Quyết tâm đạt mục tiêu tăng trưởng ngay đầu năm 2024
Kinhtedothi- Với mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm 2024 đạt từ 6-6,5%, ngay từ đầu năm 2024 Chính phủ, bộ ngành, địa phương đã và đang quyết liệt vào cuộc với sự đồng hành, chia sẻ từ người dân và doanh nghiệp.
Nhiều ngành phục hồi, tăng tốc sản xuất ngay đầu năm
Chỉ số sản xuất công nghiệp trong tháng 1/2024 tăng trên 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất nhập khẩu thì tính đến giữa tháng 2/2024, xuất khẩu hàng hóa tăng gần 22% so với cùng kỳ năm ngoái, nhập khẩu tăng hơn 12%. Dịch vụ bùng nổ về du lịch và một số những lĩnh vực dịch vụ khác… Khách quốc tế đến Việt Nam tăng 73,6%.
Xuất, nhập khẩu đều tăng cho thấy nhiều doanh nghiệp đã có đơn hàng. Đặc biệt, trong lĩnh vực dệt may, da giày đã có doanh nghiệp có hợp đồng đến tháng 6 và nhiều doanh nghiệp đã tuyển trở lại lao động.
Số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động ở trong tháng 1, tăng 5,5% so với cùng kỳ. Về vốn đầu tư là một chỉ số rất quan trọng cho sự phát triển kinh tế, vốn đầu tư thực hiện từ ngân sách nhà nước trong tháng 1 tăng gần 13% so với cùng kỳ, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI đăng ký tăng trên 40% so với cùng kỳ, còn vốn FDI thực hiện tăng gần 10% so với cùng kỳ.
Ngay sau Tết, người lao động nhanh chóng trở lại làm việc, với không khí ra quân thực hiện nhiệm vụ đầu năm, tạo khí thế vui tươi, phấn khởi trong lao động sản xuất ngay từ đầu năm. Dây chuyền sản xuất của nhiều đơn vị đã hoạt động. Công nhân mừng vì có việc ngay, còn lãnh đạo phấn khởi vì 1 khởi đầu tốt: Đơn hàng có đủ và ổn định.
Ngành giao thông vận tải bố trí được đủ phương tiện; Các cơ quan nhà nước thực hiện nghiêm quy định cán bộ, công chức khẩn trương xử lý công việc ngay từ đầu năm, đặc biệt là những công việc bị dồn lại sau Tết.
Đầu tư công được đẩy mạnh với việc hàng loạt địa phương đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm, phấn đấu giải ngân đầu tư công đạt 95% trong năm 2024.
Tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tăng năng lực cho doanh nghiệp
Tăng trưởng GDP cả năm 2023 ước đạt khoảng 5,05%. Bên cạnh các yếu tố thuận lợi, một số khó khăn, thách thức đã kìm hãm tăng trưởng năm 2023. Tổng cầu phục hồi yếu, lạm phát nhiều nước vẫn ở mức cao, chuỗi cung ứng thiếu ổn định, đã ảnh hưởng đến kinh tế trong nước. Hoạt động xuất, nhập khẩu phục hồi chậm do nhu cầu thế giới giảm, chính sách tiền tệ thắt chặt và lạm phát vẫn ở mức cao. Tác động từ sự suy giảm của nền kinh tế thế giới dồn nén từ thời đại dịch tới nay nhiều khả năng vẫn sẽ tiếp tục tác động đến nền kinh tế Việt Nam ít nhất trong nửa đầu năm 2024 trước khi đón nhận những dấu hiệu tích cực, khả quan hơn.
Đầu tư xã hội vẫn chủ yếu dựa vào đầu tư công và đầu tư từ khu vực nước ngoài, đầu tư tư nhân trong nước vẫn yếu, chưa phục hồi trước những yếu tố bất lợi từ bên ngoài và môi trường kinh doanh trong nước chưa thuận lợi.
Thị trường bất động sản tiếp tục ảm đạm, dòng tiền luân chuyển hạn chế, đặc biệt trong bối cảnh áp lực đáo hạn và trả nợ trái phiếu doanh nghiệp năm 2023 lớn. Tăng trưởng tín dụng chậm.
Do đó, ngay từ đầu năm Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 01, 02 vào ngày 5/1, về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh.
Chính phủ “ưu tiên tập trung thúc đẩy tăng trưởng kinh tế” với 12 giải pháp cụ thể. Chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, đồng bộ nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn. Đáp ứng đủ vốn cho nền kinh tế; nghiên cứu chính sách miễn giảm gia hạn thuế; đơn giản thủ tục hành chính; phát triển ổn định lành mạnh các thị trường (trái phiếu, quyền sử dụng đất); và đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công ngay từ đầu năm.
Thực tế, Nghị quyết này cũng đã được các bộ ngành, doanh nghiệp khẩn trương thực hiện để thúc đẩy đạt mục tiêu tăng trưởng trong năm 2024. Các bộ ngành, địa phương đã xây dựng Chương trình tổng thể về thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn 2024 - 2025. Trong đó đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, cơ cấu lại các lĩnh vực theo hướng đa dạng hóa, tăng cường năng lực nội tại và sức chống chịu của nền kinh tế trước những biến động khó lường của kinh tế và thương mại thế giới.
Điểm sáng trong năm 2024 là một số ngành thương mại có thể duy trì đà tăng trưởng bởi các chính sách thương mại và thúc đẩy tiêu dùng nội địa như: ngành vận tải hàng không, bán buôn bán lẻ, dịch vụ lưu trú, ăn uống, dịch vụ tài chính, dịch vụ du lịch… Các ngành dịch vụ phi thị trường dự báo vẫn ổn định.
Chính phủ và các bộ liên quan tiếp tục hướng dẫn, tổ chức triển khai hiệu quả các luật căn bản của thể chế kinh tế thị trường, như Luật Đất đai; Luật Kinh doanh bất động sản; Luật Nhà ở; Luật Doanh nghiệp; Luật Đầu tư; Luật Đấu thầu; Luật Quản lý nợ công; Luật Đầu tư công; Luật Cạnh tranh; Luật An ninh mạng; Luật Giao dịch điện tử, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng,...
Bên cạnh làm mới các động lực tăng trưởng cũ là khai thác hiệu quả các động lực tăng trương mới như kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chỉ có sản xuất xanh mới tạo ra những sản phẩm có hiệu suất kinh tế tốt. Hy vọng với tinh thần khẩn trương, quyết liệt, quyết tâm cao ngay từ những ngày đầu năm, chúng ta sẽ hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ của năm 2024.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận