Rối ren tại Techgel
Liên hoàn những công văn truy thu tiền từ các lãnh đạo hoặc cựu lãnh đạo, đến việc biến động bộ máy nhân sự chủ chốt đang diễn ra tại CTCP Kỹ thuật Công nghệ Sài Gòn (Techgel) những ngày gần đây. Vừa qua, sự kiện một cá nhân từng là Phó trưởng phòng nhân sự bị tố giác như giọt nước tràn ly.
Phó phòng nhân sự bị công an tuy tìm
Theo Báo Công an TPHCM, ngày 12/06, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an TPHCM cho biết đang giải quyết tin báo tố giác tội phạm từ CTCP Kỹ thuật Công nghệ Sài Gòn (Techgel). Người bị tố cáo là bà Nguyễn Thị Vân Anh - Phó trưởng phòng nhân sự của công ty. Để phục vụ công tác điều tra, xác minh các vụ việc liên quan, Cơ quan CSĐT Công an TPHCM đã ra thông báo truy tìm đối với bà Vân Anh.
Bà Vân Anh bị tố đã lợi dụng vị trí làm việc của mình, sử dụng nhiều tài khoản của các cá nhân khác nhau, đưa vào danh sách chi lương tài khoản mang tên nhiều cá nhân không phải nhân viên công ty để nhận lương, như Vũ Anh Tình, Trần Đình Tuấn, Trần Đình Quỳnh, Trần Đình Du, Bùi Văn Thắng (sinh năm 1987), Bùi Văn Thắng (2001), Nguyễn Ngọc Linh, Lê Ngọc Trinh, Nguyễn Anh Cảnh, Lang Chí Thành, Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Hữu Trí, Đặng Ngọc Huỳnh. Qua đó, chiếm đoạt tổng số tiền hơn 5.5 tỷ đồng. Sau đó, bà Vân Anh nghỉ việc, cắt liên lạc, hiện ở đâu, làm gì không rõ.
Trước đó vào ngày 30/01, Techgel có thông báo khẩn về hành vi chiếm đoạt tài sản Công ty của bà Vân Anh (do ông Nguyễn Tấn Minh – Tổng Giám đốc ký). Thông báo cho biết trong quá trình rà soát sổ sách từ 2020-2023 đã phát hiện bà Vân Anh có hành vi kê khai khống số lượng nhân viên không phải là người của Công ty tham gia chế độ Bảo hiểm Xã hội và nhận lương, thưởng và các chế độ khác theo quy định mà bà Vân Anh là người trực tiếp tính lương, thưởng và các chế độ bảo hiểm theo lương. Từ vụ việc này, Techgel cho rằng bà Vân Anh đã có hành vi vi phạm pháp luật. Công ty cũng cho hay đã hoàn thành thủ tục trình báo cơ quan Công an.
Ngày 23/04/2024, Techgel có thông báo yêu cầu 95 cá nhân còn công nợ tạm ứng, liên hệ trực tiếp thủ quỹ và kế toán trưởng Techgel để thực hiện nghĩa vụ hoàn ứng, thời hạn đến hết ngày 03/05.
Theo danh sách công bố, số dư cuối là gần 27 tỷ đồng. Tuy nhiên, phòng tài chính – kế toán Techgel cho biết số liệu này không đảm bảo mức độ chính xác do đang kiểm tra lại số liệu chi tiết của từng cá nhân.
Cần thu hồi hàng tỷ đồng từ nhiều cựu lãnh đạo
Theo ghi nhận của người viết, trong ngày 11/06, Techgel liên tục đăng tải công văn gửi đến hàng loạt cá nhân được cho là đã nhận các khoản tiền thưởng từ Techgel nhưng không được hạch toán trên sổ sách kế toán trong giai đoạn 2019-2022, đồng thời Công ty yêu cầu hoàn trả tiền trước ngày 20/06. Các công văn do ông Nguyễn Đỗ Vũ – Đại diện pháp luật Công ty ký.
Cụ thể, Techgel yêu cầu ông Đặng Công Ngôn hoàn trả gần 4.2 tỷ đồng, ông Nguyễn Tấn Minh gần 824 triệu đồng, ông Phạm Thành Đẹp hơn 635 triệu đồng, ông Đoàn Tường Vinh gần 427 triệu đồng, ông Đặng Quang Huy hơn 243 triệu đồng.
Hàng loạt công văn yêu cầu hoàn trả tiền của Techgel - Ảnh chụp màn hình
Ngày 07/06, Techgel cũng đăng tải loạt công văn do ông Nguyễn Đỗ Vũ ký, yêu cầu nhiều cá nhân hoàn trả tiền trước ngày 20/06, đối với các khoản tiền nhận được từ Techgel trong giai đoạn 2020-2022 nhưng không được hạch toán trên sổ sách kế toán. Trong đó, yêu cầu ông Phạm Thành Đẹp hoàn trả gần 2 tỷ đồng, ông Đặng Công Ngôn hơn 7.1 tỷ đồng, ông Đoàn Tường Vinh 122 triệu đồng, ông Đặng Quang Huy 82 triệu đồng.
Trước đó, trong ngày 21/05, HĐQT Techgel quyết định thu hồi các khoản lương, thưởng không hợp lệ, không đúng quy định Công ty. Lần này, quyết định được ký bởi ông Lê Công Hùng – Chủ tịch HĐQT.
Đồng thời, Techgel cũng công bố kèm theo bảng thống kê chi thưởng giai đoạn 2018-2023, tổng giá trị hơn 33 tỷ đồng, bao gồm nhiều khoản chi không có chứng từ. Bảng thống kê có chữ ký của ông Nguyễn Tấn Minh – Tổng Giám đốc và ông Đoàn Tường Vinh – Phó Tổng Giám đốc.
Nguồn: Techgel
Ngày 14/05, HĐQT Techgel có quyết định (được ký bởi Chủ tịch Lê Công Hùng) tạm hoãn thanh toán lương đối với Tổng Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc tài chính – dự án, Kế toán trưởng, Thủ quỹ và các Trưởng phòng ban liên quan.
Ngày 08/05, HĐQT ra quyết định (ký bởi Chủ tịch Lê Công Hùng) thu hồi hai khoản vay 29.5 tỷ đồng và 83.4 tỷ đồng của ông Đặng Công Cường. Cùng ngày, HĐQT cũng yêu cầu ban lãnh đạo, Giám đốc tài chính, Kế toán trưởng, Thủ quỹ rà soát hồ sơ, làm rõ tất cả khoản vay ngân hàng không tuân thủ đúng quy định pháp luật; rà soát hồ sơ, báo cáo chi tiết số liệu các hợp đồng chủ đầu tư chênh lệch giá ở các dự án Thái Hòa, Charm Long Hải, Charm Bình Dương, Madision, Deltech, Hateco.
Nhiều cá nhân bị gọi tên “thu hồi tiền” nêu trên từng là Thành viên HĐQT Techgel, như ông Nguyễn Tấn Minh, Đặng Công Cường, Đoàn Tường Vinh.
Đáng chú ý, theo biên bản ĐHĐCĐ bất thường lần 2 diễn ra ngày 24/04 (do Chủ tịch Lê Công Hùng ký), ông Nguyễn Tấn Minh – cùng tên với người bị Techgel yêu cầu hoàn trả tiền vào ngày 11/06 – đã có mặt trong Đoàn Chủ tịch với vai trò Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc, tham gia thảo luận với cổ đông.
Trước yêu cầu của cổ đông về việc làm rõ giá trị chênh lệch trên hợp đồng dẫn đến rủi ro tài chính, pháp lý; số tiền thuế giá trị gia tăng bị loại do điều chỉnh giảm giá trị đầu vào; những người chịu trách nhiệm cho các vấn đề khó khăn Công ty đang đối mặt; phương án xử lý tiếp theo, ông Minh giải thích rằng: “Hệ lụy từ giai đoạn trước, tất cả có quá trình trách nhiệm của từng người, tôi cũng là người kế thừa. Các khoản thu theo BCTC nhưng thực chất không thu được nên thực tế phải trích lập dự phòng khoản khó đòi thì BCTC sẽ lỗ thêm, dòng tiền Công ty sẽ âm lớn hơn”.
Ông Minh cũng tuyên bố: “Cam kết sẽ đi đến cùng với Công ty, nếu sai phạm ở đâu tôi sẽ chịu trách nhiệm đến đó”.
Trong vai trò Chủ tịch HĐQT, đồng thời cũng là cổ đông sở hữu 53.07% vốn Techgel, ông Lê Công Hùng giới thiệu bà Nguyễn Thị Thùy Dung vào vị trí Thành viên HĐQT và ông Trịnh Minh Thành vào vị trí Thành viên BKS. Các ứng cử viên đều được đại hội thông qua với tỷ lệ đồng ý 94.07%.
Ngoài ra, đại hội miễn nhiệm 3 Thành viên HĐQT gồm ông Đoàn Tường Vinh, Đặng Công Cường và Đặng Nguyễn Anh Khoa, dựa theo tờ trình miễn nhiệm và bầu bổ sung thành viên HĐQT do chính ông Lê Công Hùng ký ngày 10/04/2024.
Trước đại hội bất thường khoảng 10 ngày, ngày 15/04, ông Đoàn Tường Vinh và ông Đặng Công Cường, khi đó còn lần lượt kiêm chức vụ Phó Tổng Giám đốc và Phó phòng nhân sự, đã bị Công ty kỷ luật với hình thức khiển trách bằng văn bản. Bên cạnh hai cá nhân này, Công ty còn kỷ luật với 30 nhân sự khác, trong đó có ông Phạm Thành Đẹp (khi đó là Phó Tổng Giám đốc) cũng nằm trong danh sách cần thu hồi tiền.
Riêng trường hợp của ông Đặng Công Ngôn có phần đặc biệt hơn, trong giấy đăng ký doanh nghiệp giai đoạn tháng 09/2021-04/2023, ông giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT kiêm đại diện pháp luật Techgel, vị trí này sau đó được thay thế bởi ông Nguyễn Đỗ Vũ từ 04/04/2023.
Ngoài ra, trong các BCTC ghi nhận ông Ngôn từng giữ lượng lớn cổ phần Techgel nhưng giảm dần qua các năm, cụ thể cuối 2020 nắm 52.04%, cuối 2021 nắm 42.04% và cuối 2022 còn 29.52%.
Vào ngày 01/03/2024, ông Nguyễn Đỗ Vũ ký thông báo việc Techgel đổi mẫu con dấu, hiệu lực từ ngày 06/03/2024.
Ảnh chụp màn hình
Kinh doanh suy yếu trong giai đoạn bị “bòn rút”, nợ vay tăng cao
CTCP Kỹ thuật Công nghệ Sài Gòn (Techgel) thành lập ngày 21/03/2003, có trụ sở chính tại số 30 Phan Chu Trinh, phường 2, quận Bình Thạnh, TPHCM. Theo giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thay đổi ngày 10/04/2024, Công ty có vốn điều lệ 200 tỷ đồng, ông Nguyễn Đỗ Vũ giữ vai trò Chủ tịch HĐQT kiêm đại diện pháp luật.
Hoạt động chính của Techgel là xây dựng công nghiệp, thủy lợi, đường dây và trạm biến áp đến 500KV; xây dựng nền móng của tòa nhà, chống ẩm các tòa nhà, chôn chân trụ, uốn thép, xây gạch và đặt đá, lợp mái bao phủ tòa nhà, dựng giàn giáo, sửa chữa nhà.
Theo giới thiệu trên website, Techgel là đối tác độc quyền tại Việt Nam của hãng phân phối inverter ABB (Ý), SMA ( Đức), Solax (Trung Quốc), Zerver (Trung Quốc) cung cấp inverter cho các dự án điện Mặt trời tại Việt Nam và trên thế giới. Ngoài ra, Techgel còn hợp tác phân phối pin năng lượng mặt trời của Hanwha (Hàn Quốc), Solar World (Đức), Trina (Trung Quốc)… và các dòng inverter thông minh của OMNINK (Trung Quốc).
Nguồn: website Techgel
Trong giai đoạn diễn ra các hành vi “bòn rút” từ năm 2019-2022, kết quả kinh doanh của Techgel cũng biến động.
Từ 2019 sang năm 2020, doanh thu tăng đột biến từ 267 tỷ đồng lên 929 tỷ đồng, gấp 3.5 lần, thúc đẩy bởi các khoản thu từ hợp đồng xây dựng. Kết quả Công ty từ lỗ 18 tỷ đồng sang lãi ròng 17 tỷ đồng. Nhưng những năm sau đó, kết quả liên tục lao dốc, kết thúc năm 2022 trong tình cảnh lỗ ròng 13 tỷ đồng.
Bên cạnh các rối ren liên quan đến lương, thưởng, khoản mục chi phí dành cho nhân viên hay chi phí nhân công của Techgel cũng gây chú ý. Theo ghi nhận của người viết, các khoản mục này có xu hướng tăng lên trong bối cảnh doanh thu và lợi nhuận thu hẹp.
Cụ thể, chi phí nhân viên (bán hàng và quản lý doanh nghiệp) tăng rõ rệt từ khoảng 18 tỷ đồng năm 2018 lên đến 31 tỷ đồng năm 2022.
Một khoản khác cũng tăng đáng kể là chi phí nhân công cho hoạt động sản xuất kinh doanh, năm 2021 lên đến 144 tỷ đồng, chiếm 22% trong cơ cấu chi phí sản xuất kinh doanh. Năm 2022, dù khoản chi này giảm xuống còn 63 tỷ đồng, nhưng tỷ trọng vẫn cao so với giai đoạn trước đó, khoảng 17%.
Về góc độ tài sản, vay nợ liên tục tăng cao, phần lớn là vay ngắn hạn từ 170 tỷ đồng (gấp 1.3 lần vốn chủ) năm 2018 đến cuối năm 2022 lên 484 tỷ đồng (gấp 3.3 lần vốn chủ).
Theo báo cáo của Techgel vào cuối năm 2022, nợ vay chủ yếu tại BIDV Gia Định hơn 375 tỷ đồng. Đây là khoản vay hạn mức 600 tỷ đồng, nhằm bổ sung vốn lưu động, bảo lãnh, mở L/C. Các khoản vay chịu lãi suất theo từng lần giải ngân.
Để được vay, Techgel đã đảm bảo bằng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở đối với bất động sản tại địa chỉ số 30 Phan Chu Trinh, phường 2, quận Bình Thạnh, TPHCM - cũng chính là trụ sở chính của Techgel, giá trị quyền sử dụng đất còn lại hơn 93 tỷ đồng cuối năm 2022.
Ngoài ra, Techgel còn thế chấp một xe ô tô Mercedes Benz S350 mang biển kiểm soát 51A-183.59 và các tài sản khác. Trong đó, chiếc S350 giá trị còn lại cuối năm 2022 là 0 đồng.
Từng nợ lương, bảo hiểm xã hội nhân viên 3-4 tháng
Tình huống không mong muốn xảy ra vào tháng 08/2023 khi hàng trăm nhân viên Techgel đã phải đến Công ty gây áp lực sau 3-4 tháng không nhận được lương.
Cụ thể, trong hai ngày 22-23/08/2024, hơn 160 người lao động của Techgel tại TPHCM và các dự án tại tỉnh Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu đã yêu cầu gặp lãnh đạo Công ty, nhưng cuộc làm việc diễn ra mà không có câu trả lời thỏa đáng, xoay quanh việc Công ty phải chờ thu hồi công nợ để trả lương. Thời điểm đó, đại diện Techgel tham dự buổi làm việc có ông Nguyễn Tấn Minh ông Đoàn Tương Vinh.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận