Rục rịch chuyện Vinachem thoái vốn, Hóa chất miền Nam (CSV) đang kinh doanh ra sao?
Cổ phiếu CSV đã tăng 12,6% tuần qua, một phần nhờ những đồn đoán quanh chuyện công ty mẹ Vinachem bán vốn. Trong khi đó, kết quả kinh doanh kỳ này lại không mấy sáng như diễn biến trên sàn.
CTCP Hóa chất miền Nam (mã CSV) tiếp tục ghi nhận quý thứ ba liên tiếp kinh doanh tăng trưởng âm về cả doanh thu và lợi nhuận. Theo báo cáo tài chính của công ty mẹ (hiện Hóa chất miền Nam chưa công bố báo cáo hợp nhất), doanh thu thuần từ hoạt động bán hàng đạt 263,1 tỷ đồng, giảm 20,5% cùng kỳ và là mức thấp nhất kể từ quý II/2014. Tỷ suất lợi nhuận gộp cũng thấp hơn cùng kỳ. Tuy nhiên, nhờ nhận thêm khoản cổ tức được chia hơn 5,9 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp chỉ giảm 17,65% so với cùng kỳ, đạt 61 tỷ đồng.
Theo ông Lê Thanh Bình - Tổng giám đốc công ty Hóa chất miền Nam, sản lượng tiêu thụ các sản phẩm chính của công ty đã giảm mạnh như NaOH 32% (-33%), H2SO4 (-76%). Đồng thời, giá bán bình quân hai nhóm trên giảm lần lượt 10% và 33% so với cùng kỳ năm trước. Đồng thời, do sản lượng một số sản phẩm giảm, công ty cũng tiết giảm được chi phí bán hàng (giảm 4,2%) và chi phí quản lý (giảm 6,45%).
Như vậy, trong 9 tháng đầu năm, công ty mẹ Hóa chất miền Nam giảm 17,7% doanh thu và gần 16,1% lợi nhuận trước thuế.
Cầu tiêu thụ giảm, Hóa chất miền Nam chủ động giảm đáng kể các khoản vay nợ ngân hàng với tỷ trọng trong cơ cấu nguồn vốn từ mức 15% hồi đầu năm xuống còn chưa đến 9,5%. Đồng thời, công ty còn giảm tiền gửi không kỳ hạn, gia tăng tiền gửi 3-12 tháng. Giá trị các khoản tiền và tiền gửi ngân hàng ngày 30/9 đạt gần 300 tỷ đồng, tăng 30% so với đầu năm.
Kết quả kinh doanh của Hóa chất miền Nam 2 năm gần đây
Quy mô tài sản hiện ở mức 1.212 tỷ đồng, vẫn tăng nhẹ so với thời điểm đầu năm. Do công ty vừa chi trả cổ tức vào cuối tháng 7 cùng với phần lợi nhuận tích lũy thêm khá khiêm tốn do kết quả kinh doanh giảm, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đến 30/9 chỉ còn 144 tỷ đồng. Cùng với mức vốn điều lệ 442 tỷ đồng và các khoản quỹ, vốn chủ sở hữu của Hóa chất miền Nam hiện là 1.012,3 tỷ đồng. Giá trị sổ sách trên mỗi cổ phiếu xấp xỉ 22.850 đồng/cổ phiếu.
Giá cổ phiếu CSV đã tăng tới 12,6% trong tuần qua và đóng cửa cuối tuần này ở mức 30.900 đồng/cổ phiếu. Trong đó, hai phiên giữa tuần, cổ phiếu này đã tăng kịch biên độ cùng khối lượng giao dịch tăng đột biến lên 600.000 – 800.000 đơn vị.
Đã có những tin đồn xung quanh kế hoạch giảm tỷ lệ sở hữu của Vinachem tại công ty, từ mức 65% hiện tại xuống 51% như được phê duyệt trước đây. Theo đó, việc đấu giá dự kiến được thực hiện qua hình thức đấu giá công khai tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.Hồ Chí Minh với giá khơi điểm gấp 4-5 lần thị giá hiện tại.
Không hiếm các trường hợp bán vốn nhà nước mà giá khởi điểm được xác định ở mức cao khi tính đến giá trị của các tài sản như bất động sản. Khá nhiều trong số này ghi nhận kết quả không mấy thành công như chính đợt chào bán cổ phần DGC của Vinachem hồi đầu năm 2020 hay đợt đấu giá Nhiệt điện Hải Phòng của SCIC…
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận