Sau khi lập đỉnh thanh khoản, thị trường chứng khoán bắt đầu hạ nhiệt
Từ đầu năm 2020, dưới tác động của COVID-19, thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua nhiều biến động.
Đỉnh của thanh khoản
Tháng 3.2020, chỉ số VN-Index chạm đáy quanh mốc 649 điểm. Kể từ đó đến tháng 4, thị trường chứng khoán liên tục tăng điểm. Và giai đoạn này, nhà đầu tư thế hệ F0 cũng liên tục đổ vào thị trường. Trong 3 tháng liên tiếp (3,4,5), có tới hơn 102.700 tài khoản giao dịch chứng khoán trong nước được mở mới, trong đó chủ yếu là nhà đầu tư cá nhân. Nhờ vậy, thanh khoản trên thị trường chứng khoán liên tục lập đỉnh mới.
Trong tháng 6, phiên giao dịch 11.6 có khối lượng giao dịch cao nhất lịch sử với hơn 700 triệu đơn vị cổ phiếu được giao dịch, tương đương gần 10.000 tỉ đồng. Trên toàn thị trường, giá trị giao dịch lên tới hơn 11.800 tỉ đồng.
Tiếp theo là phiên giao dịch 15.6, với việc mua thỏa thuận cổ phần Vinhomes của nhà đầu tư nước ngoài, giá trị giao dịch trên sàn HOSE đã đạt mức cao nhất lịch sử. Cụ thể, phiên giao dịch 15.6, một nhóm đầu tư do KKR đứng đầu, trong đó có Temasek, đã trở thành cổ đông thiểu số của Vinhomes, với tổng giá trị đầu tư 15.100 tỉ đồng, tương đương 650 triệu USD.
Thanh khoản thị trường luôn ở mức cao trong thời gian qua, chủ yếu nhờ vào sự đóng góp của nhà đầu tư cá nhân. Trong bối cảnh dòng tiền mới liên tục đổ vào thị trường chứng khoán, giới chuyên gia cũng nhiều lần cảnh báo về rủi ro của thị trường, khi yếu tố cơ bản dường như bị lãng quên.
Trong báo cáo chiến lược được công bố hồi đầu tháng 6, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đánh giá không gian tăng trưởng của thị trường chứng khoán không còn nhiều. Sau khi diễn biến tốt hơn so với các thị trường chứng khoán trong khu vực và trên thế giới, VN-Index đã gần như bắt kịp nhịp hồi của thị trường thế giới trong tháng 5. Hầu hết các cổ phiếu trụ đã hồi phục tốt hơn so với phần còn lại của thị trường. Do đó, VDSC cho rằng lực kéo chỉ số của các cổ phiếu trụ cũng sẽ giảm đi đáng kể so với hai tháng trước đó.
Trong khi đó, dòng tiền từ nhà đầu tư cá nhân trong nước đã bắt đầu mua bán có chọn lọc hơn khi mà khối này bắt đầu luân phiên mua bán ròng trong tháng 5 thay vì mua ròng hoàn toàn trong các tháng trước đó.
Chứng khoán hạ nhiệt
Phải thừa nhận 1 điều, trong giai đoạn từ tháng cuối tháng 3-5, nhà đầu tư đã trải qua cảm giác gần như mã nào cũng có lợi nhuận, cứ mua là lời. Và chứng khoán trở nên đặc biệt thu hút nhà đầu tư mới tham gia.
Bước sang tháng 6, thị trường chứng khoán dường như đã hạ nhiệt khi thanh khoản trên thị trường giảm dần từ giữa tháng 6 tới nay. Trái ngược lại với sắc xanh tháng 5, tháng 6 gần như bị nhấn chìm trong sắc đỏ. Từ đầu tháng 6 đến nay, VN-Index đã giảm gần 50 điểm với những phiên tăng, giảm đan xen.
Phiên giao dịch gần nhất 29.6, sau một thời gian cầm cự, chứng khoán Việt Nam đánh mất điểm khá nặng nề. Trên sàn HOSE, chỉ số VN-Index đã giảm 22,6 điểm, đóng cửa tại 829,36. Ở sàn HNX, chỉ số HNX-Index đánh mất 3,1 điểm, đóng của tại vùng 110,32 điểm.
Với chỉ số VN30-Index số điểm giảm trong phiên 29.6 cũng tương đối lớn, hơn 20,7 điểm và đóng cửa tại mốc 774,8 điểm. Hầu hết các cổ phiếu trong nhóm VN30 đều giảm giá mạnh như SBT, SSI, VPB,…
Khối ngoại vẫn duy trì đà bán ròng trên toàn thị trường, tuy nhiên áp lực bán ròng vẫn duy trì thấp. Ở sàn HOSE, họ bán ròng 147,5 tỉ đồng, tập trung mạnh ở những cổ phiếu như VNM, SSI, VIC, HSG,…
Như vậy là sau một thời gian suy yếu, thị trường chứng khoán đã có ngày giảm điểm mạnh, các chỉ số chính đều đang kiểm tra các ngưỡng hỗ trợ mạnh và chưa có dấu hiệu tích cực.
VDSC đã nhấn mạnh hồi đầu tháng 6.2020, quý II/2020 là quý ghi nhận kết quả kinh doanh tệ nhất đối với nhiều lĩnh vực cũng như tăng trưởng GDP. Cơ hội để mua với mức giá hấp dẫn có thể phát sinh tại thời điểm đó. Hãy tiết kiệm một phần sức mua cho cơ hội như vậy!
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận