menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Thúy An

Quy mô GDP của Việt Nam có thể vươn lên thứ 2 ASEAN

Người đứng đầu Chính phủ cho rằng, với niềm tin và khát vọng vươn lên mạnh mẽ của toàn dân tộc, Việt Nam cần nhanh chóng bứt phá, rút ngắn khoảng cách phát triển với khu vực và thế giới, nỗ lực phấn đấu đạt mục tiêu thành nước thu nhập trung bình cao.

Ngày 28/3, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giới thiệu, quán triệt chuyên đề về Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 và phương hướng, nhiệm vụ 5 năm tới (2021-2025).

“Đầu nhiệm kỳ là Formosa, cuối nhiệm kỳ là Corona”

Nhìn lại chặng đường 35 năm đổi mới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử; thế và lực lớn mạnh hơn nhiều, quy mô, tiềm lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế được nâng lên; có nhiều kinh nghiệm quý trong thực tiễn công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành.

Đến nay, quy mô nền kinh tế Việt Nam trong top 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới và đứng thứ 4 trong ASEAN. GDP bình quân đầu người năm 2020 đạt trên 3.500 USD, Việt Nam nằm trong tốp 10 quốc gia tăng trưởng cao nhất thế giới, là 1 trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới, có độ mở của nền kinh tế đạt khoảng 200% GDP và cũng là một trong những nước có độ mở kinh tế cao nhất thế giới.

Như vậy, Việt Nam đã có thứ hạng nhất định về mức độ tăng trưởng. Ngoài ra, Việt Nam thiết lập quan hệ chính thức với 189/193 quốc gia, có quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư với trên 224 nước, vùng lãnh thổ. Tăng trưởng kinh tế bình quân 10 năm 2011-2021 đạt 5,95%...

Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ cũng chỉ ra, nền kinh tế trong nước vẫn nhiều tiềm ẩn rủi ro, độ mở lớn, năng lực cạnh tranh và sức chống chịu hạn chế, chịu ảnh hưởng lớn của biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh. “Đầu nhiệm kỳ là Formosa và cuối nhiệm kỳ là Corona”, Thủ tướng ví von về những thách thức trong nhiệm kỳ qua.

Quy mô nền kinh tế Việt Nam trong top 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới và đứng thứ 4 trong ASEAN.

GDP bình quân đầu người năm 2020 đạt trên 3.500 USD, Việt Nam nằm trong tốp 10 quốc gia tăng trưởng cao nhất thế giới, là 1 trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới.

Việt Nam có độ mở của nền kinh tế đạt khoảng 200% GDP và cũng là một trong những nước có độ mở kinh tế cao nhất thế giới.

Trong bối cảnh khó khăn như vậy, Thủ tướng đặt vấn đề Việt Nam có thể đứng thứ nhì ASEAN hay không về quy mô nền kinh tế? “Khả năng này có thể đạt được nếu chúng ta quyết tâm”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Nêu rõ một số dung trọng tâm của chiến lược 10 năm và phương hướng 5 năm, Thủ tướng cho rằng cần phổ biến khát vọng phát triển đất nước phải đến từng người dân, từng cơ sở thì mới thành công. Đồng thời phải phấn đấu hoàn thành các mục tiêu trên để đất nước không lạc hậu.

"Với niềm tin và khát vọng vươn lên mạnh mẽ của toàn dân tộc, Việt Nam cần nhanh chóng bứt phá, rút ngắn khoảng cách phát triển với khu vực và thế giới, nỗ lực phấn đấu hướng đến mục tiêu sớm trở thành nước thu nhập trung bình cao với tất cả thay đổi cách nghĩ, cách làm, 'chứ không phải bổn cũ chép lại', Thủ tướng lưu ý.

Về 5 quan điểm phát triển, Thủ tướng nhấn mạnh phải khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, ý chí tự cường và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc.

"Chúng ta cần xây dựng nền kinh tế tự chủ, mặc dù hội nhập sâu rộng nhưng không phụ thuộc vào bất cứ nước nào. Coi trọng thị trường trong nước. Chủ động, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia" Thủ tướng nói và nhấn mạnh "chủ quyền quốc gia là thiêng liêng trong mỗi trái tim chúng ta".

Thủ tướng cho biết, chiến lược xác định 11 chỉ tiêu, trong đó có 7 chỉ tiêu kinh tế, 4 chỉ tiêu môi trường. Áp lực đối với Việt Nam là phải liên tục tăng trưởng cao. Ông dẫn chứng, các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc cũng có 2-3 thập niên liền liên tục tăng trưởng cao.

"Việt Nam hoàn toàn có khả năng tăng trưởng cao và nếu không có biện pháp để tăng trưởng cao thì chúng ta sẽ tụt hậu, phát triển không bền vững, thu nhập thấp, lạc hậu. Vì vậy, chúng ta phải đi trước đón đầu, quyết tâm chính trị cao, ý chí dân tộc và khát vọng phát triển trong mọi người dân, cơ sở trong thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu. Tăng trưởng cao liên tục trong mấy thập kỷ là điều cần thiết và năm nay, chúng ta phấn đấu tăng 6-6,5%, sang năm có thể là 7%, nhưng sắp tới phải đạt mức tăng GDP 8-9% bình quân/năm. Con số này đòi hỏi chúng ta phấn đấu và quyết tâm mạnh mẽ", Thủ tướng khẳng định.

Ngoài ra, không chỉ kinh tế, người đứng đầu Chính phủ cho rằng Việt Nam còn phải tập trung những chỉ tiêu quan trọng về xã hội và môi trường. Đặc biệt, về vấn đề tuổi thọ trung bình của người dân, Thủ tướng lưu ý “đừng để tình trạng chưa giàu đã già”. Hiện nay Việt Nam đang ở thời kỳ dân số vàng nên cần tận dụng lợi thế này để thu hút đầu tư, đưa đất nước tiến lên.

"Những gì Nhà nước không cần làm thì để xã hội làm"

Thủ tướng cho biết, chiến lược 10 năm cũng nêu rõ những nội hàm mới trong các đột phá chiến lược.

Theo đó, đột phá thứ nhất là tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Thứ hai là tiếp tục phát triển toàn diện nguồn nhân lực, khoa học, công nghệ đổi mới sáng tạo gắn với khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, lòng tự hào dân tộc, ý chí tự cường và phát huy giá trị, văn hóa, con người Việt Nam.

Thứ ba là tiếp tục hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội đồng bộ, hiện đại. Trọng tâm là ưu tiên phát triển hạ tầng trọng yếu về giao thông, năng lượng, công nghệ thông tin, đô thị lớn, hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu.

“Chúng ta không thành kiến mà tạo điều kiện bình đẳng để doanh nghiệp tư nhân phát triển.

Đặc biệt, chúng ta phát triển các tập đoàn kinh tế tư nhân vươn ra toàn cầu và có thương hiệu lớn. Những gì Nhà nước không cần làm thì để xã hội làm, Nhà nước không ôm đồm hết tất cả", Thủ tướng nói.Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Ngoài ra, chiến lược cũng xác định cần tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo. Tập trung xây dựng, hoàn thiện quy hoạch, kế hoạch phát triển. Đẩy mạnh phát triển một số ngành, lĩnh vực kinh tế trọng điểm.

Xây dựng và thực hiện các giải pháp chính sách khắc phục tác động của dịch bệnh Covid-19, nhanh chóng phục hồi nền kinh tế, tận dụng hiệu quả các cơ hội mới. Cơ cấu lại các ngành, kĩnh vực một cách thực chất để tăng năng suất lao động, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh (thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số, sản xuất thông minh…).

Cùng với đó, là đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, bảo đảm doanh nghiệp nhà nước là một lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước. Phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân của người Việt Nam cả về số lượng và chất lượng, hiệu quả, bền vững, thực sự trở thành một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế.

Đặc biệt, về nội dung cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước, Thủ tướng lưu ý đến năm 2025 hoàn thành việc sắp xếp lại khối doanh nghiệp này; xử lý cơ bản các yếu kém của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, chống tham nhũng, "sân trước sân sau" trong doanh nghiệp nhà nước. Bên cạnh đó, phấn đấu có càng nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân lớn mạnh, để đến năm 2030, Việt Nam có những tập đoàn hàng đầu khu vực.

“Chúng ta không thành kiến mà tạo điều kiện bình đẳng để doanh nghiệp tư nhân phát triển. Đặc biệt, chúng ta phát triển các tập đoàn kinh tế tư nhân vươn ra toàn cầu và có thương hiệu lớn. Những gì Nhà nước không cần làm thì để xã hội làm, Nhà nước không ôm đồm hết tất cả", Thủ tướng nói.

Thủ tướng cho rằng, Việt Nam có 4 cuộc cải cách lớn, là cải cách giáo dục, cải cách tiền lương, cải cách hành chính và cải cách tư pháp. Thời gian tới, cần tiếp tục chỉ đạo thực hiện 4 cuộc cải cách này đến thành công.

Cuối cùng, về khâu tổ chức thực hiện chiến lược, Thủ tướng nêu rõ, đây là khâu quan trọng nhất. “Chủ trương 1, biện pháp 10, kế hoạch 20, đôn đốc thực hiện kiểm tra quyết liệt thì mới thành công. Nghị quyết có hay, chiến lược có tốt, có đúng mà tổ chức thực hiện kém, không quyết liệt, không linh hoạt điều hành thì Nghị quyết và chiến lược không đi vào cuộc sống. Chúng ta cần hiểu tổ chức thực hiện là cả hệ thống chính trị chứ không phải chỉ các cấp chính quyền", Thủ tướng nhấn mạnh.

Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng diễn ra trong hai ngày 27-28/3.

Trong ngày làm việc thứ 2 của hội nghị (28/3), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giới thiệu, quán triệt về chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.

Hai văn kiện này do Tiểu ban Kinh tế - Xã hội của Đại hội XIII khởi thảo cách đây hơn 2 năm, kể từ phiên họp đầu tiên của Tiểu ban vào tháng 11/2018, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Tiểu ban.

Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030 đã xác định đến năm 2030 (kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng), Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và xác định cả tầm nhìn đến năm 2045 (kỷ niệm 100 năm thành lập nước) trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Việt Nam phấn đấu đến năm 2030, GDP bình quân đầu người đạt khoảng 7.500 USD. Trong 5 năm tới (2021 – 2025), Việt Nam xác định tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân đạt khoảng 6,5 - 7%/năm. Đến năm 2025, GDP bình quân đầu người khoảng 4.700 - 5.000 USD.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
1 Bình luận
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại