Quyết liệt đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại khu vực phía Nam
Trong năm 2022, Cục Quản lý thị trường 20 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam đã kiểm tra 21.508 vụ, phát hiện vi phạm 13.496 vụ, xử lý 13.516 vụ vi phạm.
Báo cáo tại Hội nghị giao ban công tác phối hợp giữa 20 Cục Quản lý thị trường khu vực phía Nam năm 2022 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2023 do Tổng cục Quản lý thị trường tổ chức vừa qua, ông Hồng Văn Hoàng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Tây Ninh cho biết, trong năm 2022, tình hình vận chuyển, tàng trữ, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu vẫn còn diễn biến phức tạp, hàng hóa được phát hiện chủ yếu là các mặt hàng thuốc lá điếu, đường cát, dược phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, quần áo, giày dép, đồ điện gia dụng, mắt kính, đồng hồ đeo tay, rượu, bia, nước giải khát, đồ chơi trẻ em, điện thoại di động, hàng thiết yếu tiêu dùng, xe đạp điện, xe máy điện, phụ tùng xe, sản phẩm hàng hóa thuộc danh mục Nhà nước cấm nhập khẩu...
Theo báo cáo, lực lượng Quản lý thị trường 20 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam đã kiểm tra 21.508 vụ, phát hiện vi phạm 13.496 vụ vi phạm, tiến hành xử lý 13.516 vụ, phạt hành chính tổng số tiền trên 141 tỷ đồng.
Bà Nguyễn Thị Thanh Loan - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Phước - cho biết, nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Phước đang triển khai kiểm tra đối với 64 tổ chức, cá nhân kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh. Năm 2022, qua kiểm tra, các đội Quản lý thị trường thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Phước đã tiến hành lập biên bản tịch thu và tiêu hủy 306 kg thịt gia súc, gia cầm; 720 lon nước ngọt, 835 sản phẩm bánh kẹo, 2.250 kg đường cát, 240 chai rượu trắng… không có nguồn gốc xuất xứ và không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm theo quy định.
Thông tin về tình hình quản lý về hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn tỉnh Bến Tre, ông Nguyễn Văn Phúc - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Bến Tre - cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện có 7 cơ sở sản xuất phân bón, 446 cơ sở kinh doanh phân bón và 408 cở sở hoạt động kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật. Năm 2022, qua các đợt kiểm tra phát hiện 124/143 vụ việc vi phạm. Cục đã tiến hành xử phạt hành chính trên 1,1 tỷ đồng; trong đó, lượng phân bón lưu thông trên thị trường hiện nay không đảm bảo theo quy chuẩn chất lượng và hàng giả đang chiếm tỷ lệ khá cao (có 17/66 mẫu vi phạm được lấy ngẫu nhiên qua kiểm tra, chiếm 25,75%).
Ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường - nhấn mạnh, các tỉnh: Long An, Bình Phước, Tây Ninh, Đồng Tháp, An Giang là một trong những địa bàn trọng điểm về hàng lậu, có dấu hiệu gia tăng như thuốc lá, đường cát, pháo lậu… nên cần phải tập trung, đấu tranh quyết liệt với các loại tội phạm này. “Hiện, việc nhức nhối nhất được ghi nhận của Tổng cục Quản lý thị trường là giữa trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh (Quận 1, Quận 3, Quận 5, Quận Tân Bình) hàng giả, hàng nhái các nhãn hiệu hàng cao cấp vẫn được bán công khai, cho thấy sự xem thường pháp luật của các tiểu thương là điều không thể chấp nhận được, sắp tới, Tổng cục Quản lý thị trường sẽ chỉ đạo quyết liệt chấn chỉnh vấn đề này" - Tổng cục trưởng cho hay.
Nhận định tình hình sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn còn xảy ra với những phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi; không chỉ xuất hiện tại các chợ, trung tâm thương mại ở các thành phố lớn mà hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ còn được đưa về đến tận các chợ nông thôn, chợ truyền thống, khu vực xung quanh các khu công nghiệp, khu chế xuất... Cùng với đó, nhiều mặt hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ được chào bán công khai qua các trang mạng xã hội cũng phần nào gây khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát, giám sát đối tượng của các đơn vị quản lý thị trường.
Bên cạnh đó, Tổng cục Quản lý thị trường đánh giá, lĩnh vực kinh doanh xăng dầu do có sự biến động về nguồn cung do ảnh hưởng của thị trường xăng dầu thế giới và trong nước nên một số thương nhân đầu mối không đủ nguồn xăng dầu cung cấp cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu dẫn đến hiện tượng doanh nghiệp tạm nghỉ do hết xăng dầu, có trường hợp vẫn mở cửa bán nhưng hết xăng hoặc hết dầu, hoặc chỉ bán theo định mức.
Để đảm bảo nguồn cung ứng xăng dầu được liên tục, Lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường đề nghị Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam bám sát quyết liệt, kiên quyết xử lý những cửa hàng xăng dầu cố tình đóng cửa hoặc trì hoãn việc nhập hàng và bắt buộc các trạm xăng dầu phải hoạt động theo đúng thời gian quy định.
Đồng thời, lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường đề nghị 20 Cục Quản lý thị trường khu vực phía Nam những ngày cuối năm 2022 và năm 2023 cần tiếp tục tăng cường phối hợp để giải quyết các vụ việc phát sinh; đề nghị Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Tây Ninh và các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam phối hợp, tạo điều kiện cho các Cục Quản lý thị trường ở các địa phương hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần ổn định thị trường trong nước, tăng nguồn thu thuế cho ngân sách Nhà nước.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận