ của ông Trần Văn Dũng, trong quý đầu năm, tất cả các ngân hàng phải lên sàn chứng khoán (trừ 3 ngân hàng bị Ngân hàng Nhà nước mua lại từ những năm trước).

UBCK đã có cuộc làm việc với Ngân hàng Nhà nước về nội dung này và quan điểm được thống nhất là nếu đơn vị nào không tuân thủ quy định, cơ quan quản lý ngành ngân hàng sẽ có hình thức xử phạt hoặc chịu nhiều rào cản kỹ thuật khác trong hoạt động.

OCB, SeABank, SCB, VietABank, PVComBank, BaoVietBank… đưa cổ phiếu lên giao dịch trên thị trường chứng khoán tập trung được kỳ vọng sẽ tạo sự sôi động và thông tin mới mẻ cho thị trường.

Câu chuyện được kỳ vọng còn nằm ở những thông tin và chính sách liên quan đến mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán, đơn cử, UBCK đang tận dụng các chương trình hỗ trợ kỹ thuật của Ngân hàng Thế giới về nâng hạng thị trường trong khuôn khổ Chương trình phát triển thị trường vốn J-CAP.

Động thái này sẽ khiến các tổ chức như FTSE Russell, MSCI duy trì đánh giá tích cực về Việt Nam trong danh sách chờ xét nâng hạng thị trường chứng khoán từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi.

Thị trường đi lên bền vững sẽ tạo ra kết quả “win-win” cho các thành viên thị trường, mà rộng hơn là cả nền kinh tế. Bởi chỉ có như vậy, các doanh nghiệp Việt Nam mới có điều kiện phát hành riêng lẻ hoặc bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài với giá hợp lý hơn, thay vì bị thâu tóm với giá rẻ.

Ông Đào Phúc Tường, chuyên giá chứng khoán nhận xét, thị trường Việt Nam đang bị định giá thấp hơn đáng kể so với các thị trường mới nổi nên giá cổ phiếu còn hấp dẫn trong những năm chờ được nâng hạng.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả