S&P Global: Nga - Đức gián đoạn thương mại có thể tạo ra cú sốc tài chính
Gián đoạn thương mại với Nga có thể ảnh hưởng đến ngành sản xuất của Đức, theo kinh tế gia trưởng Paul Gruenwald của S&P Global.
Một cú sốc tài chính hoàn toàn có thể xảy ra nếu như “sự đứt gãy thương mại” giữa Nga và Đức trở thành hiện thực, theo cảnh báo đến từ nhà kinh tế học trưởng của S&P Global.
“Nói về một viễn cảnh tiêu cực, có một số khả năng có thể xảy ra, nhưng chúng tôi cho rằng điều thực sự có ảnh hưởng tới tình hình kinh tế vĩ mô đó chính là một sự cố gián đoạn thương mại giữa Nga và châu Âu”, Paul Gruenwald chia sẻ.
“Đây không chỉ đơn giản là sự gián đoạn nguồn cung khí đốt, cho dù là Đức ngừng nhập khẩu hay Nga tạm dừng cung cấp”.
Sau khi Nga gia tăng hoạt động quân sự trên lãnh thổ Ukraine, một vài quốc gia lớn, trong đó bao gồm Mỹ, Nhật Bản và Canada liên tiếp áp dụng các lệnh trừng phạt lên quốc gia này. Liên minh châu Âu cũng đang cân nhắc liệu họ có nên cấm nhập khẩu dầu mỏ từ Nga hay không, và cũng cam kết sẽ giảm sự phụ thuộc vào nguồn khí đốt nhập khẩu từ Nga.
Về phần mình, Nga đã buộc các quốc gia “thiếu thân thiện” phải sử dụng đồng ruble để thanh toán các khoản thu mua khí đốt. Những quốc gia “thiếu thân thiện” nói trên chính là những quốc gia áp đặt các biện pháp cấm vận nặng nề nhằm cô lập nền kinh tế Nga.
Nhập khẩu (đường màu vàng) và xuất khẩu của Đức với Nga qua các năm. |
Liên minh châu Âu nhập khẩu khoảng 40% tổng sản lượng khí đốt của mình từ Nga qua các hệ thống đường ống của quốc gia này và khoảng 25% trong số đó chảy qua lãnh thổ Ukraine.
Gruenwald bổ sung rằng: “Chúng ta đã chứng kiến giá năng lượng tăng vọt, giá hàng hóa cũng tăng vọt, sản lượng công nghiệp của cũng bị ảnh hưởng vì những nguyên liệu nhập khẩu như nickel và titan cũng như nhiều mặt hàng khác bị hạn chế”.
Công ty nghiên cứu và tư vấn Wood Mackenzie cũng đưa ra cảnh báo rằng nền kinh tế toàn cầu có thể sẽ phải đối diện với “những thay đổi mang tính lâu dài” với việc thương mại toàn cầu có thể sẽ bị thay thế bởi khủng hoảng.
“Nếu như đại dịch Covid-19 nhấn mạnh nhu cầu rút ngắn các chuỗi cung ứng, thì cuộc chiến tại Ukraine lại nhấn mạnh tầm quan trọng việc các quốc gia phải có được cho mình những đối tác thương mại đáng tin cậy”, giám đốc nghiên cứu Peter Martin viết trong một báo cáo hôm 12/4.
Những động lực này có thể dẫn tới một sự thay đổi đối với trật tự thương mại toàn cầu. Nền kinh tế thế giới sẽ trở nên cục bộ hơn- chuỗi cung ứng gói gọn lại chỉ còn những đối tác thương mại “đáng tin cậy”.
Thương mại giữa Đức và Nga
Một sự đứt gãy thương mại giữa Đức và Nga sẽ ảnh hưởng nặng nề tới ngành công nghiệp sản xuất của Đức - một trong ba trung tâm sản xuất lớn của thế giới bên cạnh Mỹ và Trung Quốc, Gruenwald cho biết.
“Điều này sẽ kéo giảm GDP, tăng tỷ lệ thất nghiệp và kéo giảm mức độ tự tin của người tiêu dùng, và sau đó, chúng ta sẽ phải đối mặt với một cú sốc tài chính. Đó chính là viễn cảnh mà chúng ta đều lo lắng rằng nó sẽ ảnh hưởng tới tình hình kinh tế vĩ mô”, ông cảnh báo.
Thương mại giữa Đức và Nga tăng mạnh trong năm 2021, so với một năm trước đó, với tổng giá trị hàng hóa tăng 34,1% lên 65 tỷ USD, theo Văn phòng thống kê liên bang Đức.
Nhập khẩu của Đức từ Nga cũng tăng nhanh trong năm 2021, với 54,2% so với năm 2020. Xuất khẩu cũng gia tăng nhưng với tốc độ chậm hơn 15,4%.
Các sản phẩm chính mà Đức xuất khẩu sang Nga bao gồm phương tiện giao thông, máy móc, xe kéo và các sản phẩm hóa chất, theo Văn phòng thống kê liên bang Đức. Trong khi đó, những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Nga sang Đức là dầu thô, khí tự nhiên, kim loại và than.
Nga chiếm 2,3% tổng kim ngạch thương mại nước ngoài của Đức, và là đối tác nhập khẩu quan trọng thứ 4 của Đức bên ngoài Liên minh châu Âu trong năm 2021.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận