Room tín dụng được nới, nhóm ngành nào hưởng lợi?
Khi dòng tiền được khơi thông, một trong những ngành có khả năng được ưu tiên đó là đầu tư công và sản xuất.
Mặc dù room tín dụng đã được nới, tuy nhiên bối cảnh vĩ mô hiện tại được đánh giá vẫn còn nhiều khó khăn.
Nút thắt chưa được gỡ
Trước tình hình tác động từ bên ngoài dịu bớt, thanh khoản của hệ thống các tổ chức tín dụng cải thiện hơn. Ngày 5/12 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quyết định điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng định hướng năm 2022 thêm khoảng 1,5 - 2% cho toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng cân đối vốn phù hợp để cấp tín dụng, tập trung vốn vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp phụ trợ…, các động lực tăng trưởng theo đúng chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Về tác động của việc nới room đối với các nhóm ngành trên thị trường, Phóng viên Nhịp Cầu Đầu Tư đã có cuộc trao đổi ngắn với bà Hồ Nguyễn Thủy Tiên, Giám đốc Khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC).
Theo bà Thủy Tiên, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng định hướng năm 2022 thêm khoảng 1,5 - 2% cho toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, quy mô tín dụng có thể tăng thêm khoảng 150.000-200.000 tỉ đồng, điều này sẽ có sự tích cực nhất định trong ngắn hạn.
“Tuy nhiên, xét về yếu tố vĩ mô, khi lãi suất vẫn còn cao, nút thắt trái phiếu vẫn chưa được tháo gỡ hoàn toàn, lạm phát còn, xuất khẩu vẫn gặp khó, thì tôi nghĩ tác động này sẽ không tích cực cho 1 xu hướng dài hạn”, bà Thủy Tiên chia sẻ với Nhịp Cầu Đầu Tư.
Xét về các nhóm ngành, bà Thủy Tiên cho rằng các nhóm ngành như ngân hàng, đầu tư công, sản xuất trong nước sẽ phần nào được hưởng lợi. Lãi suất tăng thời gian qua đến chủ yếu từ việc hạn chế room tín dụng, nên khi room tín dụng được nới thêm 1 tỉ lệ nhất định, sẽ tác động tích cực tới ngành ngân hàng. Và khi dòng tiền được khơi thông, một trong những ngành có khả năng được ưu tiên đó là đầu tư công và sản xuất.
Tránh FOMO mua đuổi
Nhìn nhận về bối cảnh thị trường chứng khoán, kể từ khi giảm về dưới vùng 900 điểm ở phiên 16/11, thị trường đã kích hoạt được một lực cầu giá thấp rất lớn. Thị trường liên tục hồi phục mạnh mẽ lên tiệm cận vùng 1.100 điểm, trước khi có sự điều chỉnh mạnh (hơn 45 điểm) ở phiên giao dịch 6/12.
Điểm đáng chú ý ở đợt phục hồi lần này, dòng tiền ở thị trường ở trạng thái khá dồi dào, nhóm cổ phiếu trụ như ngân hàng, bất động sản, chứng khoán và thép ghi nhận sự phục hồi mạnh và thường xuyên hút tiền. Dòng tiền từ khối ngoại tiếp tục được đẩy mạnh tạo động lực cho dòng tiền cá nhân tham gia tìm cơ hội ngắn hạn giúp thị trường giao dịch sôi động.
Tuy nhiên, thị trường thời gian qua phục hồi, nhiều cổ phiếu được “kéo dựng đứng” và gần như không có điểm vào. Và phiên giao dịch 6/12 là phiên rung lắc mạnh đầu tiên để từ khi hồi phục từ đáy. Chỉ số VN-Index kết phiên này giảm hơn gần 45 điểm, lùi về mốc 1.048 điểm. Toàn sàn HOSE có tới 391 mã giảm, trong đó có 95 mã giảm sàn, gấp nhiều lần so với 87 mã tăng. Giá trị giao dịch ở sàn HOSE cũng đạt mức cao với hơn 23.500 tỉ đồng được giao dịch. Nhóm VN30 cũng không ngoại lệ với 30/30 mã giảm, trong đó có tới 9 mã giảm sàn, khiến chỉ số này giảm gần 57 điểm. Nhiều cổ phiếu phục hồi mạnh trong thời gian qua đã đồng loạt nằm sàn, trong số đó có nhiều cổ phiếu bất động sản, thép và ngân hàng.
Chia sẻ với Nhịp Cầu Đầu Tư, bà Thủy Tiên đánh giá dòng tiền những phiên gần đây có dấu hiệu vào thị trường khá mạnh, nhưng có sự phân bổ và phân hóa giữa các nhóm ngành, nhóm cổ phiếu khá lớn. “Những cổ phiếu giảm mạnh nhất, đã có sự hồi phục khá nhanh trong thời gian qua, nhiều cổ phiếu tăng 50-70% trong một thời gian rất ngắn, nên quan điểm của tôi vẫn là thận trọng. Nhà đầu tư nên tránh mua đuổi cổ phiếu tăng nóng thời gian qua, nên dừng lại quan sát, chờ cơ hội giải ngân ở các cổ phiếu có tiềm năng ở những nhịp điều chỉnh nhất định của thị trường”, bà Thủy Tiên chia sẻ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận