menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Chi An

Sau dịch, doanh nghiệp chật vật giữ đơn hàng

Một trong những khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp hiện nay là không thể tăng được công suất hoạt động để kịp giao đơn hàng cho bạn hàng, nhất là bạn hàng nước ngoài.

Nhiều doanh nghiệp (DN) cho rằng nếu từ đầu tháng 11 tới đây không tăng lại công suất lên gần 100% thì không chỉ thua lỗ, mà còn mất thị trường vì khách hàng chuyển đơn hàng đi nơi khác.

Vừa làm vừa lo giữ chân khách hàng

Navigos Search, nhà cung cấp dịch vụ tuyển dụng nhân sự cấp trung và cấp cao, vừa công bố báo cáo cho hay tại miền Bắc, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 ít hơn so với miền Nam nên đa số công ty dệt may vẫn duy trì sản xuất tốt. Rất nhiều công ty có thêm các đơn hàng từ các vùng khác tại châu Á chuyển về Việt Nam.

“Do đó, các công ty dệt may lớn và uy tín có đơn hàng rất ổn định, trong đó có những công ty đã nhận đơn hàng tới tận tháng 4-2022 và vẫn đang cần tuyển thêm lao động. Một số công ty còn cho biết lợi nhuận của họ thậm chí tăng gấp đôi trước đây” - báo cáo của Navigos Search thông tin.

Tuy vậy, ghi nhận thực tế tại nhiều công ty cũng cho thấy dù khách hàng chia sẻ, thấu hiểu việc các đơn hàng chậm giao là do giãn cách xã hội kéo dài nhưng bạn hàng không thể đợi lâu hơn và không thể thông cảm mãi. Đặc biệt, dù dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp nhưng DN tại nhiều nước vẫn mở cửa hoạt động bình thường, giao hàng đúng hẹn. Vì vậy, nếu DN Việt vẫn đóng cửa hoặc không tăng công suất dẫn đến chậm thực hiện hợp đồng thì đối tác nước ngoài sẽ cân nhắc việc chuyển đơn hàng sang quốc gia khác hoặc yêu cầu bồi thường hợp đồng.

Đề cập đến vấn đề này, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.HCM, thông tin hiện nay công ty chưa bị khách hàng hủy hợp đồng hoặc dịch chuyển đơn hàng sang nước khác. Các đơn hàng của ngành dệt may vẫn khá dồi dào. Song điều đáng lo nhất là công suất hoạt động để hoàn thành nhanh tiến độ giao hàng cho khách hàng lại đang gặp khó khăn.

“Lý do là hiện nay, nhiều công ty dệt may chỉ mới hoạt động được 50%-60% công suất. Một phần do lao động đã về quê, phần khác do lao động ở tỉnh chưa được tiêm vaccine nên chưa đủ điều kiện quay lại nhà máy. Trong bối cảnh trên, các DN đang cố gắng tăng công suất, tăng ca để bù đắp thiếu hụt lao động” - ông Hồng lý giải.

Ngành gỗ cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Các nhà máy sản xuất của DN ngành đồ gỗ, nội thất đa phần mới hoạt động được 30%-40% công suất do thiếu lao động, thiếu công nhân. Dù hiện nay các đơn hàng của đối tác nước ngoài vẫn chưa dịch chuyển sang nước khác nhưng ông Trần Quốc Mạnh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Sadaco, cho rằng cần phải tăng công suất mới kịp giao đúng tiến độ đơn hàng.

“Nếu không tăng được công suất từ tháng 11 năm nay thì khách hàng sẽ chuyển đơn hàng là chắc chắn. Vì các bạn hàng ở châu Âu, Mỹ cho biết họ đang tập trung tung hàng khai thác thị trường dịp lễ Noel, đón năm mới 2022. Nếu các DN Việt Nam chậm tiến độ thì họ đặt hàng nơi khác” - ông Mạnh chia sẻ. Ngoài ra, ông Mạnh cho hay với công suất thấp như hiện nay thì các DN lỗ, phải tăng lên 80%-90% may ra mới có chút lợi nhuận.

Thống nhất việc đi lại, tiêm vaccine liên tỉnh cho người lao động

Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (HAWA), đánh giá: Khi các nhà sản xuất, kinh doanh mở cửa trở lại, họ đã chuẩn bị rất kỹ các phương án sống chung an toàn với dịch, có giải pháp khi có ca F0 tại nhà máy.

“Hầu hết công ty đã mua thiết bị y tế dự phòng, thiết lập khu chăm sóc y tế riêng kết nối với y tế địa phương để tổ chức cách ly nếu phát hiện có ca bệnh, cũng như chăm sóc sức khỏe cho người bệnh trong khi chờ địa phương xử lý” - ông Phương dẫn chứng.

Cũng theo ông Phương, một trong những giải pháp quan trọng nhất lúc này là các DN cần truyền thông cho khách hàng quốc tế biết rõ kế hoạch phục hồi để họ không dịch chuyển đơn hàng sang thị trường khác. Đồng thời để các bạn hàng có niềm tin về thị trường hoặc họ sẽ có kế hoạch rõ ràng cho việc đặt hàng. Bản thân HAWA sẽ tiến hành hội thảo truyền thông thị trường cho các khách hàng quốc tế, công bố kế hoạch phục hồi cho các đối tác.

“Truyền thông tích cực nhằm tránh tình trạng đối tác hoảng loạn, rút đơn hàng khỏi Việt Nam. Bên cạnh đó, TP.HCM cũng như các tỉnh, thành phối hợp với DN mở lại sản xuất triển khai chính sách tiêm vaccine liên tỉnh cho người lao động. Ví dụ đưa công nhân ở quê lên TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương rồi tiêm vaccine, hỗ trợ chi phí ăn, ở cho người lao động trong thời gian chờ sau tiêm” - ông Phương đề xuất.

Đặc biệt, các địa phương cần có sự phối hợp đồng bộ để tạo điều kiện thuận tiện cho việc đi lại. Nếu việc đi lại chưa thống nhất, chưa thông suốt thì các DN khó hồi phục sản xuất.

Sau dịch, doanh nghiệp chật vật giữ đơn hàng
Các doanh nghiệp kiến nghị đẩy mạnh tiêm vaccine cho công nhân để có thể hoạt động trở lại bình thường. Ảnh: QUANG HUY

Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM (HUBA), gợi ý: Trước hết, các công ty Việt Nam phải làm việc lại với khách hàng, phân loại khách hàng để tiếp cận cũng như bàn bạc kế hoạch sản xuất, kinh doanh theo khả năng của mình. Về mặt nhà nước, TP.HCM cần có các chính sách xúc tiến thương mại, gọi lại “Refresh TP.HCM”, nghĩa là làm mới lại TP.HCM, qua đó cho khách hàng thấy được TP là điểm đến an toàn, đáng để đầu tư.

Ông Dũng thông tin thêm: Hiệp hội đang chuẩn bị kiến nghị lãnh đạo TP.HCM nhiều giải pháp thúc đẩy phục hồi sản xuất, trong đó có nội dung nên tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại hằng tuần với các nước. Theo đó, TP sẽ đứng ra mời để khách hàng, đối tác thấy được sự trọng thị của chính quyền.

“Về việc thu hút lao động trở lại thì trước hết, bản thân các DN phải chủ động chứ không có ai làm thay được. Các DN phải liên lạc, kết nối lại với người lao động, tạo mọi điều kiện, hỗ trợ về tài chính, đi lại, chỗ ăn, ở… để họ có thể quay lại làm việc. Trên tinh thần đó, chính quyền địa phương sẽ hỗ trợ các thủ tục để đón người lao động đến hoặc vấn đề lưu thông đi lại giữa các địa phương. Đồng thời, cả DN và chính quyền cùng lo khu ở ổn định cho người lao động” - ông Dũng nói.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại