Quyết định 60 không gắn với luật nào?
Tại buổi làm việc mới đây với Sở Tài nguyên-Môi trường (TN-MT), Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan, cho biết sẽ xem xét điều chỉnh Quyết định 60/2017/QĐ-UBND quy định diện tích tối thiểu được tách thửa (ban hành ngày 5-12-2017, có hiệu lực ngày 1-1-2018). Như vậy sau hơn 2 năm, quyết định này phải điều chỉnh, vì sao?
Thực tế, sau khi Quyết định 60 có hiệu lực, ghi nhận từ các quận, huyện số lượng hồ sơ được giải quyết tách thửa rất hạn chế. Theo người dân, một số quy định của Quyết định 60 như một giấy phép con đã làm khó họ. Mới đây, Sở TN-MT đã tiếp nhận văn bản góp ý những điểm chưa được của Quyết định 60 từ Sở Tư pháp. Theo đó, về nội dung đất thuộc “quy hoạch đất ở xây dựng mới” và “quy hoạch đất sử dụng hỗn hợp, trong đó có chức năng đất ở” không được tách thửa.
Qua rà soát, Luật Đất đai 2013, Luật Quy hoạch đô thị 2009, Luật Xây dựng 2013, Luật Quy hoạch 2017 và các Nghị định của Chính phủ liên quan đến quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị và các loại quy hoạch được quy định tại Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị chung của TPHCM, các văn bản này đều không sử dụng thuật ngữ “quy hoạch xây dựng mới” “quy hoạch đất sử dụng hỗn hợp” hoặc giải thích đối với quy hoạch này.
Như vậy, việc quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 5 Quyết định 60 đã hạn chế quyền tách thửa của người sử dụng đất, không phù hợp với Luật Đất đai 2013 và Nghị định 01/2017/NĐ-CP khi quy định các trường hợp không được tách thửa.
Về quy định trường hợp tách thửa đất có hình thành đường giao thông và hạ tầng kỹ thuật, Điểm c Khoản 1 Điều 5 Quyết định 60 quy định “trường hợp khi tách thửa đất ở có hình thành đường giao thông và hạ tầng kỹ thuật giao UBND quận, huyện rà soát các điều kiện về diện tích đất, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, căn cứ quy định pháp luật quy hoạch, xây dựng và hướng dẫn các sở ngành theo quy định tại Khoản 2, Điều 7 Quyết định này, để hướng dẫn người sử dụng đất thực hiện hạ tầng kỹ thuật đảm bảo phù hợp theo quy hoạch được duyệt, kết nối hạ tầng kỹ thuật chung hiện hữu của khu vực”.
Thực ra giao trách nhiệm cho UBND quận huyện căn cứ quy định về quy hoạch, xây dựng và hướng dẫn của các sở, ngành để hướng dẫn người sử dụng đất thực hiện hạ tầng kỹ thuật, là nhằm đảm bảo phù hợp theo quy hoạch. Tuy nhiên, do lúng túng trong hướng dẫn thực hiện của các sở, ngành, đã dẫn đến sự chưa thống nhất đồng bộ trong các điều kiện được tách thửa trên địa bàn TP, có dấu hiệu phát sinh thủ tục hành chính.
Thí dụ, Hướng dẫn số 914 của Sở Quy hoạch - Kiến trúc yêu cầu lấy ý kiến các sở ngành liên quan và quy định các tiêu chí về hạ tầng kỹ thuật để được tách thửa đất, là chưa đúng thẩm quyền của Luật ban hành văn bản QPPL năm 2015.
Đồng thời, căn cứ Luật Đất đai 2013, UBND cấp tỉnh chỉ có thẩm quyền quy định diện tích tối thiểu được tách thửa đối với 2 loại đất “đất ở tại nông thôn” và “đất ở tại đô thị” (Điều 143 và Điều 144). Ngoài ra, Luật Đất đai 2013 cũng không giao Chính phủ mở rộng thẩm quyền của UBND cấp tỉnh quy định diện tích tối thiểu được tách thửa đối với các loại đất khác.
Do đó, Quyết định 60 quy định diện tích tách thửa đối với đất không phải là “đất ở tại nông thôn” và “đất ở tại đô thị”, là chưa phù hợp với quy định của Luật Đất đai 2013, chưa đảm bảo nguyên tắc thông nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận