Sacombank dưới thời đại gia Dương Công Minh kinh doanh ra sao?
Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank – mã chứng khoán: STB) là một trong số những ngân hàng TMCP đầu tiên của Việt Nam. Đây cũng là một trong số ít ngân hàng trải qua nhiều đời “sếp” dẫn dắt nổi tiếng nhất trên thương trường như doanh nhân Đặng Văn Thành, Trầm Bê, và hiện tại là ông Dương Công Minh.
Không tính đến các Ngân hàng thương mại Nhà nước, thì những năm cuối thế kỷ 20, và thập niên đầu của thế kỷ 21, nhắc đến ngành ngân hàng, giới tài chính vẫn đồn nhau câu “bộ 3 quyền lực phía Nam” để nói về 3 ngân hàng Sacombank, Eximbank và ACB.
Thành lập năm 1991, bắt đầu từ việc hợp nhất hợp tác xã tín dụng đang lâm vào tình trạng khó khăn lúc đó, Sacombank ban đầu gắn liền với tên tuổi doanh nhân Đặng Văn Thành, là cổ đông sáng lập.
Với hệ sinh thái Thành Thành Công cùng đế chế mía đường phía sau, ông Đặng Văn Thành với cương vị Chủ tịch HĐQT Sacombank từ 1994-2012, đưa Sacombank từng bước trở thành một thế lực mới ngành ngân hàng.
Dưới thời Đặng Văn Thành, Sacombank đã tạo nên được nhiều những “cái đầu tiên” cho ngành tài chính Việt Nam, cũng là ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam đưa cổ phiếu lên niêm yết trên HoSE vào năm 2006.
Năm 2012, ngành ngân hàng xảy ra nhiều biến cố, bắt đầu từ việc ông Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên) bị bắt. Sacombank cũng nổi sóng ngầm, một cuộc “thay máu” diễn ra, một nhân tố mới xuất hiện tại Sacombank - Trầm Bê.
Tuy vậy sóng gió chưa hết, năm 2017, hai “sếp lớn” của Sacombank là Trầm Bê và Phan Huy Khang bị bắt liên quan đại án Phạm Công Danh, Sacombank bước vào thời kỳ mới với Chủ tịch HĐQT Dương Công Minh.
Ngay khi lên nắm quyền tại Sacombank, một trong những dự định đầu tiên của ông Dương Công Minh trên cương vị Chủ tịch HĐQT là việc “chuyển nhà, đổi mã chứng khoán”.
Khi có hơn chục năm niêm yết trên HoSE, Sacombank lúc đó bất ngờ lấy ý kiến cổ đông về việc chuyển sàn niêm yết sang HNX và đổi mã chứng khoán từ STB thành SCM. Tuy vậy đề xuất này vấp phải sự phản đối, và Sacombank vẫn ở lại sàn HoSE với mã chứng khoán STB.
Dưới thời “tướng” Dương Công Minh, quy mô tổng tài sản của Sacombank tăng mạnh từ dưới 369.000 tỷ đồng trước năm 2018, lên đến gần 674.400 tỷ đồng vào cuối năm 2023 vừa qua. Tổng tài sản gia tăng, nợ phải trả cũng tăng mạnh, chiếm 93% tổng tài sản.
Đáng chú ý, quy mô tài sản, nợ tăng, nhưng Sacombank vẫn giữ nguyên vốn điều lên từ 2015 đến nay, ở mức 18.852 tỷ đồng – là một trong số ít các ngân hàng không tăng vốn trong nhiều năm liên tiếp.
Về tình hình kinh doanh, lợi nhuận của Sacombank đã có sự đột biến mấy năm trở lại đây, từ mức gần 1.200 tỷ đồng năm 2017 đã vượt 7.700 tỷ đồng năm 2023 vừa qua, tăng 53% so với số lãi hơn 5.000 tỷ đồng đạt được năm 2022.
Năm 2023 sacombank ghi nhận là thu nhập hoạt động 26.173 tỷ đồng - đi ngang so với cùng kỳ; trong khi chi phí hoạt động tăng mạnh 18% so với cùng kỳ. Sacombank lãi lớn năm 2023, tăng mạnh 535 chủ yếu nhờ khoản trích lập dự phòng chi phí rủi ro tín dụng giảm từ 8.881 tỷ đồng năm ngoái xuống còn 3.688 tỷ đồng, tương ứn giảm 52%.
Dư nợ cho vay khách hàng đến 31/12/2023 đạt 482.731 tỷ đồng, tăng 10% so với đầu năm, trong đó tỷ lệ nợ xấu bất ngờ gia tăng, từ dưới 1% hồi đầu năm lên 2,28%, trong đó có 4.900 tỷ đồng nợ có khả năng mất vốn và gần 4.600 tỷ đồng nợ nghi ngờ. Sacombank cũng ghi nhận trong số dư nợ cho vay khách hàng, có đến 63% là cho vay ngắn hạn.
Tổng huy động từ khách hàng đến hết năm 2023 đạt 510.744 tỷ đồng, tăng 12,3% so với nửa đầu năm ngoái, trong đó tiền gửi không kỳ hạn chiếm 18,3%.
Báo cáo cũng ghi nhận giá trị chứng khoán đầu tư của Sacombank đến hết năm 2023 đạt 52.086 tỷ đồng, tăng đột biến 27,3% so với thời điểm đầu năm, trong đó đáng chú ý là khoản trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành trị giá 16.432 tỷ đồng.
Trái phiếu VAMC là trái phiếu do Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam phát hành nhằm mục đích mua lại nợ xấu của ngân hàng. Sacombank đã phải trích lập dự phòng 14.600 tỷ đồng cho khoản này.
Lượnng tài sản đảm bảo tại Sacombank cũng là con số "khủng". Tính đến hết năm 2023, tổng giá trị tài sản, giấy tờ có giá thế chấp tại Sacombank đạt 889.079 tỷ đồng, trong đó giá trị bất động sản đạt 774.017 tỷ đồng, chiếm 87% tổng giá trị tài sản thế chấp...
Giá trị bất động sản là tài sản thế chấp tại Sacombank còn lớn hơn tổng tài sản của ngân hàng tại thời điểm 31/12/2023 và tăng 8% so với thời điểm đầu năm.
Trên thị trường chứng khoán, phiên sáng 2/4, cổ phiếu STB bất ngờ bị giảm mạnh. Đặc biệt, lượng giao dịch STB tăng vọt, tính đến 10h09 đã có hơn 47 triệu cổ phiếu được khớp lệnh, giá trị gần 1,417 tỷ đồng. Mới chỉ 1 tiếng đồng hồ giao dịch nhưng thanh khoản STB đã ở mức cao nhất trong hơn nửa năm trở lại đây.
Nhà đầu tư nước ngoài cũng có động thái bán ròng STB trong những phút giao dịch đầu tiên của phiên hôm nay. Khối ngoại đã bán ròng hơn 2 triệu cổ phiếu STB trong chưa đầy 1 tiếng kể từ khi mở cửa.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận