Sản xuất vàng miếng: Nhà nước có nên tiếp tục độc quyền?
Ngày 20-3-2024, Phó thủ tướng Lê Minh Khái họp với Ngân hàng Nhà nước (NHNN), các bộ, ngành về quản lý thị trường vàng. Tại cuộc họp, NHNN đề xuất thay đổi phương án sản xuất vàng miếng, bỏ cơ chế Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng (SJC), cấp phép sản xuất vàng miếng cho một số doanh nghiệp đủ điều kiện. Đồng thời, NHNN sẽ thực hiện cấp hạn mức sản xuất vàng miếng trong từng thời kỳ phù hợp với mục tiêu chính sách tiền tệ và sự ổn định của nền kinh tế vĩ mô.
Theo đại diện NHNN, việc Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng là giải pháp quan trọng kiểm soát chặt nguồn cung, nhưng từ năm 2014 đến nay cơ quan này chưa đấu thầu bán vàng miếng, tăng cung trên thị trường, và “đây có thể là một trong những nguyên nhân khiến chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC và quốc tế ở mức cao”.
Trước và sau đề xuất này của NHNN, vấn đề sửa Nghị định 24/2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng đã thu hút sự quan tâm, thảo luận của nhiều người. Tạp chí Kinh tế Sài Gòn tiếp tục giới thiệu các ý kiến trao đổi về vấn đề này.
Chênh lệch giá vàng miếng trong nước và thế giới không nằm ở nguyên nhân Nhà nước có độc quyền sản xuất vàng miếng hay không, mà nằm ở nguồn cung vàng có được đảm bảo. Nguồn cung này phụ thuộc vào chính sách hạn ngạch nhập khẩu vốn được quyết định bởi vấn đề tỷ giá và dự trữ ngoại tệ…
Thời gian qua thị trường vàng miếng liên tục biến động với sự chênh lệch giá vàng miếng trong nước so với giá thị trường thế giới lên đến 15-20 triệu đồng/lượng (giá trong nước cao hơn từ 20-25% so với giá thế giới) đã gây áp lực lên các nhà làm chính sách và điều hành thị trường vàng.
Trước tình trạng này, nhiều ý kiến cho rằng nguyên nhân của sự chênh lệch giá vàng miếng là do tác động của Nghị định 24/2012/NĐ-CP, trong đó nội dung quan trọng nhất quy định Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng mang thương hiệu quốc gia để cung cấp cho thị trường. Thực tế có phải như vậy không?
Quay trở lại cách đây 12 năm, khi Nghị định 24 chưa ra đời, thị trường vàng miếng Việt Nam tồn tại nhiều thương hiệu nhưng giá vàng miếng vẫn biến động rất mạnh và chênh lệch cao so với giá vàng thế giới. Không những vậy, mỗi thương hiệu lại có mức giá khác nhau và chênh lệch giá mua vào và bán ra khác nhau. Sự tồn tại nhiều thương hiệu vàng miếng khác nhau tạo nên sự độc quyền sản xuất và kinh doanh vàng miếng ở mỗi doanh nghiệp sở hữu thương hiệu, do đó chính doanh nghiệp này quyết định giá mua – bán của thương hiệu vàng miếng của mình.
Tuy nhiên, cần phải khẳng định rằng, sự chênh lệch giá vàng miếng thời kỳ này không phải là do sự tồn tại của nhiều loại thương hiệu vàng, mà là do chính sách hạn ngạch nhập khẩu vàng nguyên liệu đã hạn chế nguồn cung vàng cho thị trường, đặc biệt là khi tình trạng tỷ giá có sự biến động theo hướng tiền đồng mất giá mạnh so với đô la Mỹ dẫn đến Ngân hàng Nhà nước hạn chế nhập vàng để không gây áp lực lên tiền đồng.
Những diễn biến thực tế của thị trường trước khi Nghị định 24 ra đời có thể khẳng định rằng, chênh lệch giá vàng không nằm ở nguyên nhân Nhà nước có độc quyền sản xuất vàng miếng hay không mà nằm ở nguồn cung vàng có được đảm bảo, mà nguồn cung này phụ thuộc vào chính sách hạn ngạch nhập khẩu vốn được quyết định bởi vấn đề tỷ giá và dự trữ ngoại tệ.
Do vậy, trong bối cảnh cần quản lý chặt chẽ nhập khẩu vàng (phục vụ thị trường kinh doanh vàng miếng) để bảo vệ tỷ giá trong điều kiện dự trữ ngoại tệ còn hạn chế, các nhà làm chính sách hoàn toàn có lý do để độc quyền sản xuất và kinh doanh vàng miếng khi:
Thứ nhất, vàng miếng là hàng hóa có tính đồng nhất, có quy cách, chất lượng hoàn toàn tương đồng giữa các thương hiệu. Mục đích sử dụng vàng miếng chỉ để cất trữ cho nhu cầu tiết kiệm hoặc đầu tư. Do vậy, về mặt lý thuyết, các thương hiệu vàng miếng chỉ có thể cạnh tranh với nhau thông qua giá cả. Điều này là phi lý bởi vì về cơ bản, với chất lượng tương đồng thì giá cả các thương hiệu vàng miếng phải bằng nhau.
Thứ hai, đặc điểm sản xuất, gia công và kinh doanh vàng miếng ở Việt Nam cho thấy rằng mỗi doanh nghiệp sản xuất, gia công vàng miếng đều nắm giữ vị thế độc quyền trong hoạt động sản xuất, gia công và kinh doanh vàng miếng của mình. Điều này thể hiện ở chỗ các doanh nghiệp quyết định giá mua, giá bán và do đó mức chênh lệch giá mua, giá bán đối với thương hiệu vàng miếng của mình.
Tình trạng này xảy ra sẽ tạo nên một sự hỗn loạn về giá trên thị trường vàng Việt Nam trong thời gian tới mà người hưởng lợi ở đây chính là các doanh nghiệp sản xuất, gia công và kinh doanh vàng miếng và người chịu thiệt không ai khác là nhà đầu tư. Điều này chứng tỏ rằng, lợi ích lớn nhất của các doanh nghiệp không nằm ở khâu sản xuất, gia công mà nằm ở khâu kinh doanh độc quyền các thương hiệu vàng miếng mà họ sản xuất, gia công.
Nói cách khác, sự tồn tại của càng nhiều thương hiệu vàng miếng khác nhau càng tạo nên nhiều doanh nghiệp độc quyền và sự rối loạn về giá trên thị trường vàng chứ không mang lại thị trường vàng cạnh tranh như nhiều người kỳ vọng.
Ngoài ra, nếu vẫn giữ thương hiệu vàng miếng quốc gia duy nhất và giao quyền sản xuất cho nhiều doanh nghiệp khác nhau, thực chất là chuyển giao từ độc quyền nhà nước sang độc quyền doanh nghiệp mà người hưởng lợi từ Nhà nước (từ người dân) sang các doanh nghiệp, điều này sẽ dẫn đến tình trạng xin – cho và có thể dẫn đến tiêu cực trong việc cấp phép sản xuất.
Thứ ba, sản xuất, gia công vàng miếng là hoạt động hầu như không có sáng tạo, công nghệ sản xuất tương đối đơn giản. Do vậy, việc để nhiều doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, gia công vàng miếng là không cần thiết và lãng phí nguồn lực xã hội do các doanh nghiệp này đều sẽ không đạt được lợi thế theo quy mô.
Những phân tích trên cho thấy rằng, cốt lõi của sự chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế không nằm ở tình trạng độc quyền thương hiệu và sản xuất vàng miếng. Do vậy, việc phá bỏ sự độc quyền này không những không giúp giảm sự chênh lệch giá vàng mà trong nhiều trường hợp sẽ gây ra tình trạng loạn giá vàng, tăng nhập lậu vàng gây ảnh hưởng đến tỷ giá thị trường tự do và qua đó gây áp lực lên tỷ giá thị trường chính thức và bất ổn vĩ mô.
Ở khía cạnh khác, việc bình ổn thị trường vàng cần nhìn nhận trên hai khía cạnh:
Khía cạnh 1: chênh lệch giá vàng miếng trong nước và thế giới chỉ được phá bỏ khi có sự liên thông liền mạch giữa hai thị trường. Nghĩa là xóa bỏ chính sách hạn ngạch để nguồn cung vàng trong nước luôn đáp ứng được nhu cầu. Điều này phụ thuộc vào khả năng bảo vệ tỷ giá của Chính phủ khi mà việc nhập khẩu vàng có khả năng gây mất cân bằng cung cầu ngoại tệ.
Khía cạnh 2: bình ổn thị trường vàng miếng có nên là ưu tiên chính sách của Chính phủ hay không khi mà chúng ta luôn ưu tiên chống vàng hóa và tìm nhiều giải pháp để huy động vàng trong dân vào hoạt động đầu tư. Một thị trường vàng miếng (vốn là nơi mà nhà đầu tư chủ yếu là người có tài sản lớn, thu nhập cao) có sự chênh lệch cao so với thế giới sẽ làm gia tăng rủi ro đầu tư và nắm giữ, do đó sẽ hạn chế dòng tiền vào thị trường này. Bởi lẽ, trong dài hạn, việc nắm giữ vàng miếng là không có lợi so với các kênh đầu tư khác.
Như vậy, có thể thấy rằng thị trường vàng miếng có bình ổn hay không phụ thuộc vào ưu tiên chính sách của Chính phủ, trong đó có thể cần có sự đánh đổi ở mức độ nào đó giữa tỷ giá và giá vàng chứ không phụ thuộc vào tình trạng độc quyền sản xuất vàng miếng của Nhà nước.
Trong dài hạn, thị trường vàng miếng sẽ tự bình ổn khi mà dự trữ ngoại hối của chúng ta được cải thiện trên nền tảng thặng dư thương mại và thặng dư cán cân tổng thể hiện nay được duy trì tích cực trong các năm đến.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận