24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Hoa Thanh
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Sáp nhập doanh nghiệp thời COVID-19: Trong nguy có cơ

Những doanh nghiệp trong các nhóm ngành bị ảnh hưởng trực tiếp như du lịch, hàng không, nhà hàng, khách sạn, giáo dục… đã rơi vào tình trạng đình trệ nghiêm trọng kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát trên toàn cầu.

Doanh thu năm 2020 và các năm sau đó của các doanh nghiệp dự kiến sẽ sụt giảm mạnh và thậm chí là lâm vào cảnh thua lỗ hay phá sản. Trong bối cảnh trên, sáp nhập được các doanh nghiệp coi là giải pháp sống còn để họ có thể "cộng sinh" vượt qua giai đoạn khó khăn nhất trong nhiều thập niên qua.

*Khó khăn chồng chất

Tình hình dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp tại Mỹ, các nước châu Âu, Mỹ Latinh… Do đó, tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị vẫn chưa thể khắc phục ngay trong thời gian tới và sẽ tiếp tục gây ảnh hưởng lớn tới các doanh nghiệp trên thế giới đặc biệt những doanh nghiệp tham gia sâu vào mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu.

Theo tờ Financial Times, số doanh nghiệp Mỹ nộp đơn xin bảo hộ phá sản đã tăng mạnh nhất kể từ năm 2013, giữa lúc đại dịch COVID-19 tiếp tục gây ra tình trạng đình trệ trên toàn nước Mỹ.

Trích dẫn số liệu của tổ chức dịch vụ pháp lý Epiq, báo trên cho hay 3.427 doanh nghiệp ở Mỹ đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản theo Chương 11 Luật Phá sản của Mỹ trong nửa đầu năm 2020, xấp xỉ con số 3.491 của nửa đầu năm 2008.
Theo ông Sudeep Kesh, người phụ trách bộ phận nghiên cứu thị trường tín dụng của S&P Global Ratings, các doanh nghiệp nói trên rất khó có thể hoạt động và tồn tại trong tình hình không có doanh thu. Trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, Mỹ ghi nhận có 8.614 công ty phá sản và con số này tăng lên 12.644 trong năm 2009.

Còn theo số liệu của Chính phủ Nhật Bản, lợi nhuận của các doanh nghiệp Nhật Bản trong quý I/2020 đã giảm mạnh nhất kể từ năm 2009, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Lợi nhuận trước thuế của các doanh nghiệp trong nước tham gia cuộc khảo sát hàng quý của Bộ Tài chính Nhật Bản chỉ đạt 15.140 tỷ yen (140 tỷ USD) trong quý I/2020, giảm 32% so với cùng kỳ năm ngoái, ghi dấu quý giảm thứ tư liên tiếp và là mức giảm mạnh nhất kể từ mức giảm 32,4% trong quý III/2009, sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Trong khi đó, Cơ quan Quản lý Tài chính Anh (FCA) cho rằng các ngân hàng ở nước này cần gấp rút chuẩn bị để đối phó với các doanh nghiệp không có khả năng thanh toán những khoản vay đã được nhận nhằm ứng phó với tác động của đại dịch COVID-19.

Hơn 800.000 doanh nghiệp tại Anh đã nhận các khoản vay có tổng trị giá khoảng 34 tỷ bảng (43 tỷ USD) theo cơ chế hỗ trợ của Chính phủ Anh do các lệnh phong tỏa buộc nhiều công ty phải tạm ngừng hoạt động.
Giám đốc FCA, ông Charles Randell, nói rằng một số khoản nợ tồn đọng sẽ khó được hoàn trả và sẽ cần được thanh toán nhanh để tránh cản trở đà phục hồi kinh tế.

Theo ông Randall, các chủ nợ cần nhanh chóng mở rộng các cơ chế vay nợ, đồng thời đầu tư vào việc đào tạo và kiểm soát. Ngoài ra, ông cũng cho rằng cần có một hệ thống giải quyết tranh chấp phù hợp.

Hiện FCA đang phối hợp với Cơ quan Thanh tra Tài chính và Cơ quan Giải quyết Tranh chấp giữa doanh nghiệp và ngân hàng (BBRS) nhằm đảm bảo có đủ năng lực để giải quyết số vụ tranh chấp có thể phát sinh.
*Giải pháp sống còn

Liên minh châu Âu (EU) hồi tháng 6/2020 đã bắt đầu đánh giá lại thương vụ sáp nhập được đề xuất giữa hai công ty đóng tàu lớn của Hàn Quốc, và các nước khác có thể đẩy nhanh hoạt động khảo sát của riêng mình đối với thỏa thuận mà có thể tạo ra một “xưởng đóng tàu” số 1 thế giới.

Hồi tháng 3/2020, Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan điều hành của EU, đã tạm ngừng đánh giá thương vụ mua công ty đóng tàu Daewoo Shipbuilding & Marine Engineering Co. (DSME) của đối thủ đồng hương là Hyundai Heavy Industries Holdings Co. (HHIH) do dịch COVID-19. Tuy nhiên, EC đã bắt đầu lại cuộc điều tra thương vụ trị giá 1,8 tỷ USD này với mục tiêu hoàn tất vào đầu tháng 9/2020.

Trước đó, trong tháng 3/2019, Hyundai Heavy Industries đã ký một thỏa thuận mua 55,72% cổ phần trong Daewoo Shipbuilding theo một thỏa thuận mà có thể tạo ra một doanh nghiệp đóng tàu lớn nhất thế giới nắm giữ 21% thị phần đóng tàu toàn cầu.

Trong khi đó, KB Financial Group, tập đoàn tài chính lớn của Hàn Quốc trong tháng 4/2020, đã ký một thỏa thuận trị giá 2.260 tỷ won (1,86 tỷ USD) để mua lại các hoạt động của Prudential Financial tại Hàn Quốc, qua đó tăng cường hoạt động kinh doanh phi ngân hàng.

Cụ thể là KB Financial đã mua lại toàn bộ cổ phần của Prudential Life Insurance Co. of Korea Ltd. Động thái này được đưa ra ba tháng sau khi Yoon Jong-kyoo, Chủ tịch và Giám đốc điều hành của KB Financial, công bố sẽ theo đuổi các kế hoạch sáp nhập và mua lại các công ty tài chính khác để mở rộng danh mục đầu tư kinh doanh.

“Gã khổng lồ” ngành ngân hàng Hàn Quốc đang chạy đua để mở rộng danh mục đầu tư kinh doanh và đảm bảo các động lực tăng trưởng mới, trong bối cảnh lợi nhuận giảm do ảnh hưởng của dịch COVID-19, lãi suất hạ xuống mức thấp kỷ lục và sự cạnh tranh gay gắt tại thị trường nội địa đang gần như bão hòa.
Cũng trong tháng 4/2020 EC đã cho phép sáp nhập công ty Upjohn, thuộc hãng dược phẩm khổng lồ Pfizer của Mỹ, với công ty dược phẩm Mylan để tạo ra một công ty toàn cầu trong lĩnh vực sản xuất dược phẩm có giá thành rẻ hơn. Vụ sáp nhập nói trên sẽ tạo ra một công ty mới có giá trị khoảng 20 tỷ USD, trong đó Pfizer nắm giữ 57% cổ phần, Mylan kiểm soát phần còn lại.

Thương vụ này nhằm đối phó với tình trạng cạnh tranh ngày càng quyết liệt trong lĩnh vực dược phẩm với các đối thủ Ấn Độ bên cạnh những ảnh hưởng tiêu cực của dịch COVID-19. Công ty mới sẽ chuyên bán các sản phẩm thông dụng như Viagra, thuốc điều trị tăng cholesterol Lipitor và bút tiêm chống dị ứng EpiPen.

Tuy nhiên, theo EC, điều kiện đối với Mylan là họ phải loại bỏ một số loại thuốc nhất định được biết đến do tên hóa học của nó, chứ không có tên thương mại.
Trong khi đó vụ sáp nhập O2 và Virgin Media thành một doanh nghiệp viễn thông có giá trị 38 tỷ bảng Anh (46,6 tỷ USD) có thể làm thay đổi mạnh mẽ thị trường viễn thông Anh và mang lại nhiều sự lựa chọn và giá trị hơn cho hàng triệu người tiêu dùng, doanh nghiệp và khách hàng khu vực công. O2 thuộc sở hữu của Telefonica (Tây Ban Nha) và Virgin Media thuộc sở hữu của của Liberty Global.

Nhà sản xuất thiết bị khoa học Thermo Fisher Scientific của Mỹ mới đây đã nhất trí thâu tóm nhà sản xuất bộ thử xét nghiệm dịch bệnh Qiagen của Hà Lan theo một thỏa thuận trị giá 11,5 tỷ USD.

Hội đồng quản trị cũng như ban giám đốc của Qiagen đã chấp thuận đề xuất của Thermo Fisher mua Qiagen với giá 39 euro/cổ phiếu, theo đó công ty Hà Lan được định giá ở mức 11,5 tỷ USD.

Lực lượng lao động của Qiagen hiện có khoảng 5.100 người, làm việc tại 35 văn phòng trên khắp thế giới. Qiagen đạt doanh thu 1,53 tỷ USD trong năm 2019. Tuy vậy, thương vụ vẫn phải tuân theo các quy định hiện hành./.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả